xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vọng phu của biển

Bài và ảnh: Lê Tường Vân

Biển mang lại nguồn tôm cá đầy ghe nhưng cũng cướp đi sinh mạng của nhiều ngư dân, khiến biết bao gia đình chịu cảnh con mất cha, vợ mất chồng

Tôi đến vùng biển xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) vào một ngày đẹp trời. Từng con thuyền về bến với tôm cá đầy ghe. Người bán, người mua nói cười rôm rả.

Đứng lên từ nỗi đau

Ngư Lộc là xã ven biển, có truyền thống khai thác và chế biến thủy sản. Biển cả mang lại cho người dân nơi đây nguồn tôm cá đầy ghe nhưng cũng cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngư dân, khiến biết bao gia đình chịu cảnh con mất cha, vợ mất chồng.

Vọng phu của biển - Ảnh 1.

Bến cá ở vùng biển xã Ngư Lộc - nơi có những người vợ mãi ngóng tin chồng

Chẳng phải mất nhiều thời gian, tôi đã có danh sách dài địa chỉ những "hòn vọng phu" của biển ở xã Ngư Lộc với biết bao chuyện vui buồn. Đấy là những người vợ mãi mãi phải thay chồng gồng gánh không chỉ đàn con mà còn cả gia đình nội ngoại.

Lần theo đường làng ngoằn ngoèo, tôi tới gia đình chị Nguyễn Thị Hảo, ngụ thôn Bắc Thọ. Trong căn nhà chưa đầy 30 m2, chị Hảo kể lại quãng đường đời đầy nước mắt của mình. Cách đây gần 20 năm, trong một lần đi biển gặp bão, chồng chị là anh Nguyễn Xuân Ninh vĩnh viễn không về. Chồng mất, để lại 6 đứa con thơ, đứa đầu 14 tuổi, đứa út chưa đầy 1 tuổi. Tài sản duy nhất có giá trị của gia đình bấy giờ chỉ là căn nhà cấp 4 dột nát. Bao đêm thẫn thờ nhìn đàn con nheo nhóc, chị khóc cạn nước mắt.

"Khi chồng mất, các con còn quá bé. Tôi đau đớn vô cùng. Mỗi lần bưng bát cơm lên là ứa nước mắt. Nhìn đàn con thơ dại mà tủi phận mình. Chồng người ta đi thì về với vợ con, chồng mình đi rồi đi luôn. Khổ tâm lắm cô à" - chị Hảo kể trong nước mắt.

Nhưng tai ương không quật ngã được chị. Ngay khi nỗi đau mất chồng chưa nguôi ngoai, chị đã động viên các con chia sẻ vất vả cùng mẹ. Chị lăn lộn với đủ mọi việc để kiếm tiền nuôi con ăn học, từ buôn bán phụ tùng tàu thuyền cho người đi biển tới nuôi gà, vịt, bóc vỏ tôm thuê và cả khuân vác. Ai có việc cần thuê là chị nhận làm, không nề hà.

Thấu hiểu nhọc nhằn của mẹ, các con chị Hảo đều chăm ngoan, học tốt. Con gái đầu Lê Thị Thanh Hiền nay đã tốt nghiệp Trường ĐH Thủy sản Nha Trang và đang công tác tại TP HCM. Con thứ hai là cháu Lê Đức Dương tốt nghiệp Trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội và cũng có việc làm ổn định. Con thứ 3 học hết THPT và yên bề gia thất. Con thứ 4 đang là sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Hai đứa út đang là học sinh phổ thông.

Chị Hảo tâm sự: "Do gia cảnh nghèo khó nên các con tôi đều có ý thức tự lực trong cuộc sống. Với số tiền ít ỏi mẹ chắt chiu gửi, các cháu tiêu pha tiết kiệm. Ngoài giờ học, đứa làm gia sư, đứa rửa bát thuê kiếm thêm thu nhập, phụ mẹ". Thời gian cứ thế qua đi và giờ đây tôi đã nhìn thấy trong giọt nước mắt của chị ánh lên niềm hạnh phúc.

Hạnh phúc dần đầy

Chị Đặng Thị Chung, ngụ thôn Thắng Tây, cũng giống chị Hảo. Ngày 1-7-1996, chồng chị cùng 4 người trong gia đình bị bão cuốn khi đang đánh bắt hải sản trên biển. Bấy giờ, con đầu mới 6 tuổi, con thứ hai vừa 4 tuổi và chị đang mang thai 6 tháng. Mòn mỏi tìm thi thể chồng trong tuyệt vọng, chị tưởng chừng không thể vượt qua cú sốc tinh thần quá lớn. Ngày nối ngày, người dân Ngư Lộc lại thấy chị với bụng bầu và nước mắt nhạt nhòa lang thang trên bãi biển ngóng tin chồng. Ai nói gì cũng mặc, chị vẫn đinh ninh chồng đang đi biển, chỉ vài ngày thôi là về.

