Tại hội nghị giao ban trực tuyến của UBND TP Hà Nội sáng 14-1, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết hôm nay đã bước sang ngày thứ tư một số người dân gần bãi rác Nam Sơn chặn các lối vào Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.
"Lãnh đạo TP, huyện và các đơn vị liên quan đã đối thoại với người dân 3 lần nhưng bãi rác vẫn bị phong tỏa lối vào. Vấn đề chủ yếu là vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Về cơ bản các bên đã tìm được tiếng nói chung" - Ông Dục cho hay.
Ông Dục cũng nói thêm: "Hiện 12 quận trên địa bàn TP đang gặp khó khăn do tình trạng ùn ứ rác. Chúng ta cầm cự được 3, 4 ngày thôi, sang đến ngày sau sẽ gặp rất nhiều khó khăn".
Rác thải bị ùn ứ nghiêm trọng ở nội thành Hà Nội
Theo ghi nhận, đến sáng 14-1, tại khu vực ra vào bãi rác Nam Sơn, hàng chục người dân vẫn tập trung thay phiên nhau túc trực để ngăn không cho các xe chở rác đi vào bãi tập kết.
Người dân ở đây cho biết đây không phải là lần đầu tiên người dân chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn. Nguyên nhân cơ bản là do tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí, số người bị mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh ngoài da nhưng chính quyền TP lại chưa hề thông báo về mức đền bù hay kế hoạch di dời cho người dân biết, mặc dù trước đó Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khẳng định đến hết năm 2018 sẽ di dời người dân ở gần.
"Năm 2016, khi đó người dân cũng bức xúc nên chặn xe chở rác như hiện nay, khi đó ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch TP Hà Nội, đã về tận nơi để đối thoại với người dân và hứa trước người dân sẽ đền bù, di dời những hộ dân trong điều kiện ra khỏi khu vực bị ô nhiễm. Tuy nhiên, đến nay đã hết hạn nhưng người dân vẫn phải sống trong cảnh ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng" - bà Trần Thị Dung, nhà ở cách bãi rác Nam Sơn vài chục mét, chia sẻ.
Theo bà Dung, nhiều hộ gia đình như bà đã sống trong tình trạng ô nhiễm này suốt gần 20 năm qua, thiếu thốn đủ đường, bệnh tật ngày càng nhiều hơn. Nhiều người không chịu được nên đã đi nơi khác sinh sống.
Ông Đỗ Trọng Đệ (59 tuổi, người dân xã Nam Sơn) cho hay: "Những người thuộc thế hệ như tôi hiện nay ít nhiều đều mang bệnh về hô hấp, chúng tôi mong muốn được đền bù để di dời hoặc hãy đóng cửa bãi rác trả lại cuộc sống, môi trường cho chúng tôi như ngày trước".
Ngày 13-1, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản để giao nhiệm vụ cụ thể việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 m Khu Liên hợp xử lý chất thải huyện Sóc Sơn.
Một số hình ảnh người dân tập trung chặn các xe chở rác không cho vào bãi tập kết sáng 14-1:
Người dân thay phiên nhau canh không cho xe chở rác vào bãi tập kết
Cận cảnh khu vực bãi rác Nam Sơn
Người dân cho biết đã túc trực ở đây qua ngày thứ tư
Nhiều xe rác phải đỗ ở xa khu vực người dân tập trung
Chính quyền Hà Nội chỉ đạo các sở, ban ngành của TP nhanh chóng triển khai thực hiện triệt để các công tác để giải quyết tình trạng đang diễn ra ở bãi rác Nam Sơn.
Tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội mới đây đã thông qua nghị quyết quy định mức hỗ trợ bằng tiền đối với người dân trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường khu vực xung quanh các khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn TP.
Theo đó, đối với cá nhân trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường từ 0 m - 150 m được hỗ trợ 133.000 đồng/người/30 ngày, từ 150 - 300 m được hỗ trợ 106.000 đồng/người/30 ngày; từ 300 m - 600 m được hỗ trợ 84.000 đồng/người/30 ngày; từ 500 m - 600 m được hỗ trợ 80.000 đồng/người/30 ngày; từ 600 m - 800 m được hỗ trợ 54.000 đồng/người/30 ngày; từ 800 m - 1.000 m được hỗ trợ 27.000 đồng/người/30 ngày.
Đối với trường hợp có đất canh tác trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường, nghị quyết HĐND quyết định diện tích đất từ 0 - 500 m được hỗ trợ 170 đồng/m2/ năm; đối với khoảng cách từ 500 m - 1.000 m, hỗ trợ 102 đồng/m2/năm.
Bình luận (0)