Mỹ cam kết phấn đấu vì khu vực tự do và cởi mở, với các quốc gia vững mạnh và độc lập, tôn trọng chủ quyền lẫn nhau, tôn trọng nguyên tắc pháp quyền và thúc đẩy thương mại công bằng. "Trong bối cảnh đó, quan hệ đối tác của Mỹ với Việt Nam là tuyệt đối quan trọng" - ông nhấn mạnh.
Đại sứ Mỹ cho biết ông đã đề ra 5 ưu tiên hàng đầu cho mối quan hệ song phương, đó là những lĩnh vực hai nước cùng chia sẻ lợi ích và có tầm quan trọng sống còn: an ninh, kinh tế, thương mại, nhân đạo và các vấn đề di sản chiến tranh, giao lưu nhân dân và nhân quyền. Ngoài ra, các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước còn trải rộng trong các lĩnh vực khác như: y tế, năng lượng, môi trường…
Trong hơn 20 năm qua, thương mại song phương Việt Nam - Mỹ tăng gấp 12.000 lần, hiện kim ngạch thương mại đạt 52 tỉ USD. Nhiều công ty hàng đầu của Mỹ đang đầu tư vào Việt Nam và Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ. Bên cạnh đó, giao lưu nhân dân phát triển mạnh mẽ, hiện hơn 30.000 học sinh, sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ, hơn 1.000 sinh viên Mỹ đang học tập tại Việt Nam.
Đại sứ Kritenbrink khẳng định hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quân sự giữa hai nước đang rất thành công và có đà tiến triển lớn, có thể là một trong những khía cạnh tích cực nhất trong quan hệ song phương. Mỹ dự định tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực mà hai nước chia sẻ lợi ích chung, trong đó có hợp tác an ninh biển ở biển Đông. Mỹ đặc biệt nhấn mạnh quyền tự do hàng hải, hàng không trong khu vực này với nguyên tắc tiến hành các hoạt động thương mại không bị cản trở, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Mỹ tiếp tục hỗ trợ tăng cường năng lực biển của Việt Nam, trong đó có năng lực cảnh sát biển. Đồng thời, Mỹ tiếp tục tiến hành thường xuyên các hoạt động nhấn mạnh quyền tự do hàng hải, hàng không trong khu vực. "Chúng tôi hy vọng tiến hành thường xuyên các chuyến thăm của tàu hải quân Mỹ đến Việt Nam để nhấn mạnh quan hệ hai nước cũng như mối liên kết giữa nhân dân hai nước" - Đại sứ Kritenbrink nói.
Lưu ý rằng việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam là hành động mang ý nghĩa biểu tượng về sự tăng cường quan hệ, lòng tin giữa hai nước, ông Kritenbrink cũng cho rằng điều này mở ra cánh cửa cho sự hợp tác giữa hai quốc gia trong thời gian tới ở lĩnh vực mua sắm vũ khí. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải có thời gian và còn một số yếu tố phức tạp mà hai bên cần phải tính đến như: khía cạnh tài chính, an ninh, kỹ thuật, những vũ khí nào là phù hợp và thiết thực... Mỹ cam kết tiếp tục có sự tiếp xúc chặt chẽ với các đối tác Việt Nam để hai bên cùng xem xét vấn đề này.
Bình luận (0)