Chiều 10-9, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì lễ đón Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo nghi lễ trọng thể nhất dành cho nguyên thủ quốc gia. Ngay sau lễ đón, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam và Tổng thống Joe Biden dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Mỹ tiến hành hội đàm tại Trụ sở Trung ương Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden trên bục danh dự, thực hiện nghi thức chào cờ tại lễ đón. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt
Tại hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chào mừng, đánh giá cao Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 10 năm xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện (2013-2023). Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt, là dịp để lãnh đạo hai nước trao đổi về quan hệ Việt - Mỹ và các vấn đề quốc tế vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững ở khu vực và thế giới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại những kỷ niệm tốt đẹp về cuộc trao đổi chân tình với ngài Joe Biden khi Tổng Bí thư thăm Mỹ hồi tháng 7-2015; đánh giá cao những ý kiến trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo trong thời gian qua và cảm ơn Tổng thống Joe Biden vào tháng 6 vừa qua đã gửi thư mời Tổng Bí thư sớm thăm lại Mỹ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao đổi về những thành tựu Việt Nam đạt được qua gần 40 năm đổi mới toàn diện nhằm thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" theo các phương hướng chính là phát triển kinh tế, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, phát huy xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Tổng Bí thư chúc mừng những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội của Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Joe Biden và những đóng góp của Mỹ trong việc góp phần thúc đẩy hợp tác toàn cầu giải quyết những thách thức lớn đặt ra như y tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh lương thực.
Tổng Bí thư nêu rõ đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam là độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Việt Nam đánh giá cao lập trường của Mỹ ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN về vấn đề biển Đông; đồng thời đề nghị Mỹ tiếp tục ủng hộ, đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, hợp tác, bảo đảm các quyền tự do hàng hải, hàng không và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các quốc gia ở biển Đông; không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không có các hành động trái với luật pháp quốc tế làm phức tạp thêm tình hình, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Xác lập quan hệ ở tầm cao mới
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại Việt Nam đã hợp tác với Mỹ chống phát-xít trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Chủ tịch Hồ Chí Minh trích một phần Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ ngay trong phần mở đầu của Bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam; gửi thư đến Chính phủ Mỹ đề nghị thiết lập quan hệ đầy đủ với Mỹ. Tuy nhiên, quan hệ hai nước đã trải qua không ít thăng trầm, đặc biệt là cuộc chiến tranh dài ngày...
Việt Nam vui mừng nhận thấy kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, đặc biệt là sau khi xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện vào năm 2013, quan hệ Việt - Mỹ đã có bước phát triển mạnh mẽ, sâu sắc, thực chất, hiệu quả.
Trên những cơ sở quan trọng nêu trên, vì lợi ích của nhân dân hai nước và mong muốn tăng cường hợp tác nhằm các mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trong bối cảnh mới, Việt Nam hoan nghênh việc hai nước xác lập quan hệ ở tầm cao mới là Đối tác Chiến lược Toàn diện, vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden nhất trí rằng thực tế đã qua cho thấy những yếu tố quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Mỹ là việc tôn trọng đầy đủ những nguyên tắc cơ bản định hướng cho quan hệ hai nước, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Phương châm đặc thù cho sự phát triển quan hệ Việt Nam - Mỹ là "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai". Việt Nam đánh giá cao và coi trọng khẳng định của Mỹ là ủng hộ Việt Nam "mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Joe Biden. Ảnh: TTXVN
Ủng hộ sự phát triển của Việt Nam
Tổng thống Joe Biden bày tỏ vui mừng được đến thăm Việt Nam, gặp lại Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng thống nhấn mạnh chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử không chỉ đối với quan hệ hai nước, mà còn đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thế giới, nêu rõ quan điểm của Mỹ về ủng hộ một khu vực mở, ổn định, an toàn, liên kết và thịnh vượng.
Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh sự coi trọng đối với vai trò, vị trí của Việt Nam ở khu vực và đánh giá cao vai trò tích cực của Việt Nam trên nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu; khẳng định sự ủng hộ đối với vai trò trung tâm của ASEAN và mong muốn hợp tác với Việt Nam để đóng góp vào sự đoàn kết, thịnh vượng của ASEAN.
