Việt Nam đã chuyển từ đơn thuần thu hút vốn đầu tư nước ngoài sang hợp tác với các nhà đầu tư Hàn Quốc trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội… Nội dung trên đã được nhiều chuyên gia, diễn giả trao đổi tại Diễn đàn Hợp tác Việt - Hàn (VIKO30) do Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại TP HCM ngày 22-7.
Đối tác quan trọng hàng đầu
Trao đổi tại diễn đàn, Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1992-2022), Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác kinh tế. Việt Nam đang có nhiều thế mạnh để các nhà đầu tư Hàn Quốc ưu tiên lựa chọn hợp tác phát triển như lĩnh vực công nghệ, môi trường công nghiệp công nghệ cao.
Các chuyên gia, đại diện hiệp hội tại Việt Nam - Hàn Quốc trao đổi tại Diễn đàn Hợp tác Việt - Hàn (VIKO30). Ảnh: PHƯƠNG AN
Theo Đại sứ Nguyễn Phú Bình, hợp tác giữa hai nước đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế của Việt Nam. "Trước đây, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM và các tỉnh lân cận nhưng giờ đang dần mở rộng ra nhiều tỉnh, thành khác, tạo động lực phát triển cho các tỉnh, thành cả nước" - Đại sứ Nguyễn Phú Bình khẳng định.
Thông tin tới các hiệp hội ngành nghề, DN Hàn Quốc tại diễn đàn, lãnh đạo một số tỉnh khu vực phía Nam như Long An, Đồng Nai cho biết địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt để đón các nhà đầu tư. Các tỉnh vẫn còn quỹ đất lớn dành cho phát triển các khu công nghiệp và mong muốn thu hút đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông, xử lý môi trường, sản xuất công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao...
Quảng bá sự hấp dẫn của Việt Nam
Ông Kwon Sung Teak, Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Kinh tế Hàn - Việt (KOVECA), cho hay ban đầu Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư vì có nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ và DN Hàn Quốc đầu tư vào các ngành sản xuất thâm dụng lao động. Còn hiện nay, ngày càng có nhiều DN Hàn Quốc đầu tư vào các ngành công nghiệp chế tạo, công nghệ cao… Hoạt động đầu tư cũng sẽ không tập trung tại Hà Nội và TP HCM mà có nhiều hình thức đầu tư phù hợp với từng địa phương, hướng đến chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ.
Theo ông Kwon Sung Teak, đang có làn sóng DN Hàn Quốc chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Xu hướng đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ có sự thay đổi đáng kể trong thời gian tới. "Trong phạm vi hoạt động của mình, KOVECA cam kết sẽ đẩy mạnh quảng bá những điểm hấp dẫn của Việt Nam để thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đến Việt Nam" - Phó Chủ tịch KOVECA bày tỏ. Ông đồng thời nhấn mạnh thành tựu lớn nhất trong 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc là hợp tác kinh tế dựa trên sự tương đồng về văn hóa.
Thông tin tại diễn đàn cho hay các nhà đầu tư Hàn Quốc đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ chuyển đổi số nhanh nhất thế giới, có dân số trẻ và là điểm đến đầu tư hấp dẫn số 1 đối với DN Hàn Quốc. Tuy nhiên, ngoài những điều kiện thuận lợi về quan hệ hợp tác lâu năm và tương đồng về văn hóa, nhu cầu phát triển… thì vẫn có những trở ngại về mặt chính sách. Hệ thống văn bản quy định đối với hoạt động đầu tư thay đổi liên tục khiến không ít nhà đầu tư nước ngoài gặp vướng mắc. Do đó, các nhà đầu tư Hàn Quốc mong đợi sự minh bạch và thống nhất hơn trong việc triển khai cách chính sách, đặc biệt là chính sách thu hút đầu tư.
Hợp tác hiệu quả hơn nữa
Ông Nguyễn Đức Hùng, nguyên đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, phân tích rằng Hàn Quốc cần thị trường lớn hơn để phát triển kinh tế và cần thị trường lao động trong khi Việt Nam cần vốn, công nghệ, kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc. Nhu cầu của cả hai bên đã được đáp ứng thỏa đáng trong suốt 30 năm qua.
TS Phan Hữu Thắng - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho rằng bên cạnh những thuận lợi vẫn có những thách thức nhất định. Do đó hai bên cần trao đổi thường xuyên để chia sẻ, cập nhật thông tin, nhu cầu của nhau để tiến tới hợp tác cụ thể và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Bước tiến dài và tích cực
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 30 năm qua, thương mại song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc tăng gấp 160 lần, từ 500 triệu USD trong năm 1992 lên 80,7 tỉ USD vào năm 2021. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc và Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam.
Nhìn vào thành tựu đã đạt được, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức nhìn nhận chưa bao giờ mối quan hệ giữa Việt Nam - Hàn Quốc có bước tiến dài và tích cực như thời gian gần đây. "Riêng TP HCM đã có quan hệ hợp tác với 7 địa phương của Hàn Quốc. Không chỉ ký kết hợp tác văn bản, TP HCM và các địa phương này thường xuyên triển khai hợp tác các dự án văn hóa, y tế, giáo dục, kinh tế..." - ông Dương Anh Đức nói.
Bình luận (0)