Ngày 6-9, bà Trần Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, cho biết sau chỉ đạo của TP Hà Nội, từ tối 5-9, sở này đã phối hợp các phường trong bán kính 500 m từ Công ty CP Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông (gọi tắt là Công ty Rạng Đông) thông báo đến từng hộ dân đề nghị đi khám sức khỏe miễn phí, người dân chỉ cần mang thông báo của phường ra trạm y tế để được khám.
Huy động nhiều bác sĩ
Sở Y tế TP Hà Nội cho biết đã thành lập 4 tổ khám sức khỏe cho dân, đóng tại trạm y tế các phường quanh Công ty Rạng Đông. Dự kiến đợt khám kéo dài trong vòng 1 tuần, từ ngày 6-9. Các bác sĩ khám được huy động từ nhiều bệnh viện.
Chỉ trong 1 ngày đã có hàng trăm phiếu đăng ký khám được phát ra cho người dân, có những thời điểm vì người đến khám quá đông nên nhiều người phải chờ trong thời gian dài, nhiều người được chỉ định chuyển tuyến để lấy máu, nước tiểu xét nghiệm thủy ngân.
Đại diện Sở Y tế TP Hà Nội cũng cho biết sẽ có hướng dẫn cho người sống trong vùng nguy cơ và xử lý môi trường. Công nhân Công ty Rạng Đông được khuyến cáo cần theo dõi sức khỏe và khám sức khỏe sớm để phát hiện các yếu tố, nguy cơ. Trên thực tế, sau khi xảy ra vụ cháy, nhiều người dân đã đi khỏi khu vực này, phần vì lo lắng, phần vì có vấn đề về sức khỏe.
Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), cho rằng Công ty Rạng Đông phải chịu trách nhiệm đầu tiên vì để xảy ra sự cố, kể cả sau này khi xác định được mức độ thiệt hại, bồi thường. Khẳng định "không phải di dân" ra khỏi khu vực ảnh hưởng của vụ cháy nhưng ông Thức cho hay kết quả quan trắc tại nhà xưởng Công ty Rạng Đông cho thấy thủy ngân đã phát tán ra môi trường và nằm trong ngưỡng WHO cảnh báo có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Hàng trăm người dân đến kiểm tra sức khỏe miễn phí trong ngày 6-9 Ảnh: HUY THANH
Chờ kết quả cuối cùng
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), vấn đề quan trọng nhất bây giờ là phải có kết luận cuối cùng về hàm lượng thủy ngân trong môi trường cũng như số người nhiễm thủy ngân và nhiễm ở mức độ nào thì mới có thể tính đến việc có nên di dân hay không.
Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội - khẳng định chưa nên đặt vấn đề di dân ở hoàn cảnh hiện tại. Hiện các kết luận về hàm lượng ô nhiễm thủy ngân đang mâu thuẫn nhau, vì vậy cần nghiên cứu, thống nhất đưa ra một kết quả cuối cùng.
Về trách nhiệm sau vụ cháy, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho biết trách nhiệm đầu tiên phải truy cứu là Công ty Rạng Đông. Chủ trương di chuyển nhà máy này đã được Hà Nội đưa ra từ hàng chục năm nay nhưng đến nay vẫn nằm giữa khu dân cư với hàng ngàn nhân khẩu sống xung quanh.
Còn theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, phải có người chịu trách nhiệm khi hàng ngàn người dân đang bị ảnh hưởng. "Nếu Công ty Rạng Đông đã mua bảo hiểm phòng chống rủi ro thì cơ quan bảo hiểm phải đứng ra chịu trách nhiệm kiểm tra, khắc phục cũng như chi tiền khám chữa bệnh, đền bù cho những người bị ảnh hưởng. Còn nếu Công ty Rạng Đông không mua bảo hiểm thì đầu tiên chính quyền, nhà nước phải đứng ra chịu cho người dân, sau đó sẽ truy trách nhiệm phía Công ty Rạng Đông, cụ thể ở đây là giám đốc công ty, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật" - ông Thịnh nhận định.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết TP đã có công văn hỏa tốc gửi Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đề nghị mời chuyên gia trong nước và nước ngoài giúp Công an TP Hà Nội giám định mức độ ô nhiễm sau vụ cháy ở Công ty Rạng Đông; đề nghị nhà máy Rạng Đông có phương án di dời nơi sản xuất, không để những loại hóa chất độc hại gần nơi người dân sinh sống.
Sai lệch do đo khác thời điểm
Về sự lệch nhau trong kết quả quan trắc giữa Sở TN-MT Hà Nội và Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT), đối với hàm lượng thủy ngân trong không khí xung quanh khu vực cháy, ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội, cho biết lý do là thời điểm tiến hành quan trắc khác nhau. Bộ TN-MT so sánh kết quả quan trắc thủy ngân với các tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO, một số điểm quan trắc không khí trong khuôn viên công ty và trong nhà kho bị cháy có giá trị thủy ngân trong môi trường không khí cao vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO. Trong khi đó, Sở TN-MT và Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường so sánh hàm lượng thủy ngân với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh và quyết định của Bộ Y tế về việc ban hành 21 tiêu chuẩn vệ sinh lao động, 5 nguyên tắc và 7 thông số vệ sinh lao động (từng lần tối đa) thì hàm lượng thủy ngân trong không khí xung quanh đạt quy chuẩn và tiêu chuẩn.
Bình luận (0)