Theo quy định hiện hành, việc đào tạo bằng ĐH thứ hai chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) hoặc của các ĐH đối với các trường thành viên hay khoa trực thuộc. Thế nhưng, dù không được phép đào tạo, Trường ĐH Đông Đô vẫn "bán bằng" cho người học nhiều năm với giá vài chục triệu đồng.
Đóng tiền là có bằng
Do nhu cầu cần văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ phục vụ cho kỳ thi tuyển, thi nâng ngạch viên chức, công chức theo quy định của Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ nên hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô Dương Văn Hòa cùng một số cán bộ trong trường đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng ĐH thứ 2 hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh cho các học viên. Để thu hút học viên, Trường ĐH Đông Đô ra thông báo chiêu sinh với những lời giới thiệu hấp dẫn về lợi ích, như: được miễn thi môn tiếng Anh trong việc thi tuyển, thi chuyển ngạch công chức, viên chức, thi đầu vào, đầu ra trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, giảng viên, giảng viên chính, chuyên viên, chuyên viên chính…
Ngoài ra, để cạnh tranh với các trường khác, Trường ĐH Đông Đô đã chủ trương liên kết với các trung tâm đào tạo bên ngoài để tuyển sinh. Mức học phí áp dụng đối với loại hình văn bằng 2 tiếng Anh do hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô ký năm học 2018-2019 có mức thu toàn khóa học từ 29,82-35 triệu đồng. Từ năm 2018, hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô đã công nhận 2 đợt tốt nghiệp cho hàng trăm sinh viên văn bằng 2 tiếng Anh. Theo cơ quan điều tra, việc tuyển sinh nhận hồ sơ tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh của trường chỉ là hình thức, học viên khi đã nộp hồ sơ, đóng tiền là đỗ. Với mức học phí mà các học viên đã nộp, các cá nhân liên quan tại Trường ĐH Đông Đô đã thu lợi bất chính hàng tỉ đồng.
Trên thực tế, không chỉ Trường ĐH Đông Đô mà không ít trường ĐH khác cũng "to gan" qua mặt cả Bộ GD-ĐT để đào tạo văn bằng hai không phép. Điển hình là qua thanh tra của Thanh tra Bộ GD-ĐT phát hiện Trường ĐH Chu Văn An cũng có hành vi vi phạm tương tự Trường ĐH Đông Đô. Vào tháng 5-2019, Thanh tra Bộ GD-ĐT cũng đã thanh tra đột xuất việc đào tạo văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Thành Đô. Cách thức quảng cáo chiêu sinh của trường này cũng khá giống Trường ĐH Đông Đô, như người học được miễn thi môn tiếng Anh trong việc thi tuyển, thi chuyển ngạch công chức, viên chức, thi đầu vào, đầu ra trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, giảng viên, giảng viên chính, chuyên viên, chuyên viên chính… Do đang trong quá trình thanh tra nên hiện chưa có kết luận thanh tra việc đào tạo văn bằng hai ở trường này.
Ông Dương Văn Hòa (trái), Hiệu trưởng và ông Trần Ngọc Quang bị Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an khởi tố bắt tạm giamẢnh: Bộ Công an
Đâu là kẽ hở?
Theo quy định hiện hành, các cơ sở đào tạo muốn đào tạo văn bằng 2 một ngành nào đó thì phải có văn bản đề nghị Bộ GD-ĐT hoặc với ĐH nếu là đơn vị thành viên của ĐH. Trong văn bản cần nêu rõ số lượng đào tạo, quy mô đào tạo hệ chính quy; điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo như đội ngũ giảng viên, trang thiết bị, cơ sở vật chất, tài liệu giảng dạy và học tập. Trên cơ sở đề nghị của các cơ sở đào tạo và căn cứ chỉ tiêu đào tạo ĐH hệ chính quy hằng năm cùng các điều kiện bảo đảm chất lượng, Bộ GD-ĐT (hoặc ĐH) mới giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo ĐH văn bằng 2.
Vậy vấn đề đặt ra là tại sao quy định chặt chẽ như vậy mà Trường ĐH Đông Đô cũng như nhiều trường khác vẫn ngang nhiên đào tạo văn bằng 2 không phép từ nhiều năm nay?
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (cơ quan được giao trách nhiệm quản lý văn bằng, chứng chỉ), cho rằng theo quy định hiện hành, các cơ sở giáo dục ĐH được quyền tự chủ trong việc cấp phát văn bằng và phải chịu trách nhiệm về việc quản lý và cấp phát văn bằng của mình. Các cơ sở này phải thực hiện chế độ báo cáo theo định kỳ. Bộ GD-ĐT định kỳ hoặc đột xuất thực hiện việc thanh tra, kiểm tra công tác này của các cơ sở giáo dục ĐH. Nhờ vậy, khi phát hiện có dấu hiệu về việc Trường ĐH Đông Đô cấp phát văn bằng không đúng quy định, Bộ GD-ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc điều tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của một số cá nhân có trách nhiệm tại cơ sở giáo dục này.
Lý giải về việc phôi bằng tốt nghiệp mà Trường ĐH Đông Đô cấp cho học viên chính là phôi bằng do Bộ GD-ĐT cung ứng, ông Trinh nói các cơ sở giáo dục ĐH được quyền tự chủ in phôi văn bằng, chứng chỉ theo mẫu do Bộ GDĐT quy định. Tuy nhiên, một số trường do có những khó khăn trong việc tổ chức in phôi văn bằng nên vẫn nhận phôi bằng từ Bộ GD-ĐT.
"Trường ĐH Đông Đô là đơn vị nhận phôi văn bằng ĐH từ Bộ GD-ĐT. Nhưng Bộ GD-ĐT chỉ cung ứng phôi văn bằng cho nhà trường còn việc in thông tin trên văn bằng, cấp phát văn bằng là trách nhiệm của nhà trường. Nhà trường phải tuân thủ các quy định hiện hành đối với công tác quản lý, cấp phát văn bằng" - ông Trinh nhấn mạnh.
Theo giới chuyên môn, đây chính là kẽ hở để Trường ĐH Đông Đô vi phạm trong một thời gian dài. Ông Mai Văn Trinh cho rằng Bộ GD-ĐT giao cho các trường quyền tự chủ nhưng tự chủ phải đi kèm sự minh bạch, tự chịu trách nhiệm và được giám sát chặt chẽ. "Tự chủ không có nghĩa là Bộ GD-ĐT để các trường muốn làm gì thì làm mà phải tăng cường thanh tra, giám sát để mọi hoạt động đi vào quy củ, đúng pháp luật" - ông Trinh nhấn mạnh.
Bình luận (0)