* Phóng viên: Báo Người Lao Động đã phản ánh về tình trạng phá rừng ở Lâm Đồng. Vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo UBND tỉnh Lâm Đồng kiểm tra và xử lý các vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn. UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện chỉ đạo này thế nào, thưa ông?
- Ông Phạm S: Qua kiểm tra cho thấy tình trạng phá rừng trong những năm qua đã giảm từ diện tích rừng bị phá, số vụ vi phạm đến lâm sản vi phạm. Tuy nhiên, tỉnh Lâm Đồng nhận thấy một số vụ mang tính phức tạp, đặc biệt là ken cây rừng. Tình trạng này trước đây tập trung ở TP Đà Lạt và huyện Lạc Dương nhưng thời gian gần đây lại xảy ra một số địa bàn khác như Lâm Hà, Đam Rông, Bảo Lâm.
Huyện Đam Rông thì đã đình chỉ công tác một phó chủ tịch xã. Huyện Lâm Hà thì tỉnh cũng đã chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm của chủ tịch xã để xảy ra mất rừng. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có báo cáo giải trình với Phó Thủ tướng.
* Thủ tướng Chính phủ đã có lệnh đóng cửa rừng cách đây 2 năm nhưng vì sao Lâm Đồng vẫn để xảy ra những vụ phá rừng như trên?
- Việc đóng cửa rừng là thực hiện nghiêm tất cả dự án liên quan đến rừng, không được chuyển mục đích rừng sang trồng cây công nghiệp. Tỉnh Lâm Đồng cũng đã ra hơn 300 văn bản để chỉ đạo xử lý nghiêm về công tác này. Tuy nhiên, phá rừng là do lâm tặc. Người tự ý vào rừng, phá rừng trái phép có nhận thức giới hạn, họ cứ nghĩ rằng phá rừng, chặt cây là lấy được đất nhưng tỉnh đã chỉ đạo 100% là không để 1 vụ lấy đất sản xuất nào sau những vụ ken cây này.
* Liệu có sự tiếp tay của chính quyền địa phương trong các vụ phá rừng này?
- Đến thời điểm này, sau khi kiểm điểm trách nhiệm chính quyền địa phương, đặc biệt ở đây tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi cho rằng không có tình trạng tiếp tay bởi tỉnh Lâm Đồng thường xuyên kiểm tra chỉ đạo.
Chính tôi chủ trì nhiều cuộc họp và đã giao lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Chi cục Kiểm lâm, các huyện xã... ai đi, đi thời điểm nào, vị trí ở đâu cũng phải báo cáo và cứ đến 16 giờ ngày 25 hằng tháng phải điện trực tiếp báo cáo với văn phòng UBND tỉnh.
* Vậy sao phải kiểm điểm, đình chỉ công tác một số lãnh đạo xã?
- Trước hết vụ việc phá rừng không phải ở xa vị trí công tác. Nếu anh thường xuyên kiểm tra, phát hiện thì không để xảy ra phá rừng. Nhưng thực tế đã xảy ra nên chúng tôi gắn việc để xảy ra phá rừng thuộc vào trách nhiệm quản lý địa bàn.
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, trả lời phỏng vấn của Báo Người Lao Động Ảnh: ĐÌNH THI
* Vậy là có sự buông lỏng quản lý?
- Trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng trước hết là chính quyền các cấp. Lãnh đạo xã phải nắm địa bàn. Ở xã có kiểm lâm địa bàn. Còn có hệ thống kiểm lâm của tỉnh gồm chi cục và các hạt kiểm lâm. Bảo vệ rừng không ai sát hơn họ. Do đó, khi những vụ việc phá rừng xảy ra, tỉnh Lâm Đồng đã rà soát và giao ngành chức năng kiểm điểm trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm và lãnh đạo các xã.
* Đặt nặng trách nhiệm bảo vệ rừng cho các xã, liệu có khi nào vì sợ trách nhiệm mà địa phương đó giấu thông tin khi rừng bị phá?
