Nguồn tin của Báo Người Lao Động ngày 12-1 cho biết Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan đang rà soát toàn bộ quy trình bán đấu giá tài sản 4 lô đất tại Thủ Thiêm, trong đó có lô đất mà Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (gọi tắt Công ty Ngôi Sao Việt - thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá.
Chấp nhận mất hàng trăm tỉ đồng để làm gì?
Chiều 12-1, Chánh Văn phòng UBND TP HCM Đặng Quốc Toàn, người phát ngôn của UBND thành phố, cho hay vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản chính thức nào của Tập đoàn Tân Hoàng Minh hay Công ty Ngôi Sao Việt về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất 3-12, khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm.
"Việc đấu giá các lô đất được TP HCM tiến hành chặt chẽ, đúng chủ trương, quy định của pháp luật. Quá trình tổ chức đấu giá cũng tiến hành chặt chẽ theo đúng quy định và diễn ra công khai, minh bạch" - ông Đặng Quốc Toàn khẳng định. Các bên và các đơn vị có liên quan đang trong quá trình thực hiện kết quả của đấu giá, căn cứ theo hợp đồng và quy định pháp luật. Theo ông Đặng Quốc Toàn, trong khả năng và thẩm quyền của mình, TP HCM tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trúng đấu giá thực hiện sớm dự án đồng thời kiên quyết chống "thổi giá", chống đầu cơ đất đai. Thành phố luôn theo dõi cũng như có biện pháp cần thiết để quản lý và điều tiết thị trường.
Ngày 11-1, lãnh đạo Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có thư xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất đã trúng thầu với giá 24.500 tỉ đồng ở Thủ Thiêm và chấp nhận mọi chế tài. Theo Luật Đấu giá tài sản, Công ty Ngôi Sao Việt có thể phải mất khoản tiền đặt trước gần 588,5 tỉ đồng.
Trước đó, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng (NH) II (thuộc Cơ quan Thanh tra, Giám sát NH - NH Nhà nước) đã gửi văn bản yêu cầu một số NH rà soát và báo cáo hoạt động cho vay, bảo lãnh dự thầu đối với các khách hàng tham gia/trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ngày 12-1, NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội khẳng định không cấp tín dụng cho các khách hàng để tham gia đấu giá, trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở Thủ Thiêm. NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng cho biết đến ngày 7-1, NH chưa phát sinh bất kỳ khoản cấp tín dụng nào đối với các doanh nghiệp (DN) và cá nhân để tham gia đấu giá các lô đất ở Thủ Thiêm.
Các lô đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP HCM) vừa được đấu giá. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo phụ trách tài chính của một DN bất động sản (BĐS) lớn ở TP HCM cho hay nhiều DN đang bàn tán việc một số tổ chức tài chính, DN lớn từng có ý định hỗ trợ tiến độ nộp tiền cho các DN trúng đấu giá đất ở Thủ Thiêm. Với kết quả đấu giá 2,4 tỉ đồng/m2 đất, các DN trúng đấu giá đất kỳ vọng mức giá này sẽ kéo giá BĐS ở TP HCM và nhiều tỉnh, thành tăng mạnh. Khi đó, DN sẽ tìm cách định giá lại các tài sản là BĐS để được vay vốn NH với số tiền nhiều hơn nhằm có thêm tiền thanh toán các lô đất trúng đấu giá. Mặt khác, DN có thể viện dẫn một lý do nào đó để xin các cơ quan có thẩm quyền gia hạn thời hạn nộp tiền trúng đấu giá và xin điều chỉnh quy hoạch đất sao cho việc đầu tư, kinh doanh tại Thủ Thiêm không thua lỗ.
"Đến nay, có lẽ không xoay xở được dòng tiền nên 1 trong 4 DN trúng đấu giá đất phải "bỏ chạy" khỏi lô đất vàng" - vị lãnh đạo phụ trách tài chính DN BĐS nói.
Theo TS Nguyễn Văn Thuận (Trường ĐH Tài chính - Marketing), có thể công ty đưa ra mức giá không tưởng để trúng đấu giá đất rồi xin hủy hợp đồng mua bán, chấp nhận mất hơn 588 tỉ đồng đặt cọc với mục đích đẩy giá đất ở các khu vực lân cận lên cao, nhằm bù đắp số tiền đặt cọc đã mất. Còn DN chưa bỏ đặt cọc thì có thể căn cứ vào kết quả trúng đấu giá thế chấp lô đất đó vay NH nhằm có đủ tiền thanh toán cho bên bán.
"Có thể vì thế mà NH Nhà nước yêu cầu các NH thương mại báo cáo quan hệ tín dụng, bảo lãnh dự án, đầu tư trái phiếu… đối với 4 DN đã trúng đấu giá đất ở Thủ Thiêm nhằm kiểm soát và hạn chế dòng tiền dồn vào BĐS, phù hợp với định hướng tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất hàng hóa xuất khẩu, tiêu dùng…" - ông Thuận nói.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của DN này đồng thời tác động đến thị trường BĐS. TP HCM sẽ gặp khó khăn khi đấu giá các lô đất tiếp theo tại Thủ Thiêm vì nếu đưa ra giá đấu quá cao thì nhà đầu tư sẽ hạn chế tham gia đấu giá.
