xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vụ "30 ngày đeo bám nhóm lao động "bị kẹt" ở Nga": Hoàn tất giải cứu

NHÓM PHÓNG VIÊN

Công sức nhóm phóng viên Báo Người Lao Động bỏ ra đã được đền đáp một phần khi người cuối cùng trong nhóm lao động 6 người "bị kẹt" tại Nga đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất

Liên quan loạt bài điều tra "30 ngày đeo bám nhóm lao động "bị kẹt" ở Nga" mà Báo Người Lao Động vừa khởi đăng, ngày 30-4, bà Phạm Thị S. - người phụ nữ cuối cùng "bị kẹt" khi đi "xuất khẩu lao động" tại nước Nga - đã về nước an toàn. Về nhà, chỉ kịp hưởng chút vui mừng khi gặp lại người thân, cả 6 lao động từng "bị kẹt" ở Nga đã phải lao ngay vào cuộc mưu sinh để trả nợ "chuộc thân".

Tâm sự người cuối cùng thoát khỏi nơi "giam giữ"

Ngày 3-5, tại nhà ở Đồng Nai, trao đổi với phóng viên, bà S. tỏ ra xúc động sau chuỗi ngày lao đao, bất an nơi xứ người. Người phụ nữ này cho hay bà là một trong những người nghỉ việc sớm nhất khi mới vào làm ở xưởng may của người Việt Nam tại Nga, cũng là người được coi là "đầu tàu" động viên cả nhóm và kêu gọi người thân viết đơn tố cáo người môi giới cũng như cầu cứu đến Báo Người Lao Động. Theo bà S., cũng có lẽ vì vậy mà bà mới là người được thoát về sau cùng nhờ vào sự tư vấn cũng như tác động từ thông tin mà Báo Người Lao Động đăng tải.

Vụ 30 ngày đeo bám nhóm lao động bị kẹt ở Nga: Hoàn tất giải cứu - Ảnh 1.

Bà Phạm Thị S., người cuối cùng trong nhóm lao động “bị kẹt” tại Nga, về đến nhà ở Đồng Nai Ảnh: XUÂN HOÀNG

Bà S. kể trước khi được về nước, bà đã nhận được liên lạc từ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Nga. Theo đó, người liên lạc với bà đã thông báo cho bà biết là họ đã liên hệ làm việc với cơ sở may. Ngay sau đó, đơn vị sử dụng lao động nơi bà S. sang "xuất khẩu lao động" đã lập tức sắp xếp để cho bà về. "Chuyến đi gần nửa năm giống như một sự đày đọa. Có lẽ nhờ quý báo lên tiếng nên sự việc được giải quyết nhanh. Tôi không biết nói gì hơn ngoài cảm ơn..." - bà S. xúc động nói.

Chen vào buổi nói chuyện, ông H., chồng bà S. cho hay ông không quên những gì phóng viên chúng tôi tư vấn, tác động sau khi tiếp nhận đơn kêu cứu từ ông. "Mấy tháng nay, tôi chỉ chạy đôn chạy đáo cầm đơn đi khắp nơi kêu cứu, không làm ăn gì được, cứ đêm đến nghĩ đến cảnh cầu cứu của vợ ở xứ người mà lo lắng, bất an không ngủ được. Giờ thì dù mất đi tiền của nhưng người đã về nhà an toàn thì cũng mừng..." - ông H. nói.

Lao ngay vào "cày" để trả nợ

Ngay khi về nước, những lao động từng "bị kẹt" tại Nga đã phải lao ngay vào cuộc mưu sinh. Khi chúng tôi tìm gặp, ngoài bà S. do mới vừa về và đang điều trị bệnh thì 5 lao động khác còn đang phải tứ tán khắp trong vùng để kiếm sống. Người thì đi làm thợ sơn, kẻ làm thuê làm mướn, đến tối mịt mới về nhà. Tinh thần chưa ổn định, những người này cho hay họ phải tìm việc làm ngay để bù lại những gì đã mất trong thời gian qua.

