Những năm 90 của thế kỷ trước, tôi được chuyển từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Vụ Tổng hợp, Văn phòng Quốc hội. Khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão được Đảng ủy phân công sinh hoạt Đảng tại Chi bộ Vụ Tổng hợp.
Không đi theo lối mòn
Ngay đầu buổi họp, anh Vũ Mão phát biểu: "Tôi đề nghị hôm nay chi bộ ta nên bàn chuyên đề về đổi mới hoạt động của Quốc hội. Các đồng chí đảng viên trong chi bộ có sáng kiến gì hay trong công tác tham mưu, tổng hợp phục vụ sự đổi mới hoạt động của Quốc hội thì hiến kế, lãnh đạo văn phòng xin lắng nghe để báo cáo Thường vụ Quốc hội".
Các đảng viên trong chi bộ nhìn nhau vì cứ nghĩ sinh hoạt chi bộ như truyền thống lâu nay: kiểm điểm công tác tháng trước rồi bàn phương hướng, công tác, nhiệm vụ tháng sau; bí thư trình bày hầu hết thời gian, ai có ý kiến gì thì phát biểu, nếu không biểu quyết tán thành 100%. Với đề xuất của anh Vũ Mão, cuộc họp chi bộ chuyển hướng sang bàn bạc, hiến kế, phát huy trí tuệ và tâm huyết của từng đảng viên.
Dăm phút đầu thấy gương mặt các đảng viên trong chi bộ ai nấy đăm chiêu suy nghĩ, anh Vũ Mão gợi ý: "Quốc hội ta là Quốc hội của dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chúng ta có thể tăng thêm thời lượng phát thanh và truyền hình trực tiếp để dân biết và giám sát hoạt động của các vị đại biểu Quốc hội và các thành viên Chính phủ, cụ thể như phiên chất vấn, trả lời chất vấn, giám sát tối cao tại kỳ họp, thảo luận về kinh tế - xã hội... Cần tạo điều kiện để phóng viên được tác nghiệp nhiều hơn tại hội trường, tại các ủy ban của Quốc hội nhằm đưa thông tin hoạt động của Quốc hội đến nhanh hơn với nhân dân và cử tri cả nước; nâng cao chất lượng ghi âm, ghi hình các phiên làm việc của Quốc hội để chúng ta có những cuốn kỷ yếu chính xác, trung thực cho đời sau...".
Ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: WEBSITE CHINH PHU
Sau đó, anh Vũ Mão đề nghị các kỳ họp nên mời rộng rãi khách dự thính là các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo HĐND, UBND các địa phương để họ nắm bắt và góp ý cho các quyết sách của Quốc hội... Anh Vũ Mão còn gợi ra rất nhiều vấn đề xung quanh việc đổi mới kỳ họp Quốc hội khiến cuộc họp chi bộ hôm ấy trở nên sôi động, thiết thực với nhiều đóng góp nhiệt tình, trách nhiệm của các đảng viên. Đó cũng là một trong những căn cứ để thời đó anh Vũ Mão có một báo cáo đầy đủ, rất thuyết phục với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được cơ quan này nhất trí cao về những đổi mới tại kỳ họp Quốc hội, đã trở thành hiện thực suốt mấy chục năm qua.
Tôi còn nhớ cuối năm 1995, một buổi chiều sau giờ làm, anh Vũ Mão điện thoại mời tôi đến phòng. Gặp tôi, anh vào đề ngay: "Tiến vốn là nhà báo quân đội, mình hỏi Tiến về tính chất và sức lan tỏa giữa tạp chí và nhật báo như thế nào?". Tôi trình bày với anh về tính chuyên môn, chuyên ngành, tính nghiên cứu của tạp chí, còn nhật báo có sức mạnh của thời sự, truyền thông, đại chúng, cập nhật thông tin và sức lan tỏa mạnh mẽ của nó. Anh cười rất tươi: "Mình cũng đã trao đổi với các anh quản lý báo chí ở Bộ Văn hóa - Thông tin, các anh ấy rất ủng hộ Quốc hội nên có tờ nhật báo, tiến tới sau này phải có các cơ quan truyền thông đa phương tiện như Quốc hội các nước".
Ý tưởng của anh Vũ Mão đã trở thành hiện thực, Báo Người Đại biểu Nhân dân, rồi Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, Bản tin Thông tin Quốc hội, Truyền hình Quốc hội lần lượt ra mắt công chúng, đa dạng hóa hình thức truyền thông đến với nhân dân và cử tri cả nước.
