UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa giai đoạn 2019-2021, trong đó tập trung kêu gọi đầu tư chuyên nghiệp về cầu tàu, bến đỗ, phương tiện vận chuyển đúng tiêu chuẩn an toàn chất lượng và khai thác những điểm tham quan nổi bật.
Đầu tư tổng lực
Cụ thể cho kế hoạch trên, Đà Nẵng sẽ tập trung nâng cấp cảng Sông Hàn thành cảng hành khách chính của thành phố, đầu tư cảng Sông Thu thành cảng phụ gắn với công viên hai đầu cầu và cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi để hình thành điểm đến phục vụ khách. Cùng với đó, Đà Nẵng cũng cho phép doanh nghiệp đầu tư khai thác tạm thời các hoạt động như: dã ngoại, ăn uống, tắm biển, thể thao biển... đồng thời đầu tư đóng mới tàu, đặc biệt là tàu lưu trú về đêm trên Vịnh Đà Nẵng.
Đối với tuyến khu vực bán đảo Sơn Trà, UBND TP khai thác các sản phẩm du lịch lặn biển ngắm san hô tại Hòn Sụp, Bãi Nam, Mũi Nghê; khai thác loại hình lồng bè thủy hải sản... Các tuyến từ sông Hàn đi Ngũ Hành Sơn, tuyến Cẩm Lệ - Túy Loan - Thái Lai, tuyến sông Cu Đê - Trường Định, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư gắn với phát triển các loại hình du lịch: trải nghiệm làng nghề, mua sắm, thưởng thức ẩm thực đặc trưng của địa phương, các sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng. Đối với tuyến sông Hàn - Cù Lao Chàm, Đà Nẵng khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư tàu du lịch để phục vụ khách có nhu cầu tham quan tuyến theo tiêu chuẩn quy định, chú trọng loại hình dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng trên tàu.
Du khách tham quan trên sông Son, tỉnh Quảng Bình Ảnh: Hoàng Phúc
Ông Đào Đặng Công Trung, Giám đốc Công ty CP Du lịch Danang Ocean Tour, cho biết kế hoạch phát triển du lịch các tuyến đường thủy nội địa của UBND TP Đà Nẵng là một bước đột phá, đầy hứa hẹn nhằm vực dậy loại hình du lịch mà Đà Nẵng vốn có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, UBND TP Đà Nẵng cũng cần tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp dễ xin cấp phép đóng thuyền, các thủ tục, giấy phép để tàu được cấp phù hiệu...
Hái ra tiền
Đến nay, TP Hội An có lẽ là địa phương khai thác tốt nhất loại hình du lịch đường sông ở Quảng Nam. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, cho rằng việc khai thác du lịch đường sông ở Hội An tuy đạt nhiều kết quả bước đầu đáng khích lệ nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương.
Theo ông Sơn, thật hiếm có nơi nào trong một khoảng cách tầm 30 km có 2 di sản văn hóa thế giới như ở Quảng Nam là Hội An và Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên). Hai di sản này kết nối với nhau bằng sông Thu Bồn nên nếu khai thác được thì đây là một tuyến du lịch hái ra tiền. Dù vậy, những năm qua, một số thời điểm các thủy điện tích nước khiến lòng sông trơ đáy. Còn mùa mưa lũ, nước chảy xiết nên việc vận chuyển du khách cũng không an toàn. Sắp tới, TP sẽ phối hợp với doanh nghiệp khảo sát, tổ chức chuyến thám hiểm đến Mỹ Sơn và kêu gọi các doanh nghiệp tổ chức khai thác tuyến du lịch này.
Trong khi đó, sông Hương từ lâu được du khách chọn làm nơi thưởng ngoạn mỗi lần đến Huế nhưng sản phẩm du lịch đi kèm còn yếu và thiếu. "Cảnh đẹp sông Hương thì ai cũng biết nhưng du lịch sông Hương vẫn còn quá đơn điệu, chưa thực sự hấp dẫn, thiếu các sản phẩm bổ trợ" - anh Nguyễn Khánh Toàn, một hướng dẫn viên du lịch thường dẫn khách đến Huế, đánh giá.
Huế không những có sông Hương mà nhiều con sông khác rất có tiềm năng phát triển du lịch, như Ngự Hà nằm trong Đại nội Huế. Năm 2018, đoàn doanh nghiệp của Huế phối hợp với ngành du lịch tổ chức chuyến khảo sát để tổ chức tour chèo thuyền từ sông Hương vào Ngự Hà và quay trở lại sông Hương từ sông Đông Ba. Nhưng rồi, sau chuyến đi hơn một năm, Ngự Hà vẫn chưa thể phục vụ khách. Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhìn nhận dịch vụ hỗ trợ cho tour du lịch đường sông ở Huế vẫn còn thiếu điểm dừng chân, các dịch vụ bổ trợ về mua sắm, ăn uống…
Dịch vụ du lịch trên sông Hương vẫn đơn điệu. Trước đây, trên sông Hương có dịch vụ chèo kayak nhưng sau một thời gian lại ngưng. Hay vào năm 2018, lần đầu tổ chức đua thuyền sup nhưng không thường xuyên và chưa đưa vào phục vụ khách.
Ông Phúc cho biết