Chúng tôi rời thị trấn Mộc Châu (tỉnh Sơn La) trong một sáng lất phất mưa. Nhiều đoạn của Quốc lộ (QL) 6 không còn đẹp như khi qua tỉnh Hòa Bình. Những bản làng thấp thoáng trong mù sương hiện ra trước mắt rồi thoắt cái đã mất hút sau núi cao.
Hứng thú với hoa tre
Quãng đường 114 km để đến TP Sơn La không để lại nhiều cảm xúc. Chúng tôi chỉ dừng khá lâu trên đồi Khau Cả giữa trung tâm TP, nơi có Di tích Quốc gia Nhà tù Sơn La, có cây đào mang tên Tô Hiệu.
Một bản làng dọc Quốc lộ 6
Nhà tù Sơn La do Pháp xây dựng vào năm 1908 và chỉ tính trong giai đoạn 1930-1945 đã giam cầm, đày ải 1.007 lượt chiến sĩ cách mạng Việt Nam cùng những người yêu nước khác. Ông Tô Hiệu (SN 1912, ngụ tỉnh Hưng Yên) tham gia cách mạng khi còn rất trẻ, bị giặc bắt đưa lên nhà tù Sơn La giam cầm rồi hy sinh ở tuổi 33, tại nhà tù này. Năm 1945, khi cách mạng thành công, cây đào bên tường xà lim được mang tên ông để tượng trưng cho tinh thần đấu tranh cách mạng kiên cường. Bây giờ là tiết thu, mùa của lá vàng nhưng cây đào Tô Hiệu xanh tốt lạ thường. Đấy là giống đào phai cho hoa màu hồng nhạt mỗi độ xuân về.
Phía trái khu di tích, chúng tôi hứng thú khi nhìn thấy bụi tre đang thòng những dây hoa dài xuống tận gốc. Hoa tre vàng nhạt, kết thành quả gọi là "cơm tre". Loài cây trong nhóm thực vật bộ hòa thảo này chỉ có hoa đúng một lần khi ở tuổi từ 60-100 năm. Lúc ra hoa, tất cả cây trong cùng một cụm sẽ cùng trổ hoa dù bị chia tách từng cây trồng sang nơi có điều kiện khác biệt. Đấy là hiện tượng trổ hoa theo bầy. Ra hoa cũng chính là thời khắc cuối cùng của tre bởi sau đó tre nhanh chóng lụi tàn, không thể hồi sinh.
Cha tôi kể dạo đói năm 1945, dân làng tôi ở Quảng Bình có đận phải đi sàng đất lượm quả tre về nấu ăn thay cơm. Đời tôi lớn lên mãi tận hôm nay mới nhìn thấy hoa tre.
Không còn hoang vắng
Chúng tôi theo QL6 chừng 50 km nữa để đến chân đèo Pha Đin ở xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu của tỉnh Sơn La. Hơn 10 năm trước, tôi đã qua Pha Đin. Tuổi thơ tôi chỉ biết Pha Đin qua những câu "Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/Đèo Lũng Lô anh hò chị hát/Dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh" của nhà thơ Tố Hữu ca ngợi các chiến sĩ Điện Biên đánh thắng cứ điểm Điện Biên của Pháp, năm 1954.
Khi diện kiến Pha Đin, tôi ngộ ra rằng dù dân gian có câu "đi bộ thì sợ Hải Vân, đường thủy thì sợ sóng thần hang Dơi" nhưng Hải Vân chỉ dài 20 km, cao 500 m so mực nước biển trong khi Pha Đin dài tới 32 km và đỉnh cao nhất là ở độ cao tới 1.648 m. Pha Đin cũng hơn hẳn Hải Vân ở số lượng dày đặc những đoạn cua vừa gấp khuỷu tay vừa dốc kinh khủng.
