Ngày 3-1, phóng viên Báo Người Lao Động tiếp tục đến khu vực công trình số 09 (lô B khu biệt thự 5,2 ha, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) để ghi nhận việc chấp hành quy định dừng thi công công trình mắc nhiều vi phạm này. Tại đây, dù đang bị đình chỉ nhưng chủ đầu tư vẫn cho công nhân thi công rầm rộ.
3 lần tháo dỡ rào chắn để thi công
Theo ghi nhận, nhiều hạng mục tại công trình này đã hoàn thiện. Toàn ngôi biệt thự đã được phủ màu sơn vàng.
Đáng chú ý, hàng rào tôn do UBND phường Yên Hòa dựng để ngăn chặn thi công đã bị chủ đầu tư cho xe chuyên dụng phá dỡ hoàn toàn. Bên trong, hàng chục công nhân thi công rầm rộ, khẩn trương vận chuyển vật liệu, dụng cụ cho những công đoạn cuối cùng.
Vụ việc được phóng viên Báo Người Lao Động phản ánh đến chính quyền địa phương. Ngay lập tức, lực lượng chức năng đã có mặt tại công trình này. Tuy nhiên, bất chấp sự có mặt của lực lượng chức năng, công nhân vẫn tiếp tục thi công. Lực lượng chức năng sau đó đã rào lại hàng rào tôn nhưng vị trí của hàng rào mới đã bị thu hẹp hơn.
Lực lượng chức năng có mặt nhưng công nhân vẫn vô tư thi công. (Ảnh chụp sáng 3-1)
Ông Nguyễn Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa, xác nhận có việc bất chấp quy định, thi công sai phép ở công trình này. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vụ việc.
Đây không phải lần đầu hàng rào do chính quyền dựng bị phá hoại. Trước đó, ngày 18-11-2021 và 2-12-2021, chủ đầu tư công trình biệt thự này 2 lần cho tháo dỡ hàng rào tôn do UBND phường Yên Hòa rào chắn. Trong ngày 2-12-2021, ông Đỗ Ngọc Anh, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa, đã ký văn bản gửi Công an phường Yên Hòa đề nghị cử cán bộ, chiến sĩ trục xuất thợ, công nhân, người lao động ra khỏi công trình vi phạm trật tự xây dựng trên. Đồng thời làm rõ, có biện pháp xử lý hành vi của chủ đầu tư đã tháo dỡ hàng rào theo quy định của pháp luật.
Với việc chủ đầu tư lần thứ 3 tự ý tháo dỡ hàng rào do chính quyền lập, cho thấy việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn thi công công trình vi phạm này chưa đạt hiệu quả. Hành vi này còn thể hiện rõ thái độ bất chấp, coi thường kỷ cương phép nước của chủ đầu tư.
Có dấu hiệu phạm tội
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, cho rằng trường hợp tự ý tháo dỡ rào chắn thi công này, cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý các đối tượng vi phạm về tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản".
Cụ thể, theo quy định tại điều 178 Bộ Luật Hình sự 2017, tội danh này có thể đối diện với mức xử lý hành chính cao nhất lên tới 100 triệu đồng; trường hợp đủ yếu tố xác định tội hình sự có thể phải đối diện với mức xử phạt cao nhất lên tới 20 năm tù giam. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Nếu thuộc các trường hợp sau đây thì giá trị tài sản dưới 2 triệu đồng vẫn xử lý: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều 178 Bộ Luật Hình sự mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là di vật, cổ vật... Điều này có nghĩa tài sản ở đây là hàng rào do địa phương dựng nên có giá trị là bao nhiêu đi nữa thì vẫn xử lý đối tượng vi phạm theo tội danh trên.
"Hủy hoại tài sản là hành vi làm cho tài sản bị hư hại đến mức mất hẳn giá trị hoặc giá trị sử dụng và không thể khôi phục lại tình trạng, công năng, sử dụng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Hành vi phá dỡ, hủy hoại hàng rào tôn do UBND phường Yên Hòa rào là hành vi có dấu hiệu phạm tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản", cần khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định tại điều 178 Bộ Luật Hình sự" - luật sư Bình nêu quan điểm.
Không đồng ý cấp phép bổ sung
Đến nay, Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) Hà Nội đã 2 lần có công văn gửi UBND quận Cầu Giấy tham gia ý kiến về việc cấp giấy phép xây dựng lại công trình biệt thự số 09.
Theo đó, Sở QH-KT đề nghị UBND quận Cầu Giấy chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị quận đối chiếu với quy hoạch mặt bằng đã được phê duyệt để xem xét, giải quyết. Trường hợp áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng (QCVN 01:2021/BXD) có sự thay đổi về chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc (mật độ xây dựng, tầng cao công trình) so với quy hoạch mặt bằng của dự án đã được phê duyệt trước đây thì cần thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch mặt bằng tỉ lệ 1/500 nêu trên theo quy trình, quy định hiện hành, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Như vậy, dù Sở QH-KT Hà Nội không đồng ý cấp phép bổ sung và yêu cầu phải xử lý theo đúng quy định nhưng chủ đầu tư công trình này vẫn bất chấp, vẫn cho công nhân thi công rầm rộ. Còn chính quyền địa phương thì vẫn chưa có giải pháp để xử lý triệt để các vi phạm tại công trình biệt thự này.
Bình luận (0)