Nên tăng mạnh tỉ lệ đặt cọc
Theo TS Lê Đạt Chí (Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM), Tập đoàn Tân Hoàng Minh phải có trách nhiệm, cân nhắc trong từng phương án kinh doanh khi đưa ra mỗi mức giá tham gia đấu giá. Việc từ bỏ quyền thực hiện kết quả đấu giá, đưa đến một tiền lệ xấu cho các hoạt động đấu giá tiếp theo.
Về thị trường BĐS, việc tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm và chấp nhận mất cọc của Tân Hoàng Minh có thể để tạo ra một mặt bằng giá đất mới. Điều này không chỉ có lợi trực tiếp cho những tài sản của Tân Hoàng Minh mà còn tạo ra hệ lụy với một mức giá nhà đất nói chung bị đẩy lên cao và có thể là "bong bóng BĐS".
Tác động của việc đẩy giá BĐS đã gây ra "cục máu đông" nợ xấu cho hệ thống tài chính. Không chỉ dừng lại ở tác động trên mà còn các khía cạnh khác của nền kinh tế như đóng băng thị trường BĐS, suy giảm tăng trưởng kinh tế, quyền mưu cầu nhà ở của người dân… Do vậy, việc Tân Hoàng Minh từ bỏ việc thực hiện kết quả đấu giá từ mức giá bất thường nên được xem xét dưới nhiều quy định của luật pháp khác chứ không nên dừng lại ở luật đấu giá.
Để không tái diễn trường hợp xin hủy hợp đồng đấu giá đất, TS Nguyễn Văn Thuận đề xuất nhà nước tăng tỉ lệ đặt cọc từ 20% lên 40%-50% so với giá khởi điểm. Như vậy, DN tham gia đấu giá sẽ cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa ra giá đấu. Mặt khác, nhà nước có thể công bố quy hoạch lô đất đấu giá theo hướng tốt nhất, đưa ra mức giá khởi điểm hợp lý để DN tính toán đưa ra giá đấu phù hợp, không làm xáo trộn thị trường BĐS lẫn nền kinh tế.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn kiến nghị nhà nước bổ sung các điều khoản xử phạt khi nhà đầu tư trúng đấu giá nhưng bỏ cọc và bổ sung quy định DN từng bỏ cọc trúng đấu giá nhiều lần thì hạn chế tham đấu giá các lần tiếp theo. Nếu nhà nước chứng minh được việc này có suy tính trước, có lợi ích riêng thì có thể xử phạt thật nặng vì điều này ảnh hưởng rất xấu cho thị trường BĐS và nền kinh tế.
Cần có tội danh về "lũng đoạn thị trường BĐS"
Đại biểu Quốc hội (QH) Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, đề nghị như trên trước việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh xin hủy hợp đồng trúng đấu giá lô đất ở Thủ Thiêm.
Theo ông Lê Thanh Vân, có những quy định hiện hành dễ bị lạm dụng như tự do được bỏ thầu. Luật Đấu thầu, Luật Đấu giá tài sản cần được xem xét sửa đổi, đặc biệt là vấn đề liên quan đến đấu giá đất. "Cách đây ít hôm, tôi đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Trong Bộ Luật Hình sự hiện nay có những tội danh liên quan đến BĐS nhưng chưa có tội danh về "lũng đoạn thị trường BĐS". Do đó cần nhận diện vì thực tiễn cuộc sống đang đặt ra nhiều vấn đề cần quản lý chặt hơn bởi nó tác động rất lớn đến xã hội, đời sống của nhân dân, tác động đến trật tự xã hội, quản lý của nhà nước và tác động đến một trong những thị trường mạnh nhất của nền kinh tế đó là thị trường BĐS" - ông Lê Thanh Vân nói.
V.Duẩn
Xác minh 11 dự án của Tân Hoàng Minh
Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an) vừa có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đề nghị cung cấp các văn bản pháp lý do UBND TP Hà Nội ký, duyệt liên quan đến 11 dự án của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Các sở của TP Hà Nội cung cấp toàn bộ hồ sơ tài liệu liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư; quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất; nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước liên quan đến 11 dự án.
Các dự án mà Bộ Công an đề nghị cung cấp tài liệu gồm: D’.Le Pont D’or Hoàng Cầu; D’. Palais Louis Nguyễn Văn Huyên; D’. Le Roi Soleil Quảng An, Tây Hồ; D’. San Raffles Hàng Bài; Tân Hoàng Minh Đại Cồ Việt - D’. Jardin Royal...
Ng.Hưởng - H.Thanh
Bình luận (0)