Sự cố chìm tàu Bạch Đằng SG-8981 xảy ra vào 17 giờ 30 phút ngày 14-3, lúc tàu này vận chuyển 1.500 tấn tro bay nhiệt điện than từ cảng quốc tế Vĩnh Tân (tỉnh Bình Thuận) đi cảng Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Ngay sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Bình Thuận có công văn khẩn đề nghị chủ tàu là Công ty CP Đầu tư DMK triển khai phương án trục vớt, chậm nhất trong ngày 16-3. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 19-3, đại diện Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận xác nhận vẫn chưa nhận được phương án trục vớt tàu từ Công ty CP Đầu tư DMK. Theo Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, trên cơ sở phương án của chủ tàu thì đơn vị này mới thống nhất cùng Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận triển khai trục vớt.
UBND tỉnh Bình Thuận đánh giá công tác triển khai trục vớt tàu diễn ra khá chậm, có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu, ảnh hưởng đến môi trường trong khu vực, nhất là những nơi tập trung nhiều cơ sở du lịch cao cấp và hoạt động dân sinh khác.
Đến ngày 19-3 vẫn chưa triển khai phương án trục vớt tàu Bạch Đằng SG-8981. Ảnh: THU THỦY
Trước đó, ngày 16-3, các thợ lặn đã khảo sát hiện trường tàu Bạch Đằng SG-8981 chìm. Theo ghi nhận, tàu úp nghiêng 15 độ so với mặt nước, độ sâu đáy biển tại vị trí tàu chìm là 7 m, một phần đáy tàu còn nổi. Các hầm hàng còn nguyên vẹn. Hầm chứa khoảng 2.000 lít dầu DO đã được khóa kín van.
Theo phương án trục vớt của Công ty CP Trục vớt cứu hộ Việt Nam (đơn vị được thuê để thực hiện), việc trục vớt được tiến hành theo các bước tuần tự: hút tro bụi than và dầu; di dời tàu ra vùng nước sâu; làm nổi tàu; bơm nước trong các hầm ra ngoài; kéo tàu vào trong cảng neo đậu. Đội lặn 6-8 người thực hiện trục vớt được giám sát chặt chẽ để bảo đảm an toàn, với sự hỗ trợ của thợ vận hành máy lặn, kiểm tra và theo dõi máy hoạt động. Các phương tiện được huy động gồm: 2 cần cẩu nổi 130 và 350 tấn; 2 tàu kéo, tàu hút bùn 800 tấn cùng các bộ thiết bị lặn đồng bộ, máy lặn cạn, máy nén khí, thiết bị thổi bùn, máy hàn cắt, phao vây, giấy thấm dầu loang...
Phương án này được hoàn thiện trong ngày 18-3 và dự kiến triển khai trong khoảng 20 ngày sau khi được thông qua. Thế nhưng, phương án này vẫn chưa được Công ty CP Đầu tư DMK thông qua.
Liên quan đến vụ chìm tàu này, Ban Giám đốc Khu Du lịch Pandanus Resort vừa khen thưởng đột xuất 2 nhân viên cứu hộ thuộc bộ phận an ninh của khu du lịch này là Hồ Chí Tín và Tăng Xuân Tim về hành động dũng cảm, tham gia cứu 7 truyền viên gặp nạn; đồng thời tuyên dương tập thể nhân viên Khu Du lịch Pandanus Resort.
Bình luận (0)