Theo phản ánh của người dân, chúng tôi đã đi dọc sông Chu tận mắt chứng kiến nhiều đoạn đê dọc tuyến sông Chu cả bên tả và bên hữu xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều điểm bị "biến dạng" hoàn toàn, xuất hiện liên tiếp những vệt lằn, lún, bong tróc, nứt gãy trên mặt đê, có đoạn kéo dài cả vài trăm mét. Điển hình tại Đoạn k19+800 - k22, k6 - k15+800 (đê tả sông Chu); k16+700 - k24+142 (đê hữu sông Chu, địa bàn huyện Thọ Xuân).
Tuyến đê xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng sau khi được đầu tư 150 tỉ đồng để sửa chữa
Xuôi xuống phía hạ lưu thuộc địa bàn huyện Thiệu Hóa, tuyến đê thuộc dự án xử lý cấp bách đoạn từ K19+800 - K22 và đoạn từ K25 - Km34+100, do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa (thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa) làm chủ đầu tư có tổng nguồn vốn khoảng 100 tỉ đồng.
Tuyến đê này được đầu tư tiền ngân sách để sửa chữa, nâng cấp, thuộc dự án xử lý cấp bách do ảnh hưởng của bão, lũ cuối năm 2017. Có 2 nhà thầu tham gia xây dựng là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi (có địa chỉ tại TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) và Công ty TNHH Tân Thành 1 và Công ty TNHH Hòa Bình.
Điều đáng nói, trong tháng 4-2020, tuyến đê được nghiệm thu và đưa vào sử dụng thì chẳng bao lâu, mặt đê dọc tuyến nhiều nơi đã bong tróc, hư hỏng, thậm chí biến dạng khiến người dân địa phương rất bức xúc. Tuyến đê hư hỏng không chỉ ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân mà còn tiềm ẩn nguy hiểm khi mua mưa bão lại cận kề.
Nhiều người dân cho rằng tuyến đê thi công không đảm bảo chất lượng nên mới nhanh xuống cấp đến vậy. Đồng thời, một nguyên nhân khác là có hàng trăm lượt xe tải hạng nặng ra vào các mỏ cát trên địa bàn 2 huyện này chở vượt tải trọng cho phép.
Nhiều đoạn mặt đê bị bong tróc hư hỏng nghiêm trọng
Ông Lê Ngọc Long, Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng (huyện Thọ Xuân), thừa nhận tuyến đê dài khoảng 7 km qua địa bàn nhiều nơi đã xuống cấp. Cũng theo vị lãnh đạo này, về phạm vi quản lý, địa phương chỉ quản lý nhà nước về mặt hành chính, còn vấn đề xe quá khổ, quá tải thì đã có khung tải trọng và CSGT.
Ông Cao Bát Chí, Phó Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa), nhìn nhận tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của tuyến tả và hữu sông Chu và cho rằng trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý sử dụng (tức chính quyền địa phương 2 huyện).
"Các dự án xử lý cấp bách đê tả, hữu sông Chu được đầu tư sau sự cố do ảnh hưởng của bão, lũ năm 2017 trên địa bàn huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa được Chủ tịch UBND tỉnh giao cho ban làm chủ đầu tư. Tổng kinh phí khoảng 150 tỉ đồng, nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương. Đến nay, các công trình đã được nghiệm thu, hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối tháng 4-2020. Tuy nhiên, không lâu sau khi đưa vào sử dụng, công trình đã xuống cấp" - ông Chí nói.
Đá cấp phối cùng với nhựa đường bị đội lên, dạt sang 2 bên đường đê
Khi được hỏi về hướng xử lý, ông Chí cho biết đã báo cáo lên Sở và UBND tỉnh. Riêng, đối với các nhà thầu, họ cho rằng sẽ không chịu trách nhiệm việc đê xuống cấp.
Bình luận (0)