- Tôi nghĩ rằng đã là cán bộ nhà nước, đảng viên thì phải tuân theo sự chỉ đạo của cấp trên, không thể giấu thông tin. Thời gian qua cũng đã thực hiện rồi. Chủ tịch nào mà sơ suất, không tập trung để mất rừng thì chủ tịch UBND tỉnh kiểm điểm trách nhiệm. Không chỉ vậy, còn phải xem xét thi đua của cơ quan, đơn vị ấy nữa.
* Báo Người Lao Động đã phản ánh tình trạng phá rừng ở tỉnh Lâm Đồng. Sau đó, địa phương và ngành chức năng cho rằng báo phản ánh không chính xác. Khi phóng viên trở lại rừng, ghi lại hình ảnh ngổn ngang gỗ rừng bị đốn hạ thì UBND huyện Đạ Tẻh và Sở NN-PTNT mới thừa nhận có phá rừng và đã khởi tố. Ông nghĩ thế nào về cách làm này của UBND huyện Đạ Tẻh và Sở NN-PTNT Lâm Đồng?
- Đúng là vụ này tỉnh đã chỉ đạo khởi tố vụ án. Bài báo viết thì đúng nội dung nhưng hình chụp cái gốc cây thì 1 năm, 2 năm nó vẫn còn mới. Tuy nhiên, thực tế thì cái gốc cây ấy đã thuộc 1 vụ án đã xử lý trước rồi. Nó chưa hoàn hảo là vậy.
* Tuy nhiên, từ vụ việc này mà Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tỉnh Lâm Đồng đã có công văn cho rằng báo chí phản ánh không chính xác và đề nghị xử lý phóng viên và hoạt động báo chí.
- Chúng tôi nghĩ rằng các cơ quan và hoạt động báo chí đều phải tuân theo luật. Sở TT-TT Lâm Đồng cũng là một cơ quan quản lý nhà nước thì tôi nghĩ Sở TT-TT có trao đổi, làm việc thế nào thì cũng phải đúng theo Luật Báo chí. UBND tỉnh quản lý, lãnh đạo toàn diện, vĩ mô, chứ không thể nắm cụ thể những việc làm của Sở TT-TT Lâm Đồng.
* Nếu chỉ kêu gọi thì sẽ rất khó giữ rừng. Theo ông, cần có những giải pháp căn cơ nào để Lâm Đồng bảo vệ rừng?
- Theo tôi, phải tập trung nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ rừng. Lâm Đồng hiện nay có trên 450.000 ha đã được giao khoán cho cộng đồng có chi trả dịch vụ môi trường rừng. Thứ nữa là phải tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng để nâng cao đời sống kinh tế của người dân. Từ đó, người dân sẽ không vào rừng đốn gỗ hoặc xâm chiếm đất rừng nữa. Hiện chúng tôi đang thí điểm ở huyện Lạc Dương.
Thu hồi 190 dự án sai phạm
Tình trạng mất rừng vừa qua cũng đã xảy ra nhiều ở những dự án mà tỉnh giao đất, giao rừng để doanh nghiệp (DN) sản xuất kết hợp bảo vệ rừng.
Theo ông Phạm S, đây là những dự án trồng rừng, cao su, nông lâm kết hợp đã có chủ trương cách đây hơn 10 năm. Lãnh đạo tỉnh lúc đó cấp nhưng chưa kiểm soát được năng lực quản trị, nguồn tài chính và lực lượng bảo vệ rừng của DN. Vì vậy, trên thực tiễn hơn 350 dự án, do các DN này không bảo đảm nên để mất rừng.
Tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở NN-PTNT và Sở Kế hoạch - Đầu tư kiểm tra, rà soát. Nếu dự án nào để mất rừng, không quản lý thì tỉnh sẽ thu hồi toàn bộ hoặc một phần dự án. Hiện tỉnh đã thu hồi 190 dự án sai phạm.
Bình luận (0)