Tổng thống Joe Biden bày tỏ sự trân trọng đối với đất nước Việt Nam, đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam về phát triển, đóng góp vào công việc quốc tế và những đóng góp, vai trò lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng thống Joe Biden bày tỏ sự ủng hộ đối với sự phát triển của Việt Nam, trong đó có hợp tác kinh tế và khoa học, công nghệ trong giai đoạn mới, bao gồm phát triển công nghiệp điện tử, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng sạch.
Tổng thống Joe Biden đánh giá cao việc hai nước nâng cấp quan hệ lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện có lợi cho cả hai nước và lợi ích quốc tế chung.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng cuộc hội đàm đã diễn ra trong không khí hữu nghị, bình đẳng, hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, trao đổi sâu rộng, toàn diện và đạt kết quả tốt đẹp. Những kết quả quan trọng của cuộc hội đàm và chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển của quan hệ hai nước trong giai đoạn mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.
Tiếp tục tăng cường hiểu biết lẫn nhau
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao các nội dung được thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước về Tuyên bố chung về việc nâng tầm quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh một số phương hướng lớn để thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Mỹ. Trong đó có việc tiếp tục tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thực hiện những nguyên tắc định hướng, tạo ổn định lâu dài, gặp gỡ, hợp tác cấp cao giữa các ngành, các cấp, giao lưu nhân dân.
Tổng Bí thư hoan nghênh việc thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư và tăng trưởng kinh tế bao trùm theo hướng đổi mới sáng tạo tiếp tục là nền tảng trọng tâm, động lực cho quan hệ hai nước và việc hai bên nhất trí tạo đột phá trong hợp tác về khoa học, công nghệ.
Những dấu mốc quan trọng
- Ngày 3-2-1994, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố Mỹ bỏ hoàn toàn cấm vận Việt Nam.
- Ngày 11-7-1995, Tổng thống Bill Clinton tuyên bố Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Cùng ngày (sáng 12-7-1995, theo giờ Việt Nam), Thủ tướng Võ Văn Kiệt thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
- Ngày 5-8-1995, tại Hà Nội, Ngoại trưởng Warren Christopher và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đã ký Nghị định thư, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ.
- Ngày 13-7-2000, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Mỹ được ký kết tại Washington D.C, có hiệu lực từ ngày 10-12-2001.
- Từ ngày 16 đến 19-11-2000, Tổng thống Bill Clinton thăm chính thức Việt Nam. Ông là Tổng thống Mỹ đầu tiên thăm chính thức nước ta.
- Từ ngày 19 đến 25-6-2005, Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức Mỹ. Đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Việt Nam thăm Mỹ sau chiến tranh.
- Từ ngày 17 đến 20-11-2006, Tổng thống George W.Bush thăm chính thức Việt Nam.
- Ngày 8-12-2006, Hạ viện Mỹ thông qua Luật dành Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam. Dự luật được Thượng viện Mỹ thông qua ngày 9-12-2006.
- Từ ngày 18 đến 23-6-2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức Mỹ.
- Từ ngày 23 đến 26-6-2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Mỹ.
- Từ ngày 24 đến 26-7-2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm chính thức Mỹ. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngày 25-7-2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama tuyên bố hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện.
- Ngày 2-10-2014, Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
- Từ ngày 6 đến 10-7-2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Mỹ. Hai bên đã thông qua Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam - Mỹ.
- Từ ngày 31-8 đến 9-9-2015, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm chính thức Mỹ.
- Từ ngày 22 đến 24-5-2016, Tổng thống Barack Obama thăm chính thức Việt Nam. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngày 23-5-2016, Tổng thống Barack Obama tuyên bố Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
- Từ ngày 29 đến 31-5-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Mỹ. Hai bên đã ra Tuyên bố chung về tăng cường Đối tác Toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ.
- Từ ngày 11 đến 12-11-2017, Tổng thống Donald Trump thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017.
- Từ ngày 27 đến 28-2-2019, Tổng thống Donald Trump thăm Việt Nam và dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 diễn ra tại Hà Nội.
- Từ ngày 24 đến 26-8-2021, Phó Tổng thống Kamala Harris thăm Việt Nam.
- Từ ngày 11 đến 17-5-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, làm việc tại Mỹ và Liên Hiệp Quốc, dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Mỹ.
Bình luận (0)