Chiều ngày 7-12, thông tin tới Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Trọng Niềm, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cho biết đã nhận được báo cáo của UBND phường Tĩnh Hải liên quan tới vụ việc bà Lê Thị Nghiệm (ngụ khu phố Liên Vinh, phường Tĩnh Hải) phản ánh gia đình bà tham gia trồng 4,2 ha rừng ven biển theo dự án PAM 4304 từ năm 1992 nhưng giờ lại do người khác đứng tên và sẽ báo cáo lãnh đạo vào cuộc xác minh, làm rõ sự việc.
Bà Lê Thị Nghiệm bên khu rừng mà gia đình bỏ nhiều công sức để chăm sóc, thế nhưng giờ lại do người khác đứng tên khiến gia đình rất bất bình
Theo ông Niềm, trên cơ sở báo cáo của phường, Phòng TN-MT sẽ tham mưu cho lãnh đạo thị xã cử cán bộ làm việc trực tiếp với UBND phường, đồng thời mời những gia đình có liên quan lên làm việc, đối chất. "Sự việc diễn ra từ lâu, hồ sơ lưu lại không còn, trong khi phường chỉ mới có báo cáo sự việc, còn giấy tờ chứng minh kèm theo của phường không có nên chưa rõ sự việc đúng sai thế nào" - ông Niềm cho hay.
Trong khi đó, một số văn bản trả lời gia đình bà Nghiệm và các cơ quan có liên quan của UBND phường Tĩnh Hải lại không thống nhất, trả lời khác nhau.
Theo đó, tại văn bản số 129/BC-UBND ngày 11-7-2022 báo cáo UBND thị xã Nghi Sơn và trả lời Công ty Luật TNHH Nguyễn Vũ (đại diện cho gia đình bà Lê Thị Nghiệm), UBND phường Tĩnh Hải khẳng định khu đất rừng bà Nghiệm đang kiến nghị được xác định là đất do ông Lê Quang Trạch sử dụng từ năm 1991, sau đó ông Trạch chia thành 7 thửa cho các con, sử dụng ổn định, liên tục từ năm 1991 đến nay. Đồng thời phủ nhận việc gia đình bà Nghiệm có trồng rừng trên khu đất này.
Những cánh rừng phi lao được hình thành từ dự án PAM 4304, được gia đình bà Nghiệm và nhiều gia đình khác trồng từ những năm 1992, nhưng UBND phường không còn lưu giữ hồ sơ khiến quyền lợi chính đáng của gia đình bà Nghiệm bị bỏ ngỏ
Tuy nhiên, khi UBND thị xã Nghi Sơn yêu cầu cung cấp hồ sơ để làm căn cứ trả lời báo chí (trong đó có Báo Người Lao Động), thì UBND phường Tĩnh Hải lại báo cáo khác. Cụ thể, tại báo cáo số 274/BC-UBND ngày 28-11-2022, phường Tĩnh Hải thừa nhận từ năm 1992-1993, ông Lê Văn Ấn (là chồng bà Lê Thị Nghiệm, đã qua đời) được cấp sổ gạo và có trồng cây cùng với ông Lê Trí Trạch ở khu đất trên, nhưng số cây trồng chết hết nên không đủ điều kiện nghiệm thu của dự án PAM, đất sau đó bị bỏ hoang từ năm 1994-1998. Năm 1999, các con nhà ông Trạch ra trồng lại cây và sử dụng ổn định tới bây giờ.
Gia đình bà Nghiệm cho rằng phường trả lời thiếu nhất quán và không chính xác, bởi khu đất đó chồng bà (ông Lê Văn Ấn) là người nhận sổ gạo và gọi ông Trạch trồng cùng, gia đình bà còn nhận gạo trồng, chăm sóc rừng tới năm 1995 (trong sổ phát gạo còn thể hiện) mà phường nói chỉ trồng trong 2 năm (1992-1993) là không đúng. "Ông Trạch mất năm 1995, còn dự án PAM năm 1998 mới kết thúc, trong khi phường lại nói ông Trạch chia cho các con là không đúng thực tế" - bà Nghiệm khẳng định.
Bà Tuyết, nguyên kế toán Ban quản trị Dự án PAM 4304 huyện Tĩnh Gia, khẳng định bà là người trực tiếp cấp phát gạo cho những người tham gia trồng rừng. Đồng thời, bà Tuyết xác nhận ông Lê Văn Ấn (chồng bà Nghiệm) là người nhận sổ gạo trồng rừng dự án PAM. "Ngày đó, chỉ giao cây cho người dân trồng rừng ven biển chứ không giao đất. Cây trồng và chăm sóc phải đảm bảo sống, sau đó cán bộ của dự án về nghiệm thu cụ thể rồi mới có căn cứ để cấp phát gạo. Dự án được thực hiện từ năm 1992 đến năm 1998 thì kết thúc. Hồ sơ nghiệm thu dự án đều có, nhưng do lâu ngày việc lưu trữ bị mối mọt, nên tôi có nghe nói họ đã tiêu hủy hết rồi"- bà Tuyết cho hay.
Hồ sơ cấp phát gạo trồng rừng từ dự án PAM 4304 của gia đình bà Lê Thị Nghiệm còn lưu giữ
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó phòng Kinh tế thị xã Nghi Sơn, cho biết hồ sơ dự án PAM 4304 hiện đã không còn lưu tại đơn vị do nhiều lần di chuyển, sáp nhập các phòng.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, theo phản ánh của bà Lê Thị Nghiệm (SN 1939; ngụ phố Liên Vinh, phường Tĩnh Hải, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa), năm 1992 tỉnh Thanh Hóa có thành lập Ban quản lý Dự án 4304 để huy động nhân dân tham gia trồng rừng ven biển nhằm phủ xanh đất trống, chống xâm thực.
Thời điểm này, ông Lê Văn Ấn (chồng bà Nghiệm, hiện đã qua đời) là người tiên phong trong thôn Liên Vinh (nay là phố Liên Vinh) nhận trồng 4,2 ha đất trống ven biển. Gia đình bà có gọi thêm hộ ông Lê Trí Trạch (là thông gia) cùng trồng, chăm sóc bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, đầu năm 2022, gia đình bà Nghiệm tá hỏa khi nhận được thông tin một phần diện tích đất rừng tại khu vực gia đình bà được giao trồng, chăm sóc hiện đã đứng tên người khác và có việc chuyển nhượng, mua bán. Bà có tới UBND xã để làm rõ sự việc, nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng
Bình luận (0)