Chờ đợi mãi, tới lúc sức khỏe yếu đi, chị nằm thiêm thiếp ở nhà, chẳng thiết ăn uống gì. "Tôi ngất lên ngất xuống. Anh em họ hàng dìu về rồi động viên tôi mãi. Đau lắm, buồn lắm, tim mình cứ như có ai bóp chặt vậy" - chị Chung kể. Trong căn nhà cấp 4, hình ảnh những đứa con và những tờ giấy khen phủ kín tường.

Chị Chung chia sẻ: "Bây giờ thì cuộc sống tạm ổn rồi. Con trai đầu vừa tốt nghiệp Trường CĐ Nghề Thanh Hóa, con gái thứ hai đang học Trường CĐ Du lịch Hà Nội, con út đang học THPT. Nhìn các con khôn lớn, ngoan ngoãn, tôi mừng lắm".

Để có được cuộc sống như hôm nay, chị Chung cũng phải lăn lộn làm đủ mọi việc khác nhau để kiếm tiền. Tráng bánh cuốn, bánh đa rồi buôn bán thủy hải sản, bóc vỏ tôm thuê… Nhiều hôm chị thức tới gà gáy sáng để bóc vỏ tôm thuê, chợp mắt một lúc lại vội vã thức dậy nhào bột tráng bánh cuốn bán cho người ta ăn sáng. Lam lũ, vất vả, người gầy như xác ve nhưng chị vẫn cố làm. Chị nói đã tâm niệm rồi, dù vất vả tới mấy cũng sẽ vượt qua, miễn sao các con được ăn học đến nơi đến chốn, không thua kém bạn bè. Bây giờ thì chị đã thấy hạnh phúc dần đầy bên những đứa con thân yêu.

Ở thôn Thắng Lộc, tôi gặp chị Bùi Thị Xuân. Ngày 2-7-2006, chị nhận tin chồng bị bão biển cuốn trôi. Lúc này, vợ chồng chị đã có 4 đứa con, đứa đầu 10 tuổi, đứa út hơn 1 tuổi. Gánh nặng nghèo túng làm chị tưởng chừng không vượt qua nổi.

Chị Xuân cho biết nỗi đau mất chồng là rất khó vượt qua nhưng rồi nghĩ đến các con cần vòng tay yêu thương, che chở của mẹ nên phải dồn hết ý chí và nghị lực để làm điểm tựa cho con. Ngày lại ngày, trên đôi vai gầy của chị là gánh hàng hoa quả. Chị đã gánh như thế đi qua không biết bao nhiêu cung đường chỉ với mong mỏi duy nhất là các con không đứt bữa. "Thương nhất là con trai đầu. Nhận giấy báo được vào lớp 10, cháu chạy về nhà rồi lên giường nằm khóc. Tôi gặng hỏi mãi cháu mới nói con đậu vào THPT rồi nhưng mẹ lấy tiền đâu mà nuôi con và các em. Tôi động viên cháu là cứ đi học, mẹ có bán nhà để lo cho con cũng cam lòng" - chị Xuân rưng rưng kể và không giấu chuyện những khi ngặt nghèo đã phải vay ngân hàng để lo cho con rồi trả dần.

Thấu hiểu những học nhằn, lo lắng và cả kỳ vọng của mẹ, 4 đứa con của chị Xuân năm nào cũng phấn đấu đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. "Nay thấy con cái ngoan, học tốt, tôi thấy được an ủi trong lòng" - chị Xuân nói.

Hiện hai con lớn của chị Xuân đã tốt nghiệp CĐ, ĐH và có việc làm ổn định tại Bình Dương và Hà Nội. Con thứ 3 đang là sinh viên một trường ĐH ở

TP HCM, con gái út là sinh viên một trường CĐ ở Hà Nội. Với chị, đó là niềm hạnh phúc.

Ai đó từng nói "cuộc đời con người ta tựa như một trang sách, có trang đầu và trang cuối". Tôi tin như thế khi đến Ngư Lộc. Quê biển ấy chưa giàu sang nhưng có những người vợ đã vượt lên hoàn cảnh, tựa như đã viết nên những trang sách đầy ý nghĩa.

Chỉ riêng cơn bão tràn qua vùng biển tỉnh Thanh Hóa vào tháng 7-1996 đã làm gần 60 người vợ ở xã Ngư Lộc rơi vào cảnh mất chồng. Thời gian trôi qua, vật đổi sao dời nhưng nỗi đau không thể nào lành.

Nghị lực vượt khó

Theo bà Bùi Thị Hiền, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngư Lộc, địa phương có trên 340 phụ nữ một mình nuôi con. Hầu hết các chị đều chung cảnh chồng mất do đi biển gặp bão. Có người khi chồng mất chỉ mới ngoài 20 tuổi. Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận khác nhau nhưng điểm chung ở họ chính là nghị lực vượt lên khó khăn về vật chất, thiếu thốn về tinh thần để nuôi dạy con cái chăm ngoan, học giỏi. Các chị cũng nhận được sự quan tâm chia sẻ từ hội phụ nữ các cấp và sự bù đắp xứng đáng từ những đứa con.

CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:

Vọng phu của biển - Ảnh 4. Vọng phu của biển - Ảnh 4. Vọng phu của biển - Ảnh 4. Vọng phu của biển - Ảnh 4.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo