Sau khi Thanh tra Chính phủ chính thức có kết luận về vụ việc MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty CP Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), dư luận hết sức lưu ý về những sai phạm trong thương vụ này. Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Ban Chỉ đạo trung ương Phòng chống tham nhũng, trong việc yêu cầu các cơ quan chức năng thanh tra, làm rõ những dấu hiệu bất thường thì có thể thương vụ mua bán này đã trót lọt, hàng ngàn tỉ đồng của nhà nước, tiền thuế của dân, chui vào túi một số người.
Nâng khống giá trị gấp 80-150 lần
Xâu chuỗi lại toàn bộ vụ việc, mới thấy rằng có một sự dàn xếp rất chặt chẽ giữa các bên để nâng khống giá trị của một doanh nghiệp (DN) lỗ triền miên thành một thương hiệu "ăn nên làm ra".
Trụ sở chính của MobiFone ở quận Cầu Giấy, Hà Nội Ảnh: MINH CHIẾN
Từ một DN thua lỗ trong nhiều năm, giá trị còn lại của tài sản cố định tại thời điểm chuyển nhượng chỉ là 208,589 tỉ đồng nhưng qua sự nhào nặn của các công ty thẩm định giá, AVG được phù phép để có được "giá trị" cao gấp từ 80-150 lần.
Các công ty thẩm định giá này là ai? Xin thưa, đó là Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC (AASC), Công ty TNHH Định giá Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (Hanoi Valuation) và Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX (gọi tắt AMAX). Cụ thể, AASC đã định giá tài sản của AVG lên đến 33.000 tỉ đồng, VCBS định giá 24.500 tỉ đồng, Hanoi Valuation định giá 18.500 tỉ đồng và AMAX định giá 16.565 tỉ đồng (được MobiFone lựa chọn).
Khi các bên liên quan đều "đồng thanh tương ứng" thì chuyện rút ruột tiền nhà nước là quá dễ dàng. Thủ đoạn này không phải là mới nhưng cái mới là nó được thực hiện một cách công khai và được "hợp thức hóa" bằng các văn bản của một số người có thẩm quyền.
Trong vụ việc này, không thể bỏ qua trách nhiệm của người đại diện pháp luật và thẩm định viên của các công ty thẩm định. Chính sự "hô biến" số liệu của họ là tiền đề để MobiFone dễ dàng qua mặt các cơ quan có thẩm quyền trong việc xin phê duyệt thực hiện thương vụ mua AVG.
Do vậy, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đại diện pháp luật và các thẩm định viên của công ty định giá nêu trên. Sở dĩ đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự là vì các công ty này khi được cấp giấy phép về thẩm định giá, họ hoàn toàn phải là người có đủ điều kiện, kiến thức pháp luật trong lĩnh vực thẩm định, nhất là quy định về Luật Giá và các văn bản pháp luật liên quan. Khi đưa ra con số trên trời, họ không thể không biết số liệu này là sai nhưng vẫn làm. Mục đích, động cơ là gì cần phải được điều tra.
Nhiều câu hỏi cần làm rõ
Với những gì đã được Thanh tra Chính phủ kết luận, cho thấy những người có trách nhiệm ở MobiFone cố tình lập dự án với những số liệu không có thật để qua mặt cơ quan thẩm quyền.
Vậy những ai ở MobiFone phải chịu trách nhiệm trong vụ này? Kết luận đã chỉ rõ, đó là: Chủ tịch HĐTV, các thành viên HĐTV, tổng giám đốc và các cá nhân có trách nhiệm ở MobiFone chịu trách nhiệm chính trong vụ việc này.
Cách đây vài ngày, giữa đại diện MobiFone và AVG đã ký thỏa thuận hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Động thái này được nhiều người cho rằng là sự thiện chí giải quyết hậu quả giữa hai bên, giảm thiểu thiệt hại cho nhà nước. Nhưng đó chỉ là xét về mặt khắc phục hậu quả, là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm khi các cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra, xử lý vụ việc. Bởi lẽ, nếu MobiFone và AVG không hủy bỏ hợp đồng và hoàn trả những gì đã nhận thì pháp luật cũng buộc họ phải hoàn trả lại các khoản tiền đã nhận. Việc hoàn trả này không xóa được trách nhiệm của các cá nhân có liên quan, nhất là những người đứng đầu MobiFone.
Hơn nữa, trong vụ việc MobiFone mua cổ phần của AVG sẽ không được trót lọt nếu không có ý kiến bằng văn bản của các bộ, ngành liên quan. Và có quá nhiều câu hỏi đặt ra qua thương vụ này: Vì sao đã biết dự án mua cổ phần của MobiFone đối với AVG có nhiều vấn đề chưa làm rõ nhưng vẫn trình Thủ tướng phê duyệt đầu tư dự án và đã quyết định phê duyệt dự án? Động cơ nào để bộ quản lý có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị xác định vụ việc chuyển nhượng giữa AVG và MobiFone là lĩnh vực bí mật nhà nước? Có hay không việc lạm dụng tính "mật" để che giấu thương vụ có nhiều sai phạm?...
Một câu hỏi nữa cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư là vì sao lại có 2 văn bản trái ngược nhau về quan điểm. Văn bản số 721/BKHĐT-KCHTĐT ngày 24-11-2015 gửi Thủ tướng đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhưng khi MobiFone đã ký hợp đồng chuyển nhượng, thanh toán 95% giá trị hợp đồng thì bộ này lại có Văn bản số 27/BKHĐT-PTDN nêu lên sự rủi ro, chưa chắc chắn về hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình cổ phần hóa...
Với một vụ việc hết sức nghiêm trọng, dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là sau các phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người dân rất mong chờ Bộ Công an sớm khởi tố vụ án, điều tra, xử lý nghiêm trước pháp luật những cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm trong vụ việc này.
Không "thua chị, kém em"
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của nhà nước tại MobiFone khoảng 7.006 tỉ đồng. Đây là một con số quá lớn, không "thua chị, kém em" với những "đại án" đã bị khởi tố trước đây. Tuy nhiên, tính chất vụ này có lẽ nghiêm trọng hơn nhiều.
Bình luận (0)