Ngày 4-11, UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho biết vừa nhận được văn bản của UBND tỉnh về việc chuyển đơn khiếu nại của Công ty TNHH du lịch Phong Nha Heritage đến Chủ tịch UBND huyện này để xem xét, giải quyết vụ doanh nghiệp lấn chiếm hơn 3,6 ha rừng phòng hộ ở Phong Nha - Kẻ Bàng mà Báo Người Lao Động phản ánh.
Một hạng mục nhà chòi phía ngoài bãi đậu xe ở Khu du lịch sinh thái công viên Ozo Park được xác định lấn chiếm rừng phòng hộ Phong Nha - Kẻ Bàng
Bà Đoàn Thị Yên, Giám đốc Công ty TNHH du lịch Phong Nha Heritage, bất ngờ có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Bình và các ban ngành liên quan khiếu nại quyết định của UBND huyện Bố Trạch, khi huyện này ra văn bản buộc doanh nghiệp phải thực hiện khắc phục hậu quả về những vi phạm, khi lấn hơn 3,6 ha rừng phòng hộ ở VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.
Văn bản này nêu vào tháng 12-2018, UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt đề án cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái khu vực rừng Gáo - hang Ô Rô và hợp đồng thuê môi trường rừng được ký kết giữa Công ty và Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.
Trong quá trình thi công, doanh nghiệp này dưới sự giám sát của Hạt kiểm lâm và Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng đã khẩn trương thi công một số công trình kiến trúc lắp ghép để phục vụ kịp thời đón khách mùa du lịch năm 2019.
Doanh nghiệp rải đá, làm nhà chòi trên rừng phòng hộ
Doanh nghiệp này cho rằng để kịp thời phục vụ đón khách nên buộc phải "dịch chuyển một ít ra ngoài vị trí tọa độ khoanh vùng của đề án để tránh các vị trí có cây rừng và các vị trí sạt lở nhằm mục đích bảo vệ an toàn hệ sinh thái của rừng…". Những hạng mục này, gồm: các nhà chòi, sàn gỗ đi bộ, các điểm check in…. Nhưng tổng cộng diện tích môi trường rừng doanh nghiệp này sử dụng vẫn trong 4,65 ha như được phê duyệt.
Đáng chú ý, Công ty TNHH du lịch Phong Nha Heritage còn khẳng định rằng việc "dịch chuyển" các hạng mục ở Khu du lịch sinh thái công viên Ozo nói trên ra ngoài phạm vi, ranh giới thời điểm đó đã được Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng chấp thuận…
Tuy nhiên, Công ty Phong Nha Heritage nhận được quyết định của UBND huyện Bố Trạch về việc buộc phải khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra. Theo đó, Ozo Park phải tháo dỡ gần như toàn bộ các công trình kiến trúc, các điểm check in phục vụ khách du lịch từ khi đi vào hoạt động tới nay.
Sàn đi bộ dài hàng trăm mét được dựng trên đất rừng phòng hộ
Vì vậy, Công ty làm công văn khẩn cầu UBND tỉnh Quảng Bình và các ban ngành liên quan xem xét lại quyết định để tạo điều kiện được "điều chỉnh tọa độ, vị trí, ranh giới đảm bảo các công trình mà Ozo Park đang khai thác hoạt động từ trước đến nay nằm trong tổng diện tích 4,65ha môi trường rừng đã được phê duyệt hoặc cho phép được mở rộng diện tích cho thuê để không phải tháo dỡ các công trình này…."
Trả lời Báo Người Lao Động về sự việc này, ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, cho biết sau khi nhận được văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện đã yêu cầu các phòng, ban liên quan kiểm tra, xem xét lại toàn bộ sự việc để báo cáo UBND tỉnh Quảng Bình, trả lời doanh nghiệp trước ngày 30-11.
"Hiện UBND huyện chưa ra quyết định cưỡng chế các hạng mục công trình ở Ozo Park vi phạm lấn chiếm rừng phòng hộ ở Phong Nha - Kẻ Bàng là do doanh nghiệp đang có đơn khiếu nại. Sắp tới, khi sự việc xong xuôi sẽ có phương án xử lý, văn bản hồi đáp cho doanh nghiệp" – ông Thủy khẳng định.
Bình luận (0)