Trưa 30-12, thẫn thờ sau vụ sạt lở nghiêm trọng cướp đi mạng sống 3 người, ông Hà Tấn Lực (SN 1965) với khuôn mặt nhiều vết trầy xướt, ánh mắt mất hồn ngồi cạnh thi thể người thân quàng tại nhà văn hóa thôn Khánh Thành Nam (xã Suối Cát).
Ông kể lại khoảng nửa đêm, con gái ông hét lớn xé toạc màn đêm: "nhà sập rồi". Ông nghe tiếng ầm ầm nên vùng dậy nhưng vừa ra khỏi phòng ngủ thì chân bị vật gì đè nặng lên không chạy được.
Ông Lực đau khổ kể lại vụ việc
"Trời tối đen như mực, mưa không ngớt. Tôi cố thoát ra khỏi vùng bùn nghe tiếng con gái kêu cứu. Khoảng 20 phút tôi mới cứu con Hạnh (SN 1995) khỏi đống đổ nát. "Lần mò trong đống đổ nát, bùn lầy, chúng tôi gọi nhưng gọi đến lạc giọng vẫn không nghe tiếng đáp trả…"- giọng ông Lực nghẹn lại.
Người dân tập trung ở nhà văn hóa thôn Khánh Thành Nam lo hậu sự cho 3 người trong gia đình ông Lực
Ông Lê Phước Vinh – trưởng công an xã Suối Cát, một trong những người đầu tiên có mặt tại hiện trường, cho biết khoảng 0h40 khi đến hiện trường, chúng tôi chỉ thấy cảnh tan hoang. Nghe còn 3 người bị kẹt, lực lượng cứu nạn lao vào đào bới, tìm kiếm. Khoảng 2 giờ sáng, phát hiện bà Ngô Thị Hưng (SN 1966) vợ ông Lực bị tường đè, thì đất núi tiếp tục sạt lở nên anh em phải bỏ chạy thoát thân.
Hiện trường vụ sạt lở khiến 3 người tử vong
"Một lượng lớn đất đá trong đợt sạt lở thứ hai lấp ngôi nhà nên phải báo lên cấp trên để huy động thêm lực lượng. Đến 9 giờ sáng nay mới tìm được xác chị Hà Thị Kim Liên (SN 1997). Nạn nhân này ngủ ở phòng sát điểm sạt lở nên bị đất đá vùi lấp"- ông Vinh cho biết thêm.
Vụ sạt lở khiến 3 người trong gia đình ông Lực là bà Ngô Thị Hưng (SN 1966, vợ), chị Hà Thị Kim Liên (SN 1997, con gái ông Lực), và cháu Trần Bảo Hân (11 tháng tuổi, cháu ngoại ông Lực) tử vong. Ông Nguyễn Hữu Hảo - Chủ tịch huyện Cam Lâm, cho biết ngay khi sự việc xảy ra, chính quyền đã huy động lực lượng đến hỗ trợ, chia sẻ, động viên người thân những người bị nạn. Mọi chi phí cho tang lễ chính quyền địa phương đứng ra lo liệu. "Người dân không thể ở lại nơi sạt lở nên buộc phải di chuyển đến nơi ở mới. Hiện chúng tôi đang lên phương án tìm một quỹ đất và vận động kinh phí xây nhà cho những người này", ông Hảo cho biết.
Khu vực sạt lở không thể ở lại
Sáng cùng ngày, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND Khánh Hòa cũng đã có mặt tại hiện trường để kiểm tra, xử lý vụ việc. UBND tỉnh Khánh Hòa đã có công điện yêu cầu các địa phương, sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm Thông báo số 147 ngày 26-12-2018 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh. Kiểm tra và triển khai ngay phương án sơ tán dân tại các khu vực xung yếu; kiên quyết sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn, cần thiết phải cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra trường hợp có người chết do không được di dời, sơ tán kịp thời.
Đưa thi thể nạn nhân ra khỏi vụ sạt lở
Ông Lê Đức Vinh (mũ trắng) có mặt tại hiện trường kiểm tra, chỉ đạo việc cứu nạn vào sáng 30-12
Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa cho biết từ ngày 28-12, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, ở Khánh Hòa xuất hiện mưa to lượng mưa phổ biến khoảng 100mm. Khu vực 3 nạn nhân thiệt mạng ở xã Suối Cát là vùng đồi thấp, không có khả năng tập trung lũ, dân cư ở dưới đồi thưa thớt. Do mưa liên tục đã khiến bão hòa nước, gây sạt lở. Vụ sạt khiến 2 nhà sập hoàn toàn và 1 nhà hư hỏng nhẹ.
Ngoài vụ việc nghiêm trọng kể trên, ở Khánh Hòa cũng xảy ra tình trạng chia cắt khi cầu tràn Thác Ngựa ngập nặng, người dân xã Khánh Nam (huyện Khánh Vĩnh) không thể ra thị trấn; đèo Khánh Sơn sạt lở nhiều điểm; Quốc lộ 27C nối Nha Trang- Đà Lạt sạt trên 2.000m3 đất đá.
Bình luận (0)