xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

VIỆT NAM NỖ LỰC GỠ THẺ VÀNG IUU: Không thể biện minh do nghèo

Văn Duẩn - Minh Chiến

Sẽ chuyển danh sách địa phương nào thường xuyên có tàu vi phạm tới Thủ tướng

Chiều 15-8, tại Phiên họp 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan, về vấn đề gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản được rất nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm. Câu hỏi được các ĐB đặt ra là Việt Nam có gỡ được thẻ vàng IUU (hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý) trong lần đánh giá thứ 4 của EC vào tháng 10 tới đây?

1 tàu cá vi phạm cũng không gỡ được

ĐB Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) và ĐB Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình), cho biết thẻ vàng IUU không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến uy tín, vị thế quan hệ ngoại giao của nước ta. Đã gần 6 năm, Việt Nam vẫn chưa gỡ được thẻ vàng. Dự kiến EC sẽ tiến hành đánh giá lần 4 trong tháng 10 và nước ta đặt mục tiêu gỡ thẻ vàng trong lần đánh giá này. ĐB đề nghị Bộ trưởng NN-PTNT cho biết Việt Nam có thể đạt mục tiêu trong lần đánh giá thứ 4 hay không?

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngành thủy sản bị cảnh báo thẻ vàng IUU đã ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu thủy sản; tỉ trọng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU có xu hướng giảm dần qua từng năm. Một trong những nguyên nhân chưa gỡ được cảnh báo thẻ vàng là số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra; việc theo dõi, kiểm soát tàu cá còn bất cập. Về giải quyết chấm dứt vi phạm trên biển, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định "chỉ cần một chiếc tàu vi phạm là không gỡ được "thẻ vàng", do đó dù khó đến mấy vẫn phải quyết tâm thực hiện". Bộ trưởng dẫn chứng các quốc gia láng giềng đã sử dụng các biện pháp rất mạnh, thậm chí như giữa biển khơi họ đánh đắm tàu cá vi phạm, chứ không chỉ phạt như Việt Nam.

Phía EC cũng tin tưởng về quyết tâm của Việt Nam khi triển khai kế hoạch 180 ngày cao điểm chống khai thác IUU. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho biết phía EC chưa tin tưởng về việc thực thi ở cấp địa phương. Ông cho rằng đây là vấn đề khó khăn, nhất là với 28 tỉnh ven biển, nên phải phối hợp hành động. "Ta hay nghĩ rằng ngư dân nghèo mà phạt nặng quá thì tội nghiệp. Nhưng chúng ta không biện minh cái nghèo với EU được nữa, họ cần chúng ta hành động. Ở Việt Nam, gần 60% vi phạm ở các địa phương vẫn chưa được xử lý. Do đó, Bộ sẽ chuyển danh sách địa phương nào thường xuyên có tàu vi phạm tới Thủ tướng. Đã đến lúc phải xử lý nghiêm, nếu không sẽ không đủ sức răn đe, không có sự thay đổi" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

VIỆT NAM NỖ LỰC GỠ THẺ VÀNG IUU: Không thể biện minh do nghèo - Ảnh 1.

Nguồn: BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN. Đồ họa: CHI PHAN

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, cùng với khai thác phải nuôi trồng. Khi đẩy mạnh được nuôi trồng, sẽ chuyển những đội tàu khai thác từ hơn 120.000 chiếc còn hơn 90.000 chiếc. Dẫn chứng ở Thái Lan, ngư trường bằng 70% so với Việt Nam nhưng họ có đội tàu chỉ 40.000 chiếc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh ưu tiên nuôi trồng thủy sản không chỉ giải quyết nguồn thủy sản cho ngư dân mà còn chuyển đổi nghề nghiệp, cùng với đó phải có doanh nghiệp đầu tư. Bộ trưởng khẳng định gỡ thẻ vàng IUU không phải mục tiêu duy nhất, mà phải giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học đại dương, biển của Việt Nam; bởi nếu sự bền vững không giữ được, gỡ thẻ vàng này thì có thể bị áp thẻ vàng khác.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn tỉnh Hải Dương, đặt vấn đề Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng nông dân trồng lúa gạo vẫn rất nghèo. Bộ trưởng Lê Minh Hoan thừa nhận nông nghiệp là ngành thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế, người trồng lúa có thu nhập kém nhất trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng có thể làm khác đi để tăng thu nhập. Cụ thể, giá gạo Việt tăng từng ngày là thời cơ để bà con trồng lúa cải thiện thu nhập. Hiện nay, khi Ấn Độ và một số nước cấm xuất khẩu gạo, các nước tăng nhập gạo của Việt Nam. Nhiều thị trường như Trung Quốc, Philippines, Indonesia đang tranh mua gạo Việt với số lượng tăng 40% đến vài chục lần. "Nhưng cải thiện thu nhập nông dân trồng lúa không chỉ là vấn đề giá, mà cần giảm chi phí sản xuất" - Bộ trưởng nói. Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành nông nghiệp khuyến nghị người trồng lúa, nhất là tại ĐBSCL, vào HTX để mua chung, bán chung, tạo thu nhập ở nhiều phân khúc.

