Ngày 19-1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Kon Tum đã có báo cáo kiểm tra, xác minh nội dung DN công bố đang sở hữu 10 ha sâm Ngọc Linh tại huyện Đắk Glei (2 ha) và Tu Mơ Rông (8 ha).
Kết quả kiểm tra xác định chỉ có 2 người dân tại huyện Tu Mơ Rông ký hợp đồng liên kết trồng sâm Ngọc Linh với DN này. Còn tại huyện Đắk Glei thì không có bất kỳ hộ dân nào liên kết, trồng sâm Ngọc Linh với DN này.
Cụ thể vào năm 2020, có ông A Ngao và ông A Glôi (xã Ngọk Lây, huyện Tu Mơ Rông) bán cho DN tổng cộng 550 cây sâm Ngọc Linh. Số sâm này DN gửi lại cho 2 người dân này trồng tại vườn thuộc tiểu khu 225, 226 (xã Ngọk Lây). Riêng số sâm ông A Ngao trồng vào năm 2021 đã thu được khoảng 1.000 hạt. Ông A Ngao tiếp tục gieo số hạt này tại vườn và được DN trả công 100.000 đồng/ngày.
Trong quá trình mua bán, ông A Ngao và A Glôi có ký hợp đồng với DN nhưng không đọc rõ nội dung được thể hiện trong hợp đồng gồm: nội dung hợp tác; số lượng cây, hạt giống sâm Ngọc Linh; vị trí và diện tích trồng.
Ngoài ra, có các ông A.L (xã Tê Xăng), ông A.K và ông A.P (cùng xã Ngọc Lây) được DN này thông tin trên báo chí rằng đang hợp tác để trồng sâm Ngọc Linh. Cơ quan chức năng đã xác minh trên địa bàn xã Tê Xăng (tại thôn Tu Thó và Đắk Viên) có 7 hộ tên là A.L nhưng không có hộ nào liên kết trồng sâm Ngọc Linh với DN. Đối với ông A.K và ông A.P (tại xã Ngọk Lây): Công an xã Ngọc Lây thì do chưa đủ thông tin nên chưa xác định được và vẫn tiếp tục xác minh.
Tổ công tác đã 3 lần đến trụ sở DN tại số 740 Phạm Văn Đồng, TP Kon Tum để làm việc theo lịch, giấy mời. Tuy nhiên nhân viên DN thông báo không có lãnh đạo ở trụ sở và cũng không biết lãnh đạo đi đâu, cho nên không làm việc được.
Công ty Cổ phần Đầu tư Sâm Việt Nam trưng bày nhiều sản phẩm có thành phần sâm Ngọc Linh ngày khai trương, cơ quan chức năng chưa xác định được sâm này mua từ đâu do không làm việc được với công ty
Theo ông Huỳnh Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum, không có việc Công ty CP Đầu tư Sâm Việt Nam sở hữu 10 ha và liên kết trồng sâm Ngọc Linh với người dân trên địa bàn huyện Đắk Glei và Tu Mơ Rông như công bố. DN này chỉ có mua của người dân 550 cây sâm Ngọc Linh, gửi lại người dân trồng, chăm sóc. Số sâm này mới cho thu hoạch khoảng 1.000 hạt và đang tiếp tục được gieo trồng. Riêng việc DN này có mua sâm Ngọc Linh của các tổ chức, cá nhân nào để làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm thì không xác định được do không làm việc được với DN.
Do đó, sở đã kiến nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo huyện Tu Mơ Rông, Đắk Glei tăng cường kiểm tra, phát hiện ngăn chặn, xử lý kịp thời trong hoạt động sản xuất kinh doanh hạt, cây giống, củ và các sản phẩm được chiết xuất từ sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sản xuất, mua bán hạt giống, củ và sản phẩm từ sâm Ngọc Linh phải có nguồn gốc, xuất xứ theo chỉ dẫn địa lý. Cần ký cam kết yêu cầu các tổ chức, cá nhân không mua bán, sản xuất, kinh doanh, quảng bá, quảng cáo các loại hạt giống, củ sâm, lá sâm… không chứng minh được hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ.
UBND tỉnh Kon Tum cần chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm xử lý kịp thời các hành vi vận chuyển kinh doanh, mua bán, tàng trữ các loại dược liệu quý hiếm, các sản phẩm, hàng hóa không có xuất xứ, nguồn gốc hợp pháp… để bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Bình luận (0)