Ngày 27-5, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Đắk Lắk đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Trịnh Quang Trí, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Lắk, để điều tra về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan đến vụ "thổi giá" kit xét nghiệm của Công ty Việt Á.
Cùng bị khởi tố còn có 4 cán bộ, nhân viên của CDC Đắk Lắk, gồm: ông Trần Thanh Mỹ (Trưởng Phòng Tài chính - Kế toán), ông Đặng Minh Tuyết (Phó Khoa Xét nghiệm), bà Trần Thị Nguyên Hằng (nhân viên Khoa Xét nghiệm), bà Trần Thị Mai Anh (nhân viên Khoa Dược). Trong đó, Cơ quan CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk quyết định bắt tạm giam đối với các ông Trí, Mỹ và bà Hằng.
Ngoài ra, cơ quan trên còn khởi tố bà Đinh Lê Lê Na (nhân viên kinh doanh của Công ty Việt Á tại Đắk Lắk và Tây Nguyên) để điều tra về hành vi đưa hối lộ.
Ông Trịnh Quang Trí (áo trắng) bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng
Theo kết quả điều tra ban đầu, từ tháng 7-2020 đến tháng 11-2021, CDC Đắk Lắk tạm ứng 87.497 kit xét nghiệm Covid-19 của nhiều công ty, trong đó có hơn 63.000 kit của Công ty Việt Á. Quá trình thanh toán, các cá nhân thuộc CDC Đắk Lắk đã hợp thức hóa hồ sơ bằng 4 gói thầu mua sắm và thanh toán hơn 13 tỉ đồng. Cơ quan công an xác định CDC Đắk Lắk đã thanh toán cho Công ty Việt Á và một số công ty khác với đơn giá cao hơn nhiều so với giá thành chi phí sản xuất thực tế của Công ty Việt Á, gây thiệt hại tài sản của nhà nước hơn 6 tỉ đồng.
Sau khi CDC Đắk Lắk thanh toán, Công ty Việt Á đã chuyển cho bà Đinh Lê Lê Na để chi cho các cá nhân tại CDC Đắk Lắk với tổng số tiền hơn 3 tỉ đồng. Trong đó, chi cho ông Trí hơn 1,32 tỉ đồng, ông Mỹ hơn 240 triệu đồng, ông Tuyết 81 triệu đồng và bà Hằng hơn 1,36 tỉ đồng.
Trước đó, vào tháng 12-2021, sau khi lãnh đạo Công ty Việt Á bị bắt, trao đổi với phóng viên, ông Trí cho rằng chọn mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á là vì đơn vị tiếp nhận 1 máy xét nghiệm PCR từ một doanh nghiệp mua máy của Công ty Việt Á trao tặng. Khi các bộ phận chuyên môn trình hồ sơ mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á, ông Trí nhất trí. Theo ông Trí, cơ sở để duyệt mua là vì thông tin về giá cả được đăng tải công khai và đã được Bộ Y tế cho phép. Vả lại, đây là doanh nghiệp Việt Nam, kit sản xuất trong nước sử dụng sẽ an toàn.
Về quy trình thủ tục, ông Trí khẳng định thực hiện theo đúng quy định. Cụ thể, sau khi đơn vị lập kế hoạch thì trình lên Sở Y tế rồi sở trình lên UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt. CDC Đắk Lắk thuê đơn vị độc lập thẩm định giá gói thầu rồi trình lên Sở Tài chính thẩm định và phê duyệt giá, sau đó trình Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra lại quy trình rồi mới thực hiện. Ông Trí cho rằng chưa gặp người của Công ty Việt Á. Khi phóng viên hỏi có nhận "hoa hồng" của Công ty Việt Á hay không thì ông Trí không trả lời thẳng mà chỉ... lắc đầu.
Cùng thời điểm trên, ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, khẳng định từ lựa chọn đấu thầu đến thẩm định giá đều thực hiện qua tất cả các bước. "Do vậy, việc nhận "hoa hồng", tôi bảo đảm sẽ không có chuyện này" - ông Nay Phi La nói.
Với việc cấu kết, thông đồng thông qua hình thức tạm ứng trước, thanh toán sau kit xét nghiệm của Công ty Việt Á với giá cao, nhiều CDC, cán bộ ngành y tế đã vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.
Đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Công an các địa phương đã khởi tố 55 người, trong đó có một số lãnh đạo, cán bộ của các bộ, ngành, sở y tế và CDC nhiều địa phương.
Bình luận (0)