Một trong những thí sinh được "phù phép" nâng tới 25 điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 ở tỉnh Sơn La là N.T.H, con một cán bộ công an.
Nhiều con cán bộ ngành giáo dục
Cụ thể, điểm chấm lần đầu của thí sinh N.T.H là toán: 9,4; lý: 9,5; hóa: 5,75; sinh: 6; ngoại ngữ: 9,2; văn: 5. Trong khi đó, điểm chấm thẩm định thì toán: 2,6; lý: 2,75; hóa: 1,75; sinh: 2,75; ngoại ngữ: 5; văn: 5. Điều này đồng nghĩa với việc thí sinh này được nâng tới 25 điểm. Được biết, N.T.H có bố là công an và mẹ công tác trong ngành giáo dục tỉnh Sơn La.
Cơ quan chức năng đọc lệnh khởi tố bị can một đối tượng trong vụ nâng điểm thi. (Ảnh do cơ quan công an cung cấp)
Thí sinh N.A.T được nâng tới 26,55 điểm/3 môn. Điểm chấm lần đầu các môn toán, lý, ngoại ngữ đều là 9. Tuy nhiên, điểm chấm thẩm định thì toán: 0; lý: 0,25 và ngoại ngữ: 0,2. Một thí sinh khác là P.S.T có điểm chấm lần đầu thì toán: 9,4; lý: 9,5; hóa: 6,5; sinh: 5,5; ngoại ngữ: 9,6. Điểm chấm thẩm định lại thì toán: 4,4; lý: 3; hóa: 3,75; sinh: 3; ngoại ngữ: 3. Tổng điểm thí sinh T. được nâng là 23,35. Thí sinh này là con của một lãnh đạo Cục Thống kê tỉnh Sơn La.
Thí sinh T.D.H được nâng 22,15 điểm. Cụ thể, điểm chấm lần đầu là toán: 9; lý: 9,25; ngoại ngữ: 9. Điểm chấm thẩm định lại chỉ đạt toán: 1,8; lý: 1,5 và ngoại ngữ: 1,8. Thí sinh M.V.T có 3 môn xét tuyển điểm đại học nâng tổng cộng 18,9 điểm. Điểm chấm lần đầu là toán: 9,4; lý 9,5; ngoại ngữ: 9. Điểm chấm thẩm định chỉ còn toán: 4; lý: 3; ngoại ngữ: 2.
Rất nhiều trường hợp con của quan chức địa phương, công an, lãnh đạo ngành thuế, ngân hàng, doanh nghiệp cũng được nâng điểm. Ít nhất có 12/44 thí sinh được nâng điểm là con em của những người làm trong ngành giáo dục tỉnh Sơn La.
Xử nghiêm phụ huynh tác động nâng điểm
Đại biểu (ĐB) Đinh Công Sỹ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (QH), Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La - cho rằng vụ tiêu cực thi cử ở Sơn La là điều rất buồn. "Vụ việc đã phần nào tạo nên hình ảnh xấu về đội ngũ cán bộ công chức khi danh sách những người được công bố đều là người nắm giữ các vị trí trong các cơ quan công quyền của tỉnh" - ông Sỹ nêu rõ. Về hướng xử lý, ĐB này cho rằng nếu sau khi cơ quan điều tra xác định được các phụ huynh này thực sự có ý định tham gia tác động bằng vật chất, quyền lực làm sai lệch kết quả thi thì phải xử lý nghiêm khắc.
ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, nhấn mạnh gian lận thi cử không chỉ để lại hậu quả trước mắt mà còn về lâu dài, bởi nó cung cấp đầu vào cho quá trình đào tạo và đầu ra cho sử dụng nhân sự phục vụ nhà nước và xã hội. Nếu như sự dối trá này bị che giấu sẽ gây hậu quả khôn lường, làm tha hóa nền giáo dục. Ngoài ra, từ việc gian dối sẽ đào tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng thấp và yếu kém, tác động đến đạo đức xã hội, chi phối những hành vi đúng đắn trong xã hội.
Theo ông Lê Thanh Vân, hành vi gian dối trong thi cử là rất nghiêm trọng, phải trừng trị thích đáng. Đây không chỉ đơn thuần là những vi phạm các quy định về giáo dục mà còn vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật. Ngoài xử lý theo quy định của pháp luật, phải công khai đích danh người tác động sửa điểm để lên án. Nếu như điều tra xác định có căn cứ những người liên quan có vi phạm thì trước mắt phải đình chỉ chức vụ của những công chức ấy để điều tra, truy tố trước pháp luật.
Chờ kết luận của cơ quan điều tra
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Sơn La, ông Nguyễn Văn Cảnh, cho biết chưa nắm được thông tin nhiều con em cán bộ, Đảng viên trong tỉnh được nâng điểm ở kỳ thi THPT quốc gia 2018. "Phải có kết luận của cơ quan điều tra thì mới rõ đúng, sai để đưa ra biện pháp xử lý. Nếu cán bộ, Đảng viên sai phạm thì phải xử lý nghiêm theo pháp luật" - ông Cảnh nói.
Bình luận (0)