Trên đường sang Anh, anh L.V.M (SN 1985, trú TP Vinh, tỉnh Nghệ An) đã được yêu cầu vứt bỏ mọi giấy tờ, hộ chiếu, để tránh bị trục xuất về nước khi bị bắt. Kể từ đây, 7 năm anh M. sống kiếp "người rơm", đắng cay, cơ cực, không ai thừa nhận.
Trốn trong xe thùng bịt kín để sang Anh
Đã 5 năm từ ngày rời nhà tù ở Anh về nước, anh M. vẫn nhớ như in tháng ngày sống tủi nhục ở xứ người. Anh M. kể sau nhiều ngày chờ đợi, anh được đưa bằng đường bộ từ Đức đến một chiếc lán nhỏ nằm trong khu rừng ở Pháp gần một cảng biển.
Anh L.V.M kể lại 7 năm sống khổ cực tại Anh
Tại đây, môi giới xuất hiện và ra giá nếu "đi cỏ" trốn trong xe thùng bịt kín, chấp nhận khả năng 50% là bị cảnh sát bắt khi sang Anh, chi phí 3.000 bảng Anh. Đi VIP (cao cấp), được ngồi trong xe chở hàng, 80-90% là sẽ vào đất Anh thành công, giá 6.000 bảng Anh. Do không có tiền, anh M. chấp nhận mạo hiểm "đi cỏ". Nằm trong thùng xe tải bịt kín, đi khoảng 1 giờ thì anh M. được đưa xuống phà rồi lại lên xe để đi sang Anh nhưng đi cả chục chuyến đều bị cảnh sát phát hiện trục xuất quay về Pháp. Bị trục xuất, anh M. cùng nhiều người khác phải sống trong những lán dựng tạm trong rừng ở Pháp chờ cơ hội.
6 tháng sống trong rừng ở Pháp, trong một chuyến xe may mắn, anh M. đã lọt qua các trạm kiểm soát vào được nước Anh. "Trước khi lên thùng xe bịt kín để vào Anh, tôi giấu một con dao nhỏ trong người. Lọt được qua trạm kiểm soát, tôi mở điện thoại canh xe chạy sâu vào lãnh thổ nước Anh khoảng 1 giờ, khi xe chạy chậm lại, tôi dùng dao rạch bạt, nhảy khỏi xe tìm chỗ ẩn nấp. Sau đó, liên hệ với người thân tới đón đi" - anh M. kể lại.
Vào tù, mất tiền và bị trục xuất
Theo anh M., khi vào Anh do không có giấy tờ tùy thân, anh phải sống lang thang một thời gian. Sau đó, anh M. gặp một số người Việt giới thiệu đi trồng cây cần sa. Anh M. cho biết: "Công việc chăm sóc cây cần sa suốt ngày ở trong nhà kín, việc ăn uống đều có người tiếp tế, mọi hoạt động đều được giám sát chặt".
Cũng theo anh M. người Việt sang Anh bất hợp pháp chủ yếu làm tại các tiệm nail hoặc chấp nhận mạo hiểm đi trồng cần sa, có rất nhiều người bị cảnh sát bắt giữ. Trong 7 năm sống ở Anh, anh M. bị cảnh sát bắt giam 3 lần. Lần đầu, anh khai mình chưa đủ 18 tuổi nên chỉ bị giam 6 tháng. Được thả, anh M. được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội sau đó tự liên hệ với người quen để đi ra ngoài. "Lần thứ 3, tôi bị bắt giam tới 2 năm, nằm trong trại được khoảng 1 năm, khổ cực, nhớ nhà tôi đã khai ra quốc tịch và bị trục xuất về nước" - anh M., nói. Trở về nước đã 5 năm, đối với anh M., ký ức về những ngày tháng sống cơ cực ở xứ người vẫn còn ám ảnh. "Những năm tháng cư trú bất hợp pháp ở Anh để kiếm tiền là những ngày tháng sống cơ cực. Trong mắt nhiều người dân Anh, chúng tôi không tồn tại, họ thường gọi chúng tôi là "người rơm" - anh M. chua chát.
Anh nỗ lực xác minh danh tính, quốc tịch các nạn nhân
Chiều 29-10, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã có cuộc điện đàm với bà Heather Wheeler, Quốc Vụ khanh, Bộ Ngoại giao Anh phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đề nghị phía Anh hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai công tác bảo hộ công dân trong trường hợp xác định có nạn nhân là người Việt Nam. Quốc Vụ khanh Heather Wheeler khẳng định phía Anh đang nỗ lực hết sức để xác minh danh tính, quốc tịch của các nạn nhân, sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để nhanh chóng hoàn tất quá trình xác minh. D.Ngọc
Siết chặt an ninh cảng
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh Priti Patel mới đây cho biết sẽ tăng cường lực lượng kiểm tra tại cảng Purfleet, hạt Essex - Anh và đã đạt được thỏa thuận với Bỉ về việc gửi thêm lực lượng biên phòng đến cảng Zeebrugge. Tuyến đường biển từ Zeebrugge của Bỉ tới Purfleet thường được những kẻ buôn người sử dụng để đưa người di cư trái phép vào Anh. Container chứa thi thể 39 người được phát hiện tại Anh hồi tuần rồi đã đi qua tuyến đường này.
Cùng ngày, Maurice Robinson, 25 tuổi đến từ Bắc Ireland, tài xế lái xe tải chứa 39 thi thể được phát hiện ở hạt Essex, xuất hiện tại Tòa án hình sự sơ thẩm Chelmsford qua video trực tuyến. Robinson là nghi phạm đầu tiên bị bắt và cũng là người đầu tiên bị buộc tội trong thảm kịch nói trên. Y bị cáo buộc 39 tội danh gồm: ngộ sát, thông đồng buôn người, hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp và rửa tiền. Công tố viên tại tòa cũng cáo buộc Robinson là thành viên của đường dây buôn người toàn cầu, chuyên tổ chức đưa người nhập cư bất hợp pháp vào lãnh thổ nước Anh. Thẩm phán tuyên bố phiên xử Robinson tiếp theo sẽ diễn ra tại Old Bailey ở thủ đô London vào ngày 25-11. Có 3 nghi phạm khác liên quan đến vụ án được tại ngoại vào ngày 27-10 sau khi nộp tiền bảo lãnh. Một tài xế khác bị cảnh sát Ireland bắt giữ tại thủ đô Dublin hôm 26-10.
X.Mai
Bình luận (0)