Sáng 8-12, phóng viên Báo Người Lao Động tiếp tục đến khu vực công trình biệt thự số 09 lô B (khu biệt thự 5,2 ha, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) để ghi nhận. Tại công trình này, dù đang bị đình chỉ nhưng các công nhân vẫn tiếp tục thi công.
Công trình biệt thự số 09 (lô B khu biệt thự 5,2 ha, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) dù đang bị đình chỉ nhưng các công nhân vẫn thi công thời gian qua
Ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết quận Cầu Giấy đã lập hồ sơ về công trình này và thẩm quyền giải quyết là của quận, quận phải xử lý việc này. Thanh tra Sở Xây dựng đã có nhiều văn bản đôn đốc quận Cầu Giấy xử lý. "Chúng tôi đã có đến 6 văn bản đôn đốc quận rồi chứ không phải ít"- ông Dũng cho biết.
Về mặt pháp lý, Luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng trật tự xây dựng thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước, nhưng hiện nay đã trở thành một vấn đề nhạy cảm, phức tạp vì những sai phạm nghiêm trọng xảy ra mà không được xử lý triệt để.
Thực tế hiện nay có nhiều vụ việc xây dựng sai phép nhưng tồn tại tình trạng xử phạt xong, đâu lại vào đấy, bởi có chuyện quyết định xử phạt chỉ ban hành "trên giấy" mà không đi vào thực hiện, cưỡng chế; hay có tình trạng chủ đầu tư sai phạm, nhưng sau chấp hành xong quyết định xử phạt lại được xem xét cấp lại giấy phép xây dựng. Cho đến khi dư luận xã hội bức xúc, báo chí lên tiếng, thậm chí có những vụ việc cho đến tận khi Thủ tướng trực tiếp yêu cầu chỉ đạo thì mới tiến hành cưỡng chế, xử lý được sai phạm.
"Trước hết, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý tại địa phương còn buông lỏng quản lý, thiếu hiệu quả trong việc xử lý vi phạm. Theo nguyên tắc, mọi quyết định hành chính đều phải được thực thi, kể cả những quyết định có sự phản kháng từ phía đối tượng quản lý, có nghĩa là quyết định sẽ được bảo đảm bằng biện pháp cưỡng chế của nhà nước khi cần thiết. Tuy nhiên, nếu đã có quyết định xử phạt mà công trình vi phạm vẫn ngang nhiên tiếp tục xây dựng (ví dụ như công trình số 09 lô B khu 5,2 ha Yên Hoà) thì phải làm rõ có hay không chuyện chính quyền địa phương biết nhưng cố ý bỏ qua hay bao che cho vi phạm của các cá nhân, tổ chức liên quan. Không thể có chuyện nhắc nhở, cảnh cáo với những vi phạm nghiêm trọng như vậy, phải có chế tài xử phạt hành chính và cưỡng chế hành chính, nếu không thực hiện được thì người ban hành Quyết định phải chịu trách nhiệm" - luật sư Tiền phân tích.
Hàng chục công nhân vẫn thi công tại công trình này thời gian qua gây bức xúc dư luận
Luật sư Tiền nhấn mạnh trong những vụ việc phức tạp, người vi phạm lại là người có chức quyền thì việc xử lý sai phạm càng khó được thực thi. Trong trường hợp đó, cần thiết phải có sự chỉ đạo hoặc trực tiếp quản lý từ cấp trên, không thể quy trách nhiệm hoàn toàn cho chính quyền địa phương. Trên hết, cần có sự chung tay chỉ đạo quyết liệt, mạnh tay của cấp uỷ, các cấp chính quyền để giải quyết dứt điểm những sai phạm tồn đọng trong xây dựng đã kéo dài nhiều năm để phòng ngừa, răn đe, xử lý công bằng trước pháp luật.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ, UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội… đã có nhiều văn bản chỉ đạo xử lý triệt để công trình có nhiều vi phạm này nhưng thực tế cho thấy đến nay, quận Cầu Giấy vẫn chưa có hướng xử lý cụ thể. Ngày 18-10, UBND quận Cầu Giấy có văn bản đề nghị Công ty Điện lực Cầu Giấy và Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Cầu Giấy xem xét tạm dừng cung cấp dịch vụ đối với công trình này, tuy nhiên ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy phụ trách mảng đô thị xây dựng, cho biết "dù đã có văn bản nhưng các đơn vị cung cấp điện, nước không thực hiện".
Theo tìm hiểu của Báo Người Lao Động, công trình xây dựng số 9 lô B này đã được các cơ quan chức năng xác định có nhiều vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng, như: Xây dựng thêm tầng hầm diện tích khoảng 150 m2 ngoài hồ sơ được cấp phép; thi công mái tầng 1 diện tích 150 m2, vượt khoảng 75 m2 so với hồ sơ được cấp phép; vi phạm cam kết với các hộ liền kề về việc bảo đảm độ lùi công trình nhỏ nhất là 1,5 m tính từ ranh giới đất; vi phạm thiết kế nhà biệt thự đơn lập, phá vỡ cảnh quan, quy hoạch khu biệt thự 5,2 ha Yên Hoà; không bảo đảm biện pháp an toàn khi thi công công trình, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng và tài sản của các công trình liền kề.
Chủ đầu tư công trình số 09 (lô B khu biệt thự 5,2 ha) là ông Phạm Văn Duyên (SN 1960) và bà Vũ Thị Thu Hà (địa chỉ tại phường Ngọc Hà, quận Ba Đình). Ông Phạm Văn Duyên là Tổng Giám đốc Tổng Công ty TNHH Duyên Hà (công ty chuyên sản xuất xi măng).
Ngày 2-12 vừa qua, phóng viên Báo Người Lao Động còn bị một số người từ công trình xông ra cản trở, xúc phạm, đe dọa khi đang tác nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
Bình luận (0)