Liên quan đến vụ phóng viên Báo Người Lao Động bị hành hung khi tác nghiệp tại khu vực BOT Trảng Bom (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), ngày 4-3, Công an huyện Trảng Bom đã thông tin kết quả điều tra bước đầu đến Báo Người Lao Động.
Sợ CSGT phạt nên ra tay đánh người (!?)
Tại buổi làm việc, thượng tá Doãn Mạnh Hùng, Phó trưởng Công an huyện Trảng Bom, thông tin khi sự việc xảy ra, Công an huyện Trảng Bom đã áp dụng đồng bộ các biện pháp xác định và truy tìm nghi phạm. "Chiều 3-3, 2 đối tượng liên quan đến vụ hành hung phóng viên Báo Người Lao Động đã đến cơ quan công an trình diện và hiện đã bị triệu tập lấy lời khai" - Phó trưởng Công an huyện Trảng Bom nói.
Hai đối tượng là Lê Duy Thanh (SN 1990, tỉnh Khánh Hòa, tạm trú xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) và Lê Đức Việt (SN 1989, tạm trú thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai).
Lê Đức Việt (trái) và Lê Duy Thanh tại cơ quan công an (Ảnh do công an cung cấp)
Theo cơ quan công an, bước đầu 2 đối tương khai nhận lúc 13 giờ ngày 20-2 (hôm xảy ra vụ việc - PV), Thanh cùng một số người uống cà phê tại một quán nước tại ấp Nhân Hòa, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom. Tại đây, Thanh gặp Việt và cùng nhậu đến gần 16 giờ thì Việt điều khiển xe máy chở Thanh. Cả 2 không đội nón bảo hiểm, lưu thông trên Quốc lộ 1 theo hướng Nam - Bắc về nhà trọ. Khi đến khu vực trạm BOT, thấy một người (tức phóng viên Nguyễn Văn Tuấn của Báo Người Lao Động - NV) đang ngồi trên dải phân cách để chụp hình, Việt nói với Thanh là người này đang ghi hình không đội nón bảo hiểm để cung cấp cho Cảnh sát giao thông nên Việt rủ Thanh quay lại đánh dằn mặt và Thanh đồng ý. Lúc này, cả 2 chạy ngược chiều, Thanh nhặt khúc gỗ dài khoảng 70 cm bên đường, chạy dọc dải phân cách đến yêu cầu phóng viên Văn Tuấn không chụp hình. Tiếp theo, Việt trèo lên dải phân cách đánh vào mặt anh Tuấn. Anh Tuấn bỏ chạy thì Việt đuổi theo nhưng không kịp, lúc này Thanh cầm khúc gỗ trèo qua dải phân cách gọi Việt quay lại và cả 2 đi về phòng trọ.
"Sau khi hành hung phóng viên, về nhà 2 đối tượng nắm tình hình vụ việc đã được người dân đăng tải lên mạng xã hội. Những ngày sau đó, Việt, Thanh không ở nhà, đi làm nghề chạy xe chở hàng về miền Trung, miền Tây" - lãnh đạo Công an huyện Trảng Bom thông tin lời khai ban đầu của 2 đối tượng hành hung, truy đuổi phóng viên khi tác nghiệp gần BOT Trảng Bom.
Khó tin!
Tại buổi làm việc, trước câu hỏi công an có trích xuất hệ thống camera trong và xung quanh khu vực Văn phòng điều hành của trạm BOT Trảng Bom để làm rõ nội dung, tính chất sự việc, động cơ, mục đích của các đối tượng, Thượng tá Doãn Mạnh Hùng nói chắc chắn sẽ thu thập tất cả cứ liệu liên quan để điều tra làm rõ theo quy định".
"Đó mới chỉ là lời khai ban đầu, điều tra viên đang tiếp tục lấy lời khai, thu thập hồ sơ và trưng cầu giám định sức khỏe của bị hại là phóng viên Nguyễn Văn Tuấn và xử lý nghiêm vụ việc theo quy định của pháp luật. Công an huyện cũng báo cáo tiến độ điều tra lên Công an tỉnh Đồng Nai và các bên liên quan theo quy định..." - thượng tá Doãn Mạnh Hùng khẳng định.
Là người đăng hình ảnh về 2 đối tượng đánh phóng viên Báo Người Lao Động lên mạng xã hội Facebook, sau đó bị các đối tượng gọi điện thoại đe dọa buộc phải gỡ, khi đọc lời khai ban đầu của đối tượng Việt và Thanh trên Báo Người Lao Động điện tử, ông T. bức xúc nói: Lời khai như vậy là rất khó tin và không phù hợp với những gì tôi chứng kiến!
Ông T. phân tích nơi phóng viên đứng chụp ảnh là giữa tim đường để làm rõ dải phân cách cứng giữa đường làm khổ dân bao nhiêu năm nay. Thử hỏi, có bao giờ người chụp ảnh, quay video cho CSGT lại đứng giữa tim đường. "Chỉ riêng tình tiết này thôi đã thấy 2 đối tượng hành hung phóng viên đã khai không đúng" - ông T. nhận xét. Kế đến, theo ông T., khi phóng viên mới ra chụp ảnh khoảng 1 phút đã bị 2 đối tượng chạy xe máy tới rồi có lời lẽ đe dọa, tấn công bằng gậy gỗ, chứng tỏ các đối tượng đã chuẩn bị sẵn, biết phóng viên phỏng vấn các hộ dân và chỉ chờ phóng viên ra chụp ảnh là hành hung, truy đuổi.
