Công trình biệt thự số 9, lô B (khu biệt thự 5,2 ha phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) có nhiều vi phạm mà Báo Người Lao Động liên tục phản ánh trong thời gian qua chưa được giải quyết dứt điểm thì mới đây, UBND phường Yên Hòa lại triển khai lấy ý kiến các hộ dân tại khu biệt thự này về việc thay đổi quy hoạch tổng thể gây nhiều ý kiến trái chiều.
Vì sao lấy ý kiến điều chỉnh quy hoạch?
Phản ánh đến Báo Người Lao Động, người dân sống tại khu biệt thự 5,2 ha phường Yên Hòa cho biết chính quyền phường mới đây đã phát cho người dân "phiếu lấy ý kiến về điều chỉnh quy hoạch xây dựng tại khu 5,2 ha khu đô thị mới Yên Hòa". Khu biệt thự này "nổi tiếng" với nhiều biệt thự xây dựng sai phép, phá vỡ quy hoạch mà báo chí đã nhiều lần phản ánh, trong đó có biệt thự số 9, lô B.
Trong phiếu gửi các hộ dân, phường Yên Hòa yêu cầu người dân cho ý kiến về việc thực hiện theo quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng tại thời điểm ban hành (năm 2002), theo đó chỉ tiêu quy hoạch của từng lô biệt thự tại đây chỉ từ 2-3 tầng, mật độ xây dựng 30%-51%, diện tích lô đất 100-400 m2 và ý kiến về nội dung điều chỉnh quy hoạch xây dựng tại khu 5,2 ha Yên Hòa theo Thông tư số 01/2021/TT-BXD ban hành QCVN 01:2021/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 5-7-2021, trong đó, mật độ xây dựng thuần tối đa của lô đất xây dựng nhà ở riêng lẻ đối với nhà biệt thự, nhà ở liền kề, nhà ở độc lập có diện tích từ 100-500 m2 là từ 50%-90% (khuyến khích xây dựng tầng hầm phục vụ đỗ xe...).
Biệt thự số 9 được phát hiện vi phạm từ khi xây móng nhưng đến nay đã hoàn thiện
Trước việc UBND TP Hà Nội đang cương quyết xử lý dứt điểm vi phạm tại công trình biệt thự số 9, lô B nhưng chính quyền phường Yên Hòa lại có động thái trên khiến dư luận đặt ra nghi vấn, như: phải đang cố gắng thay đổi quy hoạch để hợp thức hóa các vi phạm? Hay tìm cách điều chỉnh quy hoạch để "cứu" các công trình vi phạm, trong đó có biệt thự số 9, lô B?...
Ngày 11-3, khi phóng viên hỏi mục đích của việc lấy ý kiến người dân về vấn đề trên là gì, một lãnh đạo UBND phường Yên Hòa cho biết việc này là thực hiện theo ý kiến của cử tri. "Người dân có ý kiến thì chúng tôi làm chứ không có vấn đề gì. Khu vực này từ trước đến nay đã 5 lần điều chỉnh cục bộ. Việc lấy ý kiến điều chỉnh quy hoạch lần này không liên quan đến việc xử lý công trình biệt thự số 9, lô B" - vị lãnh đạo UBND phường Yên Hòa nói.
Ông Bùi Tuấn Anh, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, cho biết ông đã nghe báo cáo việc này và sẽ kiểm tra lại. Việc lấy ý kiến này của người dân và việc xử lý vụ biệt thự số 9, lô B là hai việc khác nhau, việc này không phải để hợp thức hóa vi phạm tại biệt thự số 9, lô B.
Phải làm rõ mục đích
Đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc (QH-KT) TP Hà Nội cho biết đã có văn bản đề nghị Phòng Quản lý Đô thị quận Cầu Giấy đối chiếu với quy hoạch mặt bằng đã được phê duyệt để xem xét, giải quyết đối với biệt thự số 9, lô B. Trường hợp áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng (QCVN 01:2021/BXD) có sự thay đổi về chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc (mật độ xây dựng, tầng cao công trình) so với Quy hoạch mặt bằng của dự án đã được phê duyệt trước đây thì cần thực hiện thủ tục điều chỉnh Quy hoạch mặt bằng tỉ lệ 1/500 nêu trên theo quy trình, quy định hiện hành, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng để thay đổi quy hoạch một khu vực đã có quy hoạch là không đơn giản, không phải cứ người dân muốn là được. Trong việc này phải làm rõ mục đích của việc thay đổi quy hoạch là gì.
"Khu vực này có nhiều biệt thự vi phạm về trật tự xây dựng nên chính quyền phải làm hết sức thận trọng, nếu không khéo sẽ dẫn đến tiêu cực. Đã có nhiều lãnh đạo một số địa phương vướng vòng lao lý liên quan đến quy hoạch và trật tự xây dựng nên cần phải nhìn vào đó để làm gương mà xử lý cho hợp lý. Sai phạm là phải xử lý theo pháp luật" - đại biểu Hòa nói.
Theo luật sư Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, điều chỉnh quy hoạch thuộc phạm vi thẩm quyền của TP Hà Nội. Phải làm rõ việc lấy ý kiến của người dân là theo quy trình, quy định nào. "Vì sao giữa chừng lại đi lấy ý kiến về thay đổi quy hoạch. Tôi không đánh giá sai hay đúng nhưng người ta sẽ đặt ra nhiều câu hỏi đối với việc này. Nếu làm theo Luật Quy hoạch thì việc lấy ý kiến người dân có thể triển khai theo đúng luật nhưng nếu vì câu chuyện xây dựng trái phép mà lấy ý kiến người dân để thay đổi quy hoạch thì phải xem xét lại. Nếu cử tri có đề nghị thì địa phương tổng hợp chuyển lên để chúng tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết" - ông Nhưỡng nêu vấn đề.
Hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa ký ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU về "Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội". Trong đó, yêu cầu các cấp, các ngành phải chú trọng hơn nữa công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc gắn với từng đồ án quy hoạch, bảo đảm chặt chẽ, giữ đúng định hướng, mục tiêu ban đầu của quy hoạch. Xem xét một cách thận trọng, khách quan, khoa học việc điều chỉnh và điều chỉnh cục bộ quy hoạch, hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch làm giảm diện tích đất xây dựng các công trình phúc lợi, công cộng.
Về công tác quản lý trật tự xây dựng, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác chỉ đạo, điều hành, nêu cao vị trí, vai trò gắn với việc cá thể hóa trách nhiệm, xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu cơ quan quản lý, người trực tiếp quản lý và công chức, viên chức công vụ vi phạm hoặc buông lỏng quản lý, để xảy ra vi phạm.
Bình luận (0)