Theo kết luận của cơ quan chức năng, 600 GV dôi dư có liên quan đến 3 đời chủ tịch UBND huyện Krông Pắk. Trong đó, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk giai đoạn 2011-2015 là ông Nguyễn Sỹ Kỷ (hiện là Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk) đã ký và cho chủ trương ký hợp đồng lao động với khoảng 400 GV. Với sai phạm này cùng với một số sai phạm khác, ông Kỷ đã bị UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk kỷ luật với hình thức cảnh cáo.
Các giáo viên hợp đồng lo lắng tới UBND huyện nghe ngóng tình hình
Thời điểm năm 2015, số lượng GV đã dôi dư nhưng khi ông Y Suôn Byă lên làm Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk lại tiếp tục ký thêm khoảng 100 hợp đồng lao động với GV. Mặc dù năm 2013, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk đã kiến nghị xử lý số GV dôi dư nhưng cả 2 đời chủ tịch UBND huyện Krông Pắk vẫn ký thêm hàng trăm hợp đồng dẫn đến tình trạng dư thừa GV thêm trầm trọng. Tuy nhiên đến nay, ông này vẫn chưa bị xử lý kỷ luật.
Liên quan đến vụ việc, ngày 16-3, Công an huyện Krông Pắk cũng đã mời một số GV có đơn tố cáo ông Huỳnh Bê, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) và ông Bê lên làm việc.
"Đối với vụ việc tố cáo nhận tiền chạy việc 300 triệu đồng/suất, ông Bê đã thừa nhận, riêng vụ tố trả không đúng tiền lương của GV thì hiện này còn nhiều vấn đề liên quan cần làm rõ nên chưa thể cung cấp" - thượng tá Nguyễn Văn Dân, Phó trưởng Công an huyện Krông Pắk, thông tin.
Phóng viên đã liên hệ ông Huỳnh Bê và nhân viên kế toán của Trường THCS Ngô Mây để làm rõ thông tin nhiều GV hợp đồng "tố" cắt xén tiền lương nhưng ông Bê không nghe máy. Kế toán trường trả lời: "Hiện thanh tra và công an đã vào cuộc, tôi đang làm việc với họ nên không trao đổi được. Đúng, sai gì thì đợi kết luận của các cơ quan chức năng thì biết, ai sai người ấy chịu".
Kiểu nào cũng phải chạy!
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chị H.T.N cho biết năm 2006, chị tốt nghiệp Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ. Năm 2008, người quen của chị làm quan chức ở Đắk Lắk nói đưa hồ sơ vào xin việc. Khoảng 1 tháng sau, chị N. được ký hợp đồng ngắn hạn làm GV âm nhạc cho một trường tiểu học ở huyện Krông Pắk với mức lương 1,6 triệu đồng/tháng. Sáu tháng sau, chị N được ký hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế. Thời gian này, chị được hưởng lương, trợ cấp, chế độ ưu đãi như một GV biên chế.
Sau đó, chị tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội hệ vừa học vừa làm. Đến tháng 9-2016, chị N. thi viên chức bị rớt nên không vào được biên chế. Từ đó, chị N. bị cắt hết các khoản phụ cấp, chỉ được trả tiền đứng tiết. Đến tháng 1-2017, nhà trường đã quyết định chấm dứt hợp đồng với chị N. sau 9 năm gắn bó. Chị N. tâm sự để được nhận vào dạy hợp đồng ngắn hạn và "chạy" vào biên chế, chị đã tốn kém hơn 100 triệu đồng. Giờ thì thất nghiệp, tiền cũng không lấy lại được vì những người "chạy" việc, người thì bị ung thư chết, người thì rớt chức. Hiện nay, chị dựng một quán nhỏ ven đường để bán bắp luộc và nước giải khát kiếm sống trong lúc chờ các đợt thi tuyển viên chức.
Bình luận (0)