xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vĩnh biệt một nhân cách lớn!

Bài và ảnh: Tâm Minh

Ông Trương Vĩnh Trọng thu phục nhân tâm bằng đạo đức, năng lực và sự quyết đoán, quyết liệt, thẳng thắn nhưng luôn rộng lượng, chân tình và bao dung

Ngồi dưới mái hiên nhà bên tách trà, ông Huỳnh Minh Đoàn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, bồi hồi nhớ lại những năm tháng được gắn bó, làm việc với ông Trương Vĩnh Trọng (tên thường gọi là Hai Nghĩa) - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ.

Ông Huỳnh Minh Đoàn xúc động khi nói về ông Trương Vĩnh Trọng: "Anh Hai Nghĩa vừa như một người anh vừa như người thầy dạy tôi nhiều thứ trong lúc mới nhậm chức vụ ở Tỉnh ủy Đồng Tháp. Anh là một nhân cách lớn, cao thượng, nghĩa tình và trong sáng".

Vĩnh biệt một nhân cách lớn! - Ảnh 1.

Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng giản dị trong cuộc sống thường nhật

Theo ông Đoàn, tháng 7-2000, ông Trương Vĩnh Trọng được trung ương điều động tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp và được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy. Lúc đó, ông Trương Vĩnh Trọng tâm sự với ông Đoàn rằng khi đang là Trưởng Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ trung ương, ông được Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gọi lên thông báo điều về tỉnh Đồng Tháp nhận nhiệm vụ mới.

Khi làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, bằng tài đức và nghệ thuật phát huy năng lực, ông Trương Vĩnh Trọng vào cuộc chỉnh đốn Đảng bộ tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 (khóa VIII). Phong cách làm việc của ông là vào các cuộc họp, tất cả thành viên phải ý kiến; khi ra quyết định phải đồng thuận cao, thể hiện và phát huy tốt tính dân chủ, công khai minh bạch trong tổ chức.

Chia sẻ những kỷ niệm sâu sắc với ông Trương Vĩnh Trọng, ông Đoàn hồi tưởng: "Khi đó, tôi mới nhận chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, công việc quá mới mẻ với tôi. Thời gian đầu, anh Hai Nghĩa thường gọi tôi lên để chia sẻ từng việc, từng mảng mà tôi còn thiếu sót, trong xử lý công việc. Chỉ trong mấy tháng nhận nhiệm vụ, anh Hai Nghĩa đã dẫn dắt tập thể lãnh đạo của tỉnh chặn được đà suy yếu của Đảng bộ, ổn định tình hình kinh tế - chính trị, khôi phục niềm tin trong nhân dân".

Vĩnh biệt một nhân cách lớn! - Ảnh 2.

Ông Huỳnh Minh Đoàn (ảnh nhỏ), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, kể chuyện về ông Trương Vĩnh Trọng

Lúc ông Trương Vĩnh Trọng đã về trung ương làm Phó Thủ tướng Chính phủ, trong một lần biết hoàn cảnh vợ của một tài xế ở Tỉnh ủy Đồng Tháp quá nghèo, không có đủ 90 triệu đồng để mổ tim, ông liền tổ chức đợt vận động và đã trao tận tay số tiền để lo cho gia đình người này. Không riêng gì tài xế ấy, khi biết nhiều người khác gặp khó khăn là ông sẵn sàng giúp đỡ.

Theo ông Đoàn, ông Trương Vĩnh Trọng mang đậm tố chất của một nhà lãnh đạo trong sạch, lịch lãm mà giản dị, kiên trung với Đảng và đầy ắp tinh thần yêu nước, thương dân. Ông làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp trong thời gian ngắn nhưng đã xông pha xuống hầu hết xã, phường trong tỉnh; gặp mặt, giải quyết cơ bản mọi bức xúc của cán bộ và nhân dân. Ông đột phá trực diện vào những yếu kém, lập lại trật tự kỷ luật, kỷ cương trong Đảng bộ, thiết lập và đổi mới phong cách, lề lối làm việc khoa học, phát huy tốt tính dân chủ nhưng ràng buộc, quy trách nhiệm cho từng thành viên lãnh đạo.

"Anh Hai Nghĩa thu phục nhân tâm bằng đạo đức, năng lực và sự quyết đoán, quyết liệt, thẳng thắn nhưng luôn rộng lượng, chân tình và bao dung. Anh luôn thể hiện tình nghĩa sâu nặng với các bậc lão thành và các thuộc cấp nơi quê hương Đồng Tháp" - ông Đoàn nhận xét. 

Tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước

Ông Trương Vĩnh Trọng (tên thường gọi Hai Nghĩa), sinh ngày 11-11-1942; quê quán: xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre; thường trú tại ấp 3, xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm; tham gia hoạt động cách mạng tháng 1-1960; vào Đảng ngày 25-10-1964. Ông là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ) khóa VI; Ủy viên BCHTƯ Đảng các khóa VII, VIII, IX, X; Bí thư Trung ương Đảng các khóa IX, X; Ủy viên Bộ Chính trị khóa X; đại biểu Quốc hội các khóa VIII, XI; nguyên Trưởng Ban Nội chính trung ương, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ.

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa, song do tuổi cao, sức yếu, ông đã từ trần hồi 3 giờ 25 phút ngày 19-2-2021 (tức mùng 8 tháng giêng năm Tân Sửu) tại nhà riêng.

Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, ông đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc; được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Để tỏ lòng thương tiếc và ghi nhận những thành tích, cống hiến của ông Trương Vĩnh Trọng, BCHTƯ Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quyết định tổ chức lễ tang ông với nghi thức cấp Nhà nước. Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định Ban Lễ tang Nhà nước gồm 21 người, do ông Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ - làm Trưởng ban.

Linh cữu ông Trương Vĩnh Trọng được quàn tại Hội trường lớn UBND tỉnh Bến Tre. Để thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 theo quy định của Chính phủ, lễ viếng ông Trương Vĩnh Trọng được tổ chức đồng thời tại 2 địa điểm. Tại tỉnh Bến Tre: Tổ chức ở Hội trường lớn UBND tỉnh từ 8 đến19 giờ ngày 21-2-2021. Tại Hà Nội: Tổ chức ở Nhà Tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông) từ 8 đến11 giờ ngày 21-2-2021. Lễ truy điệu vào lúc 9 giờ ngày 22-2-2021 tại Hội trường lớn UBND tỉnh Bến Tre. Lễ an táng lúc 11 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bến Tre.

Luôn cởi mở với báo chí

Anh Hai Nghĩa là người luôn cởi mở với báo chí. Trong một lần tình cờ, anh xem một phóng sự trên Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp về "Học ngược" - phản ánh một học trò sáng ngồi lớp 4 chiều vô lớp 1 để học đánh vần. Anh đã cho mời ngay lãnh đạo đài và ngành giáo dục tỉnh vào họp rồi nhấn mạnh: "Nhà báo có vai trò giám sát. Báo chí nói đúng thì phải rút kinh nghiệm. Báo chí từ nay cứ làm hết chức năng phản biện, giám sát của mình để các ngành, các cấp lấy đó mà soi mình, sửa chữa".

Năm 2000, cơn lũ lịch sử quét qua Đồng Tháp Mười khiến người dân rất khó khăn. Nhiều nơi bị cô lập, thiếu ăn xảy ra. Nước dâng cao, thị xã Cao Lãnh lúc bấy giờ chìm trong lũ. Giữa lúc rối ren đó, anh Hai Nghĩa không triệu tập cuộc họp mà lại đến thẳng với người dân đang gặp khó khăn do nước lũ...

Huỳnh Minh Đoàn

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo