Ngày 21-6, phiên tòa xét xử phúc thẩm ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐQT/HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cùng 6 đồng phạm kháng cáo trong vụ án góp vốn 800 tỉ đồng của PVN vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) tiếp tục phần xét hỏi, sau khi tạm dừng vào chiều 20-6.
Chi lãi ngoài hàng trăm tỉ?
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Ninh Văn Quỳnh (cựu kế toán trưởng PVN) có vai trò đồng phạm với bị cáo Đinh La Thăng về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" khi PVN góp vốn lần 3 vào OceanBank. Bị cáo Quỳnh còn bị quy kết đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt 20 tỉ đồng do Nguyễn Xuân Sơn (cựu Phó Tổng giám đốc PVN) đưa để "chăm sóc" lãnh đạo PVN. Bị cáo bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 7 năm tù tội cố ý làm trái, 16 năm tù tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt 23 năm tù; liên đới bồi thường cho PVN 100 tỉ đồng do hành vi cố ý làm trái.
Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa Ảnh: TTXVN
Tại tòa, Ninh Văn Quỳnh tiếp tục khẳng định có nhận 20 tỉ đồng từ bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (thời điểm này, làm tổng giám đốc OceanBank). Số tiền trên bị cáo không nộp vào PVN mà "đút túi" để chi các khoản như mua căn hộ, đầu tư chứng khoán, sắm ôtô, cho con đi du học…. "Đến nay bị cáo đã nộp lại toàn bộ cho cơ quan CSĐT và người nhà cũng nộp thêm 200 triệu đồng khắc phục hậu quả của vụ án đang xét xử" - bị cáo Quỳnh nói.
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khai khoản tiền đã đưa cho bị cáo Quỳnh là tiền để chăm sóc khách hàng. Đáng chú ý, khoản tiền này là 180 tỉ đồng chứ không phải 20 tỉ đồng như khẳng định của bị cáo Quỳnh. Tuy nhiên, bị cáo Sơn nói việc đưa tiền không có chứng từ ghi chép.
Cựu phó tổng giám đốc PVN còn khai bỏ tiền mua một căn nhà cho con trai ông Quỳnh. "Bị cáo mua căn nhà do Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank) làm chủ đầu tư, bị cáo có trừ khoản tiền đó vào tiền chăm sóc khách hàng. Ông Hà Văn Thắm làm hợp đồng mua bán căn hộ cho con trai ông Quỳnh" - ông Sơn khai.
Theo ông Sơn, đây là tiền của OceanBank dùng chăm sóc khách hàng PVN, tức là chi phí để nâng cao mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng. Thời điểm đó, do Ngân hàng Nhà nước khống chế trần lãi suất nên các ngân hàng đua nhau chi lãi suất ngoài hợp đồng với khách hàng.
Ông Thăng thừa nhận ký thỏa thuận góp vốn
Theo bản án sơ thẩm, ông Đinh La Thăng với chức vụ chủ tịch HĐQT PVN thời điểm năm 2008 đã có hành vi ký thỏa thuận hợp tác tham gia góp vốn vào OceanBank với Hà Văn Thắm nhưng không thông qua HĐQT. Ông Thăng còn quyết định việc góp vốn khi biết rõ năng lực yếu kém của OceanBank, ký ban hành nghị quyết thực hiện các lần góp vốn, bổ sung vốn góp khi chưa được sự đồng ý của Thủ tướng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Thăng thừa nhận bị cáo là người ký Thỏa thuận số 6934 (thỏa thuận góp vốn vào OceanBank) không thông qua HĐQT. Nội dung thỏa thuận do ban tổng giám đốc PVN cùng ban trù bị thành lập Ngân hàng TMCP Hồng Việt soạn thảo. Bị cáo Thăng cũng thừa nhận Nghị quyết số 7289 góp vốn vào OceanBank cũng do bị cáo ký ban hành, do thư ký HĐTV đệ trình. Tuy nhiên, trước khi ký có tổ chức cuộc họp HĐTV ngày 30-9-2008 và có biên bản kèm theo.
HĐXX hỏi khi ra nghị quyết số 7289, Thủ tướng đã có ý kiến chưa? Bị cáo Thăng đáp: "Ký văn bản này nằm trong chủ trương Chính phủ đã có, cho phép thành lập Ngân hàng Hồng Việt. Sau đó, Chính phủ thay đổi chính sách, dừng việc thành lập Ngân hàng Hồng Việt. Để giải quyết hệ lụy từ việc không thành lập được Ngân hàng Hồng Việt, tôi đã ký văn bản này trên cơ sở sự thống nhất của HĐQT".
HĐXX tiếp tục truy hỏi: Tại thời điểm ký nghị quyết 7289, Thủ tướng đã có ý kiến gì về chủ trương để PVN tham gia góp vốn vào vốn điều lệ của OceanBank? Bị cáo Thăng trả lời: "Việc góp vốn vào OceanBank đều được sự đồng ý của Thủ tướng".
Ông Thăng cho rằng bản án sơ thẩm không đánh giá việc vào tháng 8-2011, bị cáo đã rời khỏi PVN và OceanBank hoạt động có hiệu quả và được chia cổ tức đến năm 2013. Vì vậy, bị cáo không thể chịu trách nhiệm hình sự, dân sự khi OceanBank bị mua 0 đồng khi bị cáo đã chấm dứt quyền và nghĩa vụ của mình tại PVN từ tháng 8-2011.
Bắt 4 cựu lãnh đạo doanh nghiệp thuộc PVN
Ngày 21-6, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam các bị can gồm: Từ Thành Nghĩa (56 tuổi), cựu Tổng Giám đốc Liên doanh Dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro (VSP); Võ Quang Huy (57 tuổi), cựu Chánh Kế toán VSP; Đinh Văn Ngọc (45 tuổi), cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Nguyễn Tuấn Hùng (47 tuổi), cựu Trưởng Ban Tài chính Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP), về hành vi "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản". Cùng ngày, VKSND Tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh nêu trên.
Việc ra các quyết định khởi tố, bắt, tạm giam các bị can nhằm phục vụ điều tra 3 vụ án "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại PVEP, BSR và VSP. Vụ án thuộc diện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.
NG.HƯỞNG
Bình luận (0)