Nhớ lúc ấy, trời rất lạnh nhưng áo tôi ướt đẫm mồ hôi vì sợ. Cảm giác chưa bao giờ có khi vượt Hải Vân. Ấy là khi phụ xe phải xuống đi bộ phía trước xe, một tay cầm cục căn phòng khi xe có tuột mà chèn bánh, một tay cầm đèn pin huơ cho tài xế biết đường điều khiển xe nhích từng chút một trong sương mù dày đặc. Người Thái gọi tên đèo là Phạ Đin (Phạ là trời và Đin là đất, ngụ ý đây là nơi đất trời giao nhau), người kinh đọc thành Pha Đin.
Các cô gái Thái trắng ở Sơn La
Nhưng Pha Đin bây giờ khác hẳn nhờ dự án nâng cấp QL6 (đoạn Sơn La - Tuần Giáo) với hơn 1.165 tỉ đồng đã hoàn tất từ năm 2009. Đường mới vẫn bám sườn các đỉnh đèo nhưng nơi cao nhất đã thấp hơn đỉnh đèo cũ 200-400 m dù vẫn nhiều cua gấp, vẫn một bên là sườn núi đá dựng đứng và một bên là vực thẳm nhưng mặt đường đẹp, đầy đủ hệ thống cảnh báo nguy hiểm.
Pha Đin cũng không hoang vắng như dạo tôi đến lần đầu. Đỉnh đèo nay có một điểm dừng chân thú vị là khu du lịch dã ngoại mang tên Pha Đin của gia đình bà Bùi Thị Lục, dân ở Sơn La. Bà cho biết mở khu du lịch này từ tháng 10-2016, diện tích hơn 2 ha và đầu tư gần 1 tỉ đồng. Khu du lịch này chỉ có một khoảng đất lấn ra vệ đường chừng vài trăm thước vuông để làm quán bán hàng và đậu vài chiếc xe, còn lại là dốc bậc thang với những thảm hoa. Xa dưới tầm mắt chỉ thấy mênh mông rừng chồi và ruộng bậc thang.
Từ điểm dừng chân này nhìn lên đỉnh đèo vẫn thấy dấu vết đỉnh cao nhất của đường đèo cũ, giờ như đường mòn lên rẫy. Truyền thuyết kể trên đỉnh này xưa có nàng con gái đẹp đến nỗi hai vị lãnh chúa trong vùng tranh chấp triền miên. Sau những cuộc chiến giành người đẹp, hết lương thực, hai lãnh chúa chọn đỉnh đèo làm mốc ranh giới để không bao giờ xâm phạm nhau. Tôi không tin điều này bởi bây giờ đường sá thênh thang thế mà có giai nhân nào ở đâu, nói gì thuở rừng hoang núi đỏ.
Không giai nhân nhưng Pha Đin có "dị nhân" là ông Phạm Văn Dị. Ông bị dị tật từ nhỏ, được ngành viễn thông cho gác cái trạm trên đỉnh Pha Đin và ở đấy đã mười mấy năm, bạn bè chỉ có một con mèo. Phận sự lớn lao của ông chỉ có mỗi việc đóng bật cầu dao điện mỗi ngày. Mỗi tháng một lần, ông về TP Điện Biên thăm nhà và mua mọi thứ cần dùng cho một tháng.
Ngoài ông Dị, Pha Đin còn một "dị nhân" nữa là bà Trần Thị Thủy. Bà này cùng gia đình từ Nghệ Tĩnh đến Sơn La làm ăn rồi một mình lên đỉnh Pha Đin mua đất trồng thông và nuôi bò. Nhiều người nói vui bà bị ma ám. Ma ám đâu không biết, chỉ thấy sau bao năm lầm lũi với đủ thứ thăng trầm, bà đã có hàng chục héc ta rừng thông nghe nói có người trả mấy tỉ đồng không bán. Tiếc là lần trước lên Pha Đin, tôi chỉ gặp được ông Dị rồi nghe kể chuyện bà Thủy, lần này lên vẫn chưa có dịp diện kiến đủ "dị nhân" Pha Đin.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-12
Kỳ tới: Đồng vọng Mường Lay
Không sát biển như đèo Hải Vân để nhờ gió thổi một chiều từ biển vào làm sương mù có thể tan nhanh, gió càng thổi sương mù càng như những ngọn núi trắng đặc trên đỉnh Pha Đin.
Bình luận (0)