Việt Nam đã hoàn thành Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 được ban hành theo Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Việt Nam đã ngừng phát sóng truyền hình tương tự, hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất từ 0 giờ ngày 28-12-2020. Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tại cuộc họp báo ngày 11-1.
Đạt các mục tiêu lớn
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ truyền hình đã trải qua nhiều cuộc cách mạng như truyền hình cơ học, truyền hình điện tử (đen trắng), truyền hình màu, đến nay là truyền hình số và trong tương lai sẽ là truyền hình thông minh, truyền hình 3D.
Sau 9 năm, đề án số hóa truyền hình đã đạt và vượt tất cả mục tiêu ban đầu đề ra, góp phần thực hiện cam kết của toàn khối ASEAN vào năm 2010 là tắt sóng hoàn toàn truyền hình tương tự vào năm 2020. "Chúng ta đã hoàn thành chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số trên phạm vi toàn quốc với gần 100 triệu dân (26 triệu hộ gia đình), đã giải phóng 112 MHz băng tần 700 MHz, là băng tần có độ phủ sóng tốt nhất hiện nay cho thông tin di động 5G toàn quốc" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu lớn của đề án số hóa truyền hình là góp phần thu hút được nguồn lực xã hội để phủ sóng truyền hình mà trước kia là "sân chơi" riêng của các đài phát thanh - truyền hình nhà nước. 100% các đài phát thanh - truyền hình địa phương đã được tổ chức, sắp xếp theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa tập trung vào sản xuất nội dung chương trình và thuê dịch vụ truyền dẫn phát sóng, trong khi trước năm 2011, 100% nhà đài vừa làm nội dung vừa truyền dẫn, phát sóng.
Tại cuộc họp báo, đại diện Ban Chỉ đạo đề án cho biết việc chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số theo hướng hiện đại đã nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng số lượng kênh chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số truyền hình. Đồng thời, công nghệ này đã giải phóng một phần tài nguyên tần số để phát triển các dịch vụ thông tin di động và vô tuyến băng rộng; từng bước mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số nhằm phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; cung cấp các dịch vụ truyền hình đa dạng, phong phú, chất lượng cao.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì họp báo về hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất. Ảnh: MINH PHONG
Nhiều lợi ích cho người dân
Nhắc lại thời điểm bắt đầu đề án năm 2011, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dẫn con số 90% hộ gia đình có máy thu hình chưa xem được truyền hình số. Đến năm 2020, đã có 16 triệu hộ gia đình xem truyền hình số qua các phương thức cáp, IPTV; trên 3,2 triệu hộ sử dụng truyền hình vệ tinh miễn phí. Đề án nêu trên thành công bởi Việt Nam có cách làm rất riêng, lộ trình cụ thể, lấy lợi ích của người dân làm trung tâm.
Việt Nam là một trong 6 nước đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ DVB-T2. Bên cạnh đó, Việt Nam đã sử dụng Quỹ dịch vụ viễn thông công ích thay ngân sách để thúc đẩy số hóa truyền hình (các nước khác phải dùng ngân sách). Điểm đột phá lớn nhất mang tính chất "đi tắt đón đầu" được lãnh đạo Bộ TT-TT nhấn mạnh là Việt Nam đã sử dụng công nghệ DVB-T2 là công nghệ thế hệ sau thay vì công nghệ DVB-T. Đặc biệt, Việt Nam đã hỗ trợ đầu thu số cho 1,9 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia từ năm 2015 đến 2020. Vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất đã đạt 80% dân cư so với 50% dân cư của năm 2011.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT), cho biết với việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự, hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất, người dân sẽ xem thêm được nhiều kênh truyền hình chất lượng cao nhưng hoàn toàn miễn phí. Theo đó, ngoài các kênh truyền hình thiết yếu, sẽ cung cấp thêm cho người dân từ 15-20 kênh với chất lượng HD, có nội dung thông tin giải trí, tổng hợp.
Lý giải về việc này, ông Yên cho biết trước đây với truyền hình tương tự mặt đất, 1 kênh tần số chỉ có thể phát sóng 1 kênh chương trình truyền hình thì nay 1 kênh tần số có thể phát sóng đến 30 kênh chương trình. Vì vậy, tại nhiều địa phương, người dân đã có thể thu để xem thêm nhiều kênh.
Việt Nam thuộc nhóm đi đầu trên thế giới
Báo cáo của Bộ TT-TT nêu rõ Việt Nam là nước thứ 5 trong khối ASEAN hoàn thành việc tắt sóng truyền hình tương tự (Brunei năm 2017, Singapore năm 2019, Malaysia năm 2019, Thái Lan năm 2020). Với thế giới, Việt Nam đứng thứ 78/193 nước hoàn thành tắt sóng truyền hình tương tự, thuộc nhóm các nước đi đầu. Với những nỗ lực trong 9 năm qua khi thực hiện đề án, đã giúp mở rộng đáng kể vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất, từ phủ trung tâm của 40 tỉnh, TP, đến nay đã vươn đến tất cả 63 tỉnh, thành trên toàn quốc, xuống đến nhiều huyện, xã, thôn, bản.
Bình luận (0)