Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an ngày 12-4 xác nhận với phóng viên Báo Người Lao Động chưa nhận được đơn cầu cứu từ ông Diệp Khắc Cường - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển mạng lưới hữu nghị (FNC) và các chủ đầu tư liên quan đến đồng tiền ảo iFan.
Khó bảo vệ quyền lợi bị hại
Theo đại diện C50, sau khi thu thập một số thông tin, đơn vị đã kiến nghị đến Thủ tướng, lãnh đạo các bộ - ngành để có hình thức quản lý đối với đồng tiền ảo iFan. Loại tiền ảo này không được pháp luật bảo vệ vì cộng đồng người nước ngoài không đăng ký tại Việt Nam và hầu hết những người này đều không có tư cách pháp nhân ở chính nước ngoài. Cộng đồng iFan lấy danh nghĩa là người nước ngoài rồi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, đồng tiền này cũng không có quy định ràng buộc hay giá trị để thanh toán tại Việt Nam. Vì không được coi là phương tiện thanh toán nên cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc áp dụng chế tài để bảo vệ quyền lợi cho người tham gia. "Chúng tôi đã khuyến cáo về những tác hại từ tiền ảo iFan nhưng không hiểu sao nhiều người vẫn sập bẫy với số tiền cực lớn" - đại diện C50 thông tin.
Ông Diệp Khắc Cường khẳng định mình cũng là nạn nhân của nhóm dự án tiền ảo iFan Ảnh: THÁI PHƯƠNG
Pháp luật chưa theo sát thực tiễn
Tuy nhiên, theo thạc sĩ - luật sư Huỳnh Công Thư, Đoàn Luật sư tỉnh Long An, pháp luật bắt nguồn từ thực tế cuộc sống. Ngoài đặc trưng điều chỉnh các quan hệ xã hội, nó còn phải có khả năng dự báo sự phát triển đó để kịp thời là công cụ đắc lực cho chính quyền trong việc quản lý xã hội, tránh sự rối loạn. Thế nhưng, thời gian qua, Công ty CP Modern Tech do Hồ Xuân Văn và đồng bọn đã tổ chức các sự kiện rầm rộ, công khai, có khi tràn ra cả phố đi bộ Nguyễn Huệ nhưng không thấy bóng dáng của nhà quản lý ở đâu. Hậu quả là tổ chức này đã bán ra iFan, Pinecoin với hứa hẹn lãi suất lên tới 48%/ tháng và huy động một số tiền khủng, mới tính sơ bộ đã 15.000 tỉ đồng.
Về mặt pháp lý, theo luật sư Thư, huy động tiền ảo đa cấp là hành vi "vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" đã được quy định tại điều 206 Bộ Luật Hình sự 2015, bổ sung năm 2017 nhưng mãi đến ngày 1-1-2018 mới có hiệu lực. Do vậy, đối với hành vi xảy ra trước ngày này thì không thể xét xử bởi nguyên tắc không hồi tố của pháp luật. Vậy, nếu không có tính chất chiếm đoạt, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì chắc chắn hành vi lừa đảo này sẽ bị bỏ lọt, không bị xử lý.
Về mặt quản lý nhà nước đối với việc tổ chức các sự kiện, ngày 15-3-2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2016/NĐ-CP quy định thủ tục cấp phép tham gia hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu mà không thấy đề cập đến hành vi tổ chức liên quan đến các sự kiện huy động tiền ảo và tiếp thị đa cấp.
"Rõ ràng đây là một lỗ hổng lớn trong quản lý, tạo điều kiện cho các đối tượng lừa đảo, lách luật tổ chức các sự kiện tiếp thị, huy động tiền ảo với quy mô lớn. Nhân đây, tôi đề nghị các cơ quan chức năng nên có văn bản quy định chặt chẽ các hoạt động mang tính tiếp thị, lôi kéo như thế này để có biện pháp quản lý hữu hiệu nhằm tránh các vụ lừa đảo tương tự xảy ra trong tương lai" - luật sư Thư kiến nghị.
Nên khởi tố vụ án
Trước đó, hàng chục nhà đầu tư tố bị nhóm dự án tiền ảo iFan và Công ty Modern Tech lừa đảo chiếm đoạt 15.000 tỉ đồng. Tại buổi gặp gỡ báo chí, ông Diệp Khắc Cường nói mình là nạn nhân chứ không có chuyện hợp tác với dự án iFan. Trong khi đó, một số nhà đầu tư cho rằng thấy hình ảnh ông Cường tại các buổi diễn thuyết của iFan nên tin tưởng vào dự án và đã đầu tư mua tiền ảo. Được biết, ngoài ông Cường, có hơn 50 nhà đầu tư bị lừa đảo đã tập hợp đơn cầu cứu đến Cơ quan CSĐT Bộ Công an.
Sự việc đã xảy ra hơn 2 tuần nay làm rúng động cả nước, luật sư Huỳnh Công Thư nhận định ở đây rõ ràng là có yếu tố lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số lượng lớn, gây hậu quả xấu về mặt an ninh, trật tự xã hội. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có quyết định khởi tố vụ án từ phía các cơ quan bảo vệ pháp luật nhằm khắc phục phần nào đó thiệt hại của những người tham gia. "Các cơ quan chức năng cần khẩn trương điều tra, giải quyết vụ việc bởi có câu rằng "công lý bị trì hoãn là công lý bất công" - luật sư Thư nhận định.
Bình luận (0)