Vào giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, tôi có bài phát biểu trên diễn đàn Quốc hội: "Buông lỏng quản lý đất đai công sản, mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng tham nhũng, lãng phí" và "Tham nhũng, lãng phí - 2 anh em sinh đôi, lực cản đường cất cánh của đất nước". Giờ giải lao của phiên họp sáng hôm ấy, anh Vũ Mão gặp tôi bên hành lang hội trường, xúc động nói: "Em phát biểu rất đúng và trúng ý của anh, người dân một nắng hai sương chắt chiu từng đồng đóng thuế cho nhà nước, thế mà lũ "sâu mọt" đục khoét ngân khố quốc gia, làm suy kiệt nhựa sống xã hội... Anh ủng hộ em, mong em tiếp tục phát huy bản lĩnh của người lính chiến trường năm xưa vào hoạt động nghị trường hôm nay...".
Tôi chỉ còn biết lặng người cảm ơn về sự quan tâm sâu sắc của anh.
Ý tưởng còn dang dở
Vào dịp kỷ niệm 70 năm tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước ta, anh Vũ Mão tặng tôi cuốn "Dấu son nghị trường" của anh được Nhà Xuất bản Thanh niên ấn hành. Đây là cuốn sách quý ghi lại chân thực chặng đường 70 năm Quốc hội Việt Nam mà chỉ có người trong cuộc, thấm đẫm trải nghiệm, tâm huyết mới có thể phác họa sinh động đến như thế. Tặng tôi sách, anh còn trao gửi ý tưởng: "Anh Mai Thúc Lân, Phó Chủ tịch Quốc hội, có cuốn sách "Cuộc đời ấm lạnh, buồn vui", mình có "Dấu son nghị trường", anh Bùi Ngọc Thanh, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, có "Ghi nhận những hoạt động của Quốc hội", anh Trần Văn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, có "Từ cuộc sống tới nghị trường", anh Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, có "Tổ chức và hoạt động Nghị viện trên thế giới"… Mình được biết Tiến vừa ra mắt cuốn "Dấu ấn nghị trường" được các đại biểu Quốc hội nhiệt thành đón nhận và rất nhiều người khác cũng có sách tâm huyết ghi lại chặng đường làm đại biểu Quốc hội. Nên chăng, câu lạc bộ Cựu đại biểu Quốc hội tập hợp những cuốn sách này tặng Thư viện Quốc hội để trao truyền lại cho các thế hệ mai sau...".
Ý tưởng này chưa kịp thực hiện thì anh Vũ Mão đã ra đi. Chúng tôi nguyện sẽ tiếp nối, thắp sáng những ý tưởng đổi mới, sáng tạo và nhân văn của anh.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng ông Vũ Mão
Ngày 3-6, tại Nhà Tang lễ Quốc gia (TP Hà Nội), lễ tang ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đã được tổ chức theo nghi thức lễ tang cấp cao.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng… gửi vòng hoa viếng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến viếng và chia buồn cùng gia quyến ông Vũ Mão.
Ông Vũ Mão sinh ngày 19-12-1939 tại Hà Nội trong một gia đình công nhân có truyền thống yêu nước. Gần 60 năm hoạt động cách mạng, ông đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và Quốc hội. Là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng liên tục 5 khóa, đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau tại Hội đồng Nhà nước và tại Quốc hội, ông đã để lại nhiều dấu ấn, có nhiều đóng góp tích cực vào việc xây dựng, đổi mới và nâng cao vai trò của Quốc hội, các cơ quan đại biểu dân cử. Những hoạt động do ông đề xuất, khởi xướng như tổ chức chất vấn và truyền hình trực tiếp các phiên họp và phiên chất vấn của Quốc hội, bỏ phiếu bằng thiết bị kỹ thuật thay cho giơ tay...
Ông Vũ Mão được an táng tại Nghĩa trang Thiên Đức (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ).
N.Hà
"Say sưa vắt nhựa sống dâng đời"
Nhân sinh nhật năm 80 tuổi của anh Vũ Mão (19-12-2019), tôi ngẫu hứng "xuất thần" đọc mấy dòng phác họa chân dung anh:
"Bốn nhiệm kỳ làm đại biểu nhân dân
Anh trăn trở tìm con đường đổi mới
Bằng trí tuệ và niềm tin phơi phới
Anh say sưa vắt nhựa sống dâng đời
Yêu thơ, mê nhạc, nhân hậu với người
Bát tuần mãi mãi tuổi đôi mươi"...
Ai ngờ đó là lần mừng thọ cuối cùng của chúng tôi với anh...
Bình luận (0)