Theo anh Q., một thành viên trong nhóm lao động trở về, hơn nửa năm trời ở xứ người, tổn hao sức khỏe, tinh thần và mỗi người còn mất trắng khoảng 150 triệu đồng là nỗi lo anh đang phải đối diện từng ngày. Về đến nhà, anh liền đến các công trình xây dựng xin làm thợ sơn để kịp tích cóp trả số nợ "chuộc thân". "Trả nợ kha khá rồi thì tôi sẽ tìm cách phát triển vườn tược. Dù có khổ nhưng cuộc sống và thu nhập cũng còn gấp mấy lần kiểu xuất khẩu lao động vừa qua..." - anh Q. cười buồn.

Bà Th., một người khác vừa "thoát" về từ nước Nga, cho biết vừa về là bà phải đi phụ việc để kiếm tiền trả nợ ngay. Chị Tr. thì chia sẻ hiện tại chị xin làm công nhân may ở gần nhà, tối về tranh thủ phụ bán hàng hòng tiết kiệm trả nợ. "Làm hai đầu việc nhưng vẫn còn sướng gấp mấy lần so với lao động kiểu đó ở xứ người" - chị Tr. nói.

Đồng loạt đề nghị xử lý người "giới thiệu"

Đang chuyện trò bình thường là vậy nhưng khi nhắc đến người được cho là môi giới, chị Tr. liền chuyển giọng gay gắt: Bà B. là người môi giới cũng như đơn vị sử dụng lao động ở nước ngoài đã lừa chúng tôi. Bởi các thông tin trước đó và thực tế về điều kiện lao động trái ngược hoàn toàn, từ hình thức tuyển dụng, tổ chức xuất ngoại đều đáng nghi ngờ. Chị Tr. đề nghị cơ quan chức năng làm rõ dấu hiệu lừa đảo của bà B. "Người lớn tuổi không đủ sức khỏe, phụ nữ mới sinh vài tháng họ cũng đưa đi, sang nước ngoài mới ký hợp đồng lao động, chúng tôi học vấn thấp, không thể làm gì khác được. Để rồi nửa năm trời lo lắng, mất hết tiền bạc. Sáu người chúng tôi đề nghị phải làm rõ trách nhiệm của bà B..." - chị Tr. bức xúc.

Cũng như chị Tr., 5 lao động còn lại đề nghị cơ quan chức năng làm rõ hành vi của bà B., bởi theo họ, không thể có chuyện bà B. không biết gì và không nhận gì từ cơ sở may.

Liên quan vụ việc, những ngày qua, Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã vào cuộc, cho mời các lao động vừa từ nước Nga trở về để bước đầu làm rõ vụ việc. "Công an không cho biết đã làm việc với người môi giới chưa. Họ chỉ mới cho biết việc mời các lao động đã về nước lên làm việc, rồi bảo họ viết tường trình…" - anh Q. thông tin.

Theo xác minh của phóng viên, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai đã lần lượt làm việc với 5 người vừa trở về từ nước Nga để làm rõ vụ việc. Một nguồn tin cũng cho hay người của Bộ Công an đã có các động thái tìm hiểu vụ việc. 

Nhiều lao động khác đang sống trong cam chịu

Cũng theo bà Phạm Thị S., ở xưởng may nơi bà đi "xuất khẩu lao động" và bị "giam lỏng" còn có nhiều hoàn cảnh tương tự như những người trong nhóm lao động "bị kẹt" của bà. Trong số khoảng 40 người Việt Nam đang lao động tại xưởng may trên có đến gần nửa than vãn về hoàn cảnh khổ cực, lao động quá sức nhưng không dám tỏ thái độ... Họ biết mình gần như bị lừa nhưng vẫn chấp nhận bán sức lao động thêm một số năm để không phải gánh nợ khi đền hợp đồng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo