Chiều 23-6, tôi nhận được điện thoại của GS-NGND Vũ Dương Ninh báo hung tin thầy Phan Huy Lê vừa mất. Cuộc điện thoại quá bất ngờ, không tin nổi nhưng lại là sự thật...
Thầy của những người thầy
Dù chỉ là một giáo viên dạy sử THPT (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) nhưng tôi may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác là được gặp gỡ, tiếp xúc, trò chuyện với thầy trong rất nhiều sự kiện lớn của giới sử học trong hàng chục năm qua. Lần nào ra Hà Nội công tác, tôi đều tranh thủ đến thăm thầy và gia đình tại nhà riêng ở số 7, ngõ Vọng Đức.
Không thể nhớ tôi đã gặp thầy bao nhiêu lần, chỉ nhớ cuộc gặp gỡ cuối cùng là lần với thầy vào TP HCM dự hội thảo khoa học quốc gia về 40 năm cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đầu năm.
Những năm gần đây, dù căn bệnh cao huyết áp và tim mạch thường xuyên đe dọa sức khỏe, thầy vẫn gắng làm việc với số lượng công việc khổng lồ cùng tập thể các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam để hoàn thành bộ Quốc sử 25 tập do thầy làm Tổng Chủ biên.
Giáo sư Phan Huy Lê và thầy Trần Trung Hiếu
Hầu như bất cứ ai khi có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, trò chuyện với GS Phan Huy Lê đều có chung cảm giác thầy hết sức bình dị, gần gũi và đáng kính. Trong giao thiệp, thầy không bao giờ phân biệt tuổi tác, địa vị. Qua những cuộc trò chuyện và lắng nghe, chúng tôi đã trưởng thành hơn về nhận thức lịch sử, về khả năng tư duy, mở mang kiến thức…
Nếu được nói về thầy, tôi chỉ có thể giãi bày ngắn gọn: Một trí tuệ lớn, một nhân cách lớn trong một nhà khoa học lớn và một nhà sư phạm mẫu mực. Là người thầy của nhiều người thầy, cùng với GS Đinh Xuân Lâm, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, thầy Phan Huy Lê đã làm nên "tứ trụ" của sử học Việt Nam hiện đại, khai sáng nền sử học Việt Nam sau năm 1945.
Trong khoa học, thầy luôn tạo nên sự hấp dẫn về phong thái lịch thiệp, cẩn trọng, nhẹ nhàng, sâu sắc. Còn ngoài đời, thầy Phan Huy Lê là một người có lối sống rất bình dị, khiêm nhường và luôn tôn trọng ý kiến góp ý, phản biện khi trò chuyện với các đồng nghiệp, các thế hệ học trò và phóng viên báo chí.
Phát pháo hiệu "Hội nghị Diên Hồng" của giới sử học
Tôi có may mắn luôn được đón nhận sự quan tâm, sẻ chia từ thầy trong cả công việc và cuộc sống đời thường. Đôi khi có những cuốn sách mới và hay, thậm chí cả những bộ tài liệu, kỷ yếu các hội thảo khoa học mà thầy viết bài, tham dự và chủ trì, chủ biên, thầy đều gọi cho tôi và cất dành.
Tôi với thầy có nhiều kỷ niệm trong nhiều sự kiện liên quan đến môn lịch sử nhưng có lẽ kỷ niệm không thể nào quên chính là "Hội nghị Diên Hồng" của giới sử hồi năm 2015.
Sau khi nhận thông tin chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) không có tên môn lịch sử, tôi đã gọi cho thầy để nêu ý kiến. Đó là "phát pháo hiệu" mở đầu cho cuộc đấu tranh sục sôi nhất, quyết liệt nhất của giới sử học và dư luận xã hội phản bác lại quyết định sai lầm này của Bộ GD-ĐT. Đỉnh điểm cho sự kiện này chính là "Hội nghị Diên Hồng" của giới sử học ngày 15-11-2015 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam yêu cầu giữ nguyên tên gọi môn lịch sử. Kết quả, Quốc hội đã quyết định "giữ tên môn lịch sử trong chương trình phổ thông".
Thành tựu nghiên cứu đồ sộ
Giáo sư Phan Huy Lê đã từ trần vào lúc 13 giờ 6 phút ngày 23-6 tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, hưởng thọ 85 tuổi.
Giáo sư Phan Huy Lê sinh ngày 23-2-1934 tại xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Cả hai dòng họ nội, ngoại của GS Phan Huy Lê đều là những dòng họ khoa bảng nổi tiếng với những danh nhân văn hóa lớn.
Năm 1956, ông là cán bộ giảng dạy tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Những công trình nghiên cứu đầu tiên trong sự nghiệp khoa học của ông là "Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê sơ" (1959), "Đặc điểm của phong trào nông dân Tây Sơn" (1959), "Lao động và làm thuê trong xã hội phong kiến Việt Nam" (1959)… Sau đó ông chuyển sang nghiên cứu về các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và trận đánh lớn trong lịch sử dân tộc. Từ giữa những năm 1970, Phan Huy Lê mở rộng sang nghiên cứu lĩnh vực văn hóa - truyền thống…
Ngoài thời gian giảng dạy chính ở Khoa Lịch sử, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), ông còn dạy ở nhiều trường trong và ngoài nước như ĐH Paris VII (Pháp), ĐH Amsterdam (Hà Lan)...
Từ năm 1988 đến nay, GS Phan Huy Lê liên tục là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam. Ông được phong học hàm Giáo sư (1980), Nhà giáo Ưu tú (1988), Nhà giáo Nhân dân (1994); được tặng Giải thưởng nhà nước (2000), Giải thưởng quốc tế Văn hóa châu Á Fukuoka, Nhật Bản (1996), Huân chương Cành cọ Hàn lâm của chính phủ Pháp (2002).
Y.Anh
Bình luận (0)