Ngày 11-9, tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) phối hợp với Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) và UBND tỉnh Bình Định khai mạc Hội thảo "Khoa học vì hòa bình" với chủ đề "An ninh và mất an ninh nguồn nước: Tái thiết sự chung sống hòa bình với khoa học".
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải (bên phải), Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định (bên trái) và các đại biểu dự hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Việt Nam là quốc gia ven biển Thái Bình Dương; có 3.450 con sông, suối lớn nhỏ, với chiều dài từ 10 km trở lên. Tổng lượng nước mặt trung bình hằng năm hiện nay khoảng 830 tỉ m3 nhưng 63% nguồn nước mặt tạo ra bởi các lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ. Do đó, nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lưu vực các con sông bắt nguồn từ nước ngoài.
Quang cảnh hội thảo
Trong bối cảnh tác động ngày càng tiêu cực và khó dự báo của biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước là vấn đề mà Việt Nam đặc biệt quan tâm; đặc biệt cần phải xây dựng định hướng, mục tiêu và các giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước cho hơn 100 triệu dân. Do đó Việt Nam đang đứng trước một số thách thức lớn về an ninh nguồn nước.
Trong khuôn khổ hội thảo, với mong muốn hợp tác cùng cộng đồng khu vực và quốc tế bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, ông Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu tham dự cùng nhau chia sẻ những thách thức đang gặp phải và trao đổi các giải pháp tháo gỡ, đưa ra các bài học và kinh nghiệm trong thực hiện mục tiêu này để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu đến năm 2030.
Các đại biểu tham gia hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Hội thảo diễn ra trong ba ngày, từ 11 đến 13-9, với 9 phiên thảo luận về các chuyên đề chuyên sâu: khoa học và chính trị, chương trình quan sát trái đất để giám sát nguồn nước, thực hành lập pháp điển hình, ngoại giao đa phương trong khu vực và song phương về nguồn nước cho các hợp tác xuyên biên giới.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đề cập phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người đối với an ninh nguồn nước và hòa bình, đổi mới công nghệ xử lý nước nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước, thúc đẩy an ninh nguồn nước thông qua khoa học cộng đồng, mạng lưới Liên minh Nghị viện về nguồn nước, ngoại giao khoa học và khoa học dự đoán.
Bình luận (0)