Tương tự, khi nhắc lại vụ việc, một phụ nữ bán nước giải khát gần hiện trường (đề nghị giấu tên) cho rằng 2 đối tượng tấn công phóng viên Nguyễn Văn Tuấn không coi ai ra gì. "Khi thấy phóng viên Nguyễn Văn Tuấn bị tấn công, một số người dân nói với 2 đối tượng này: "Nhà báo đó, sao dám đánh?". Lúc này, một đối tượng hùng hổ tuyên bố: Gặp ai chụp ảnh cũng đánh, nhà báo thì càng "xử" nặng hơn" - người phụ nữ kể.
Người phụ nữ này bình luận không ai rảnh đi làm chuyện hành hung phóng viên, phải có người thuê, chỉ đạo thì họ mới làm, vì vậy công an cần điều tra thật kỹ động cơ, mục đích để tìm ra chân tướng vụ việc. "Đọc xong lời khai của 2 đối tượng mà tôi cứ nghĩ chuyện thật như đùa" - người phụ nữ nhận xét sau khi đọc thông tin về lời khai của đối tượng liên quan vụ hành hung phóng viên Báo Người Lao Động khi đang tác nghiệp ở khu vực trạm BOT Trảng Bom.
Tiếp tục yêu cầu trưng cầu giám định
Ngày 4-3, làm việc với Công an huyện Trảng Bom với tư cách là người bị hại, ông Nguyễn Văn Tuấn tiếp tục đề nghị Công an huyện Trảng Bom trưng cầu giám định thương tật, khởi tố vụ án liên quan đến việc phóng viên đang tác nghiệp bị đánh thương tích gần trạm BOT Trảng Bom theo đúng quy định của pháp luật.
Lý do, trước đó, vào ngày 24-2, phóng viên Nguyễn Văn Tuấn đã gửi đơn tố giác tội phạm về hành vi cố ý gây thương tích đối với 2 đối tượng hành hung, truy đuổi phóng viên tới Công an huyện Trảng Bom, VKSND huyện Trảng Bom. Đồng thời, gửi đơn yêu cầu giám định tỉ lệ thương tật tới Công an huyện Trảng Bom và VKSND huyện Trảng Bom. Cả 2 đơn trên đã được Công an huyện và VKSND cùng cấp tiếp nhận cùng các giấy tờ kèm theo là giấy ra viện, CMND...
Theo nội dung đơn đã gửi, nhận thấy hành vi của 2 đối tượng có dấu hiệu phạm tội "Cố ý gây thương tích" hoặc "Gây tổn hại cho sức khỏe người khác" quy định tại điều 134 Bộ Luật Hình sự. "Căn cứ điều 207 Bộ Luật Tố tụng hình sự, tôi đề nghị Cơ quan CSĐT Công an huyện Trảng Bom ra quyết định trưng cầu giám định tỉ lệ thương tích đối với tôi để làm căn cứ xử lý vụ án một cách khách quan, đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật", phóng viên Nguyễn Văn Tuấn viết trong đơn
Cố tình kéo dài thời gian?
Trở lại việc liên quan đến dải phân cách cứng phía Đông trước trạm BOT Trảng Bom, đến chiều 4-3, nhiều người đã bức xúc và cho rằng nhà đầu tư BOT Trảng Bom cố tình kéo dài thời gian dỡ dải phân cách khiến họ vẫn phải mất 2 vé mỗi khi quay đầu xe, dù trước đó Cục Quản lý đường bộ IV ra văn bản yêu cầu hoàn thành trước ngày 26-2.
Vừa gặp chúng tôi, ông Thanh - người thường xuyên mua cá giống ở cơ sở gần trạm BOT Trảng Bom - bức xúc kể cứ nghĩ từ ngày 27-2 là ông không phải mất tiền mua vé qua trạm vì dải phân cách đã được dỡ. "Quả thật, tôi đã lầm, đến hôm nay đã là ngày 4-3 rồi nhưng tôi vẫn phải mất 48.000 đồng để quay đầu xe" - ông Thanh ngao ngán. Ông nói có vẻ họ (tức BOT Trảng Bom - PV) cố tình kéo dài được ngày nào hay ngày đó để thu cho bằng được!
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thành - Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV cho biết đúng là cục có ra văn bản như trên để đốc thúc nhà đầu tư BOT làm nhanh nhất có thể. "Tuy nhiên, thực tế, theo văn bản của nhà đầu tư BOT phản hồi với cục, phía nhà đầu tư BOT cho rằng cần có thời gian gần 10 ngày (trước 10-3) để làm các bước như lên phương án, làm vạch kẻ đường, biển báo, phát sinh các vấn đề khác rồi đúc dải phân cách để lắp vào khu vực thu hẹp dải phân cách" - ông Thành nói.
Trước việc phải mất cả chục ngày cho việc dỡ dải phân cách cứng của nhà đầu tư BOT Trảng Bom, ông Thanh nói thẳng: Đó là "câu giờ", bởi thực tế việc trên chỉ làm "nhoáng cái là xong! "Hãy nhớ, cũng tại đây, năm 2017, nhà đầu tư cũng dỡ dải phân cách khoảng 200 m gần trụ sở UBND xã Trung Hòa chỉ trong mấy giờ là xong. Vậy mà bây giờ "đòi" đến cả chục ngày thì không phải "câu giờ" là gì?" - ông Thanh bức xúc và đề nghị các bên liên quan xem lại việc này.
Bình luận (0)