Chặn thông đồng, dìm giá khi đấu giá tài sản

Sáng cùng ngày, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, ĐB Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) nêu thực trạng một bộ phận đấu giá viên còn hạn chế nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, vẫn còn nể nang trong hoạt động đấu giá tài sản. "Đề nghị Bộ trưởng cho biết có bao nhiêu trường hợp đấu giá viên vi phạm pháp luật phải xử lý, nguyên nhân của tình trạng này và giải pháp khắc phục trong thời gian tới? Định hướng sửa đổi Luật Đấu giá tài sản để phòng ngừa vi phạm pháp luật?" - ĐB Thúy chất vấn.

Cùng quan tâm vấn đề này, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu tình trạng "quân xanh, quân đỏ" trong đấu giá tài sản làm thất thu ngân sách, gây phản cảm trong nhân dân. ĐB này đề nghị Bộ trưởng nêu nguyên nhân và đưa ra biện pháp khắc phục.

Trả lời các ĐB, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết từ năm 2018 - 2022, Bộ Tư pháp và các đơn vị đã thực hiện tổng số là 143 cuộc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đấu giá tài sản. Về pháp luật đấu giá, theo Bộ trưởng, các quy định đã chặt chẽ hơn về quy trình, cách thức, quy chế để giảm bớt đi tình trạng thông đồng, dìm giá. Bộ Tư pháp đã tăng cường các biện pháp để chuyên nghiệp hóa đấu giá viên đúng theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực và các văn bản của cấp có thẩm quyền.

Về định hướng sửa Luật Đấu giá, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cần siết chặt một số quy định để giảm tình trạng thông đồng, dìm giá, trục lợi, đặc biệt là làm thất thoát ngân sách nhà nước. Cần có các biện pháp về tăng cường năng lực, chuyên nghiệp hóa đội ngũ đấu giá viên với tư cách là một nghề tư pháp đặc thù. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển đến đấu giá trực tuyến. Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, đấu giá trực tuyến là hình thức tốt để hạn chế tình trạng không minh bạch, thông đồng, dìm giá. Phương thức này được áp dụng phổ biến khi đấu giá tài sản tư nhân. Các tổ chức này đã có trang và cách thức đấu giá trực tuyến, còn đấu giá tài sản công hiện nay mới được nghĩ tới. Bộ Tư pháp đang bổ sung quy định, chi tiết hóa để xây dựng trang, cổng thông tin điện tử thực hiện. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, việc này gặp khó khăn do kinh phí, cách quản lý, cơ chế tự chịu trách nhiệm, cơ chế quản lý thị trường.

"Các cơ quan đang nghiên cứu kinh nghiệm tổ chức đấu giá trực tuyến của Hàn Quốc để sớm xây dựng, ban hành cách thức vận hành" - Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết. 

Rất đau lòng khi phải chi cả tỉ USD nhập muối

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Anh Trí (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) về giải pháp để Việt Nam đủ muối dùng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết cần tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn cho ngành muối, chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy xây dựng nền kinh tế muối, đưa muối không chỉ là một gia vị, mà phải trở thành thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm. Theo ĐB Nguyễn Anh Trí, hiện nay mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 600.000 tấn muối với trị giá hàng tỉ USD để đáp ứng nhu cầu trong nước. "Một đất nước có biển, nắng, kinh nghiệm làm muối mà vẫn phải nhập khẩu muối, tôi cảm thấy rất đau lòng" - ĐB Trí bày tỏ.

2-chot

ĐB Nguyễn Anh Trí (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Ảnh: QUOCHOI.VN

Nghiên cứu bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Tham gia chất vấn, ĐB Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long) dẫn báo cáo của Bộ Tư pháp về việc có nơi né tránh trách nhiệm trong tham mưu xây dựng pháp luật, hoặc "trao đi đổi lại", đâu là nguyên nhân chính, giải pháp khắc phục thực trạng này?

Trả lời, Bộ trưởng Lê Thành Long thừa nhận có tình trạng sợ trách nhiệm, nhưng khó lượng hóa. Thực tế có câu chuyện trong một số trường hợp cứ không làm được hoặc ngại thì đổ lỗi cho hệ thống pháp luật. Hoặc có trường hợp nói là do thi hành pháp luật hoặc một số nơi có xu hướng giải thích theo hướng "tiện cho mình". Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu một số quy định về bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, kỳ vọng sẽ góp phần khắc phục tình trạng này.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo