Sau bài viết "Không nên tạm hoãn dự án buýt nhanh BRT số 1?" (đăng trên Báo Người Lao Động số ra ngày 20-12) với các ý kiến phân tích không nên vội vàng đề xuất tạm dừng dự án phát triển giao thông xanh (trong đó mục tiêu chính là tuyến buýt nhanh BRT số 1), ngày 22-12, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (viết tắt Ban Giao thông - chủ đầu tư dự án) cho hay việc đề xuất tạm dừng đã được xem xét lại một cách thấu đáo.
Sẽ thuyết phục Ngân hàng Thế giới
"Sau khi bàn bạc, đơn vị chúng tôi và Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM (đơn vị đề xuất tạm dừng dự án - PV) đã thống nhất tiếp tục thực hiện dự án phát triển giao thông xanh của TP HCM. Theo đó, 2 đơn vị cùng thống nhất đề xuất UBND thành phố thay đổi loại hình, tức sẽ thực hiện "tuyến buýt xanh chất lượng cao với làn đường ưu tiên" thay cho BRT số 1" - ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông TP HCM, thông tin.
Theo ông Lương Minh Phúc, việc thống nhất trên xuất phát từ thực tế hình thành trục giao thông công cộng khối lượng lớn nối liền phía Ðông và phía Tây TP HCM là nhu cầu có thật, cần làm ngay trong giai đoạn 2021-2025. "Với thực tế hiện nay tuyến metro số 1 vận hành trễ, khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa lấp đầy, đường Vành đai 2 chưa khép kín... thì việc thay thế tuyến BRT thành tuyến xe buýt xanh chất lượng cao với làn đường ưu tiên sẽ khả thi nhất" - ông Lương Minh Phúc phân tích.
Ông cũng khẳng định tiếp tục triển khai dự án phát triển giao thông xanh còn hạn chế những tác động không tốt đến mối quan hệ hợp tác hiện tại và tương lai giữa TP HCM và Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Thụy Sĩ cũng như không ảnh hưởng kết quả giải phóng mặt bằng đang triển khai... Ngoài ra, TP HCM sẽ tiếp tục dùng nguồn vốn SECO để triển khai gói thầu "Tư vấn nghiên cứu bổ sung thiết kế đô thị, khung pháp lý, điều chỉnh quy hoạch phân khu trong hành lang BRT và nghiên cứu quy hoạch khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố" và nguồn vốn IDA để triển khai gói thầu BRT2-CS9 "Dịch vụ tư vấn nghiên cứu tổ chức lại mạng lưới xe buýt trên toàn thành phố và chuẩn bị kế hoạch hành động để nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ của hệ thống xe buýt hiện hữu"... Vấn đề còn lại là phải chờ UBND TP HCM xem xét phương án, thống nhất đồng ý để hướng dẫn các đơn vị liên quan hoàn chỉnh nội dung trước khi trao đổi, thuyết phục Ngân hàng Thế giới đồng ý triển khai.
"Trường hợp Ngân hàng Thế giới và SECO đồng ý việc điều chỉnh, phân kỳ đầu tư, cho phép triển khai hạng mục cũ và mới song song, dự kiến trong tháng 1 và tháng 2-2022, Ban Giao thông sẽ thống nhất với Ngân hàng Thế giới và SECO phương án và tổng tiến độ tiếp tục triển khai dự án. Ðến tháng 3-2022 sẽ đấu thầu các gói thầu xây lắp và tháng 9-2022 tiến hành thi công các gói thầu trên. Dự kiến tháng 6-2024 sẽ vận hành thử, đưa vào khai thác phục vụ người dân" - lãnh đạo Ban Giao thông TP HCM cho hay.
Muốn đạt được mục tiêu vận chuyển hành khách công cộng, TP HCM cần phải tập trung hoàn thiện hệ thống xe buýt. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Vốn dư sẽ làm gì?
Theo Sở GTVT TP HCM, dự án phát triển giao thông xanh sau khi điều chỉnh sẽ tiết giảm được nguồn vốn lớn, khoảng 607,4 tỉ đồng. Vốn này, sẽ dành 70% để đầu tư hạ tầng giao thông công cộng như hệ thống công nghệ thông tin, bến bãi, trạm dừng... cho xe buýt, còn lại đầu tư tuyến xe buýt xanh chất lượng cao.
Cụ thể, sẽ phát triển các công trình hạ tầng phục vụ chung toàn bộ hệ thống giao thông công cộng của thành phố như xây dựng Bến xe Rạch Chiếc và bãi hậu cần kỹ thuật xe buýt tại Thủ Thiêm; xây dựng trung tâm điều hành tập trung của hệ thống xe buýt toàn thành phố, hệ thống lõi của hệ thống giao thông công cộng toàn thành phố. Ðồng thời, nghiên cứu tái cấu trúc mạng lưới xe buýt toàn thành phố, nâng cấp hệ thống đèn tín hiệu dọc đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, kết nối về trung tâm điều khiển tập trung, mở rộng một số đoạn tuyến Mai Chí Thọ và Võ Văn Kiệt nhằm giảm ùn tắc giao thông...
Theo Ban Giao thông, để tiết giảm chi phí đầu tư trong giai đoạn đầu khi lượng khách chưa đạt đến công suất thiết kế, Ban Giao thông và Sở GTVT thành phố đề xuất đội xe sẽ được huy động từ nguồn xã hội hóa thông qua công tác đấu thầu lựa chọn doanh nghiệp khai thác như hiện nay. Ngoài ra, tạm dừng đầu tư xây dựng mới trên đại lộ Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ cho đến khi hành khách tăng lên đúng công suất, chỉ đầu tư 2 cầu vượt tại trạm dừng số 27, 28 trên xa lộ Hà Nội và sửa chữa cầu bộ hành hiện hữu trên đại lộ Võ Văn Kiệt. Chưa kể, hệ thống vé và hệ thống ITS (thông tin hành khách, đội xe) cho tuyến này được thay thế bằng cách phát triển nâng cấp hệ thống BMS của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng hiện nay và hình thành một mô-đun riêng cho hành lang BRT số 1.
Nhận định về đề xuất điều chỉnh tuyến BRT sang tuyến xe buýt xanh chất lượng cao, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Ðức, cho rằng hợp lý với tình hình hiện tại, thể hiện sự nhất quán trong tầm nhìn chiến lược và hành động về phát triển hệ thống giao thông công cộng của thành phố. Theo TS Vũ Anh Tuấn, vấn đề là không chỉ 1 tuyến xe buýt xanh này mà thành phố cần phải phát triển thành mạng lưới các tuyến xe buýt xanh, tuyến xe buýt chính, tuyến nhánh, tuyến gom, phủ đều khắp các tuyến đường của thành phố càng sớm càng tốt. Song song đó, thành phố phải kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân nhằm đạt được mục tiêu chuyển đổi phương thức đi lại cho người dân.
Bình luận (0)