Sau khi Báo Người Lao Động đăng bài "Rút kiệt sông rồi đổ lỗi cho nhau" (số ra ngày 24-3), cùng ngày, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, UBND huyện Kon Rẫy và các doanh nghiệp làm thủy điện tổ chức họp bàn làm rõ trách nhiệm của các bên, đồng thời tìm giải pháp cấp nước cho hàng trăm hecta cây trồng của người dân bị thiếu nước tưới.
Xả nước sai quy trình
Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy, cho biết từ khi thủy điện Thượng Kon Tum (Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh là chủ đầu tư) tích nước tạm để nghiệm thu hạng mục cụm đầu mối (đập dâng, đập tràn, cửa nhận nước) và thử nghiệm thiết bị thì hơn 116 ha cây trồng của người dân tại 2 xã ven sông Đắk Snghé của huyện này bị ảnh hưởng nặng nề.
Trong khi đó, ông Lê Thanh, Phó Ban Quản lý dự án (QLDA) của Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh, cho rằng thủy điện Thượng Kon Tum tích nước, thời tiết khô hạn chỉ là một phần nguyên nhân dẫn đến việc người dân vùng hạ du thiếu nước tưới. Nguyên nhân chính là do thủy điện Đắk Ne (Công ty CP Đầu tư năng lượng Trường Thịnh làm chủ đầu tư) chặn dòng, xả tập trung để phát điện mà không xả nước thường xuyên như phương án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phê duyệt. "Nếu thủy điện Đắk Ne xả nước thường xuyên với lưu lượng 1,29 m3/giây đã phê duyệt thì chắc chắn người dân sẽ không bị thiếu nước tưới như thời gian vừa qua" - ông Thanh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Phòng Quản lý năng lượng thuộc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, cho rằng nếu thủy điện Đắk Ne xả nước thường xuyên lưu lượng 0,5 m3/giây thì người dân sẽ không thiếu nước tưới. Ông Quang quả quyết: "Tôi đã nhiều lần gọi điện yêu cầu, thậm chí "gần như năn nỉ" đơn vị này xả nước thường xuyên nhưng họ không chấp hành".
Ngược lại, ông Nguyễn Văn Quân, thành viên HĐQT Công ty CP Đầu tư năng lượng Trường Thịnh, đổ lỗi cho thủy điện Thượng Kon Tum. Theo ông Quân, từ khi thủy điện này tích nước thì lưu lượng nước đổ về chỉ 0,75 m3/giây nên thủy điện Đắk Ne không thể có nước để xả thường xuyên như phương án là 1,29 m3/giây. Thực tế, nhà máy có 3 tổ máy nhưng 1 tổ xả công suất cũng chỉ đạt 60%-80%.
Người dân huyện Kon Rẫy tìm cách cứu cây trồng bằng cách thay phiên nhau bơm nước
Chưa xác định thời gian có nước
Ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, cho biết việc thủy điện Thượng Kon Tum tích nước tạm trong thời gian 60 ngày đã được sự đồng ý của UBND tỉnh Kon Tum. Dự kiến đến ngày 27-4, khi tích đủ cao trình 1.136,25 m thì sẽ có nước xả về phía hạ du.
Nhưng trước tình hình khô hạn, ông Nhất cũng không dám chắc đến thời điểm trên có xả nước "giải cứu" hạ du hay không. "Khoảng 60 ngày chưa chắc đã tích đủ nước đến cao trình vì kiểm tra thực tế thì còn khoảng 12 m nữa mới tới cống xả ra môi trường" - ông Nhất băn khoăn.
Để giải quyết nhu cầu nước tưới của người dân, ông Nhất yêu cầu thủy điện Đắk Ne chỉ tích nước từ 20 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau và xả nước liên tục vào ban ngày để bảo đảm nước tưới vùng hạ du. Khi tích nước vẫn phải bảo đảm dòng chảy duy trì liên tục. Ông Nhất còn đề nghị UBND huyện Kon Rẫy giám sát việc xả nước của thủy điện Đắk Ne, thông báo cho người dân biết để có kế hoạch sử dụng nước. Đồng thời, phối hợp cùng thủy điện Thượng Kon Tum rà soát thiệt hại của người dân để có phương án hỗ trợ, đền bù thiệt hại cho người dân trước ngày 31-3 để tránh tình trạng người dân bức xúc, khiếu kiện.
Riêng thủy điện Thượng Kon Tum phải hỗ trợ thiệt hại về cây trồng cho người dân, sau khi tích đủ nước thì phải xả như phương án đã được Bộ TN-MT phê duyệt với lưu lượng từ 3,3 m3/giây đến 5,8 m3/giây (tùy tháng). Ngoài ra, Ban QLDA khai thác công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum lên phương án, xây dựng làm đập chắn dòng kiên cố để đưa nước về mương dẫn cho người dân tưới cây.
Trong lúc đợi các bên tìm hướng giải quyết, người dân huyện Kon Rẫy phải cật lực tìm cách cứu hàng trăm hecta cây trồng bằng cách thay nhau trực bơm nước tưới cây khi thủy điện xả nước.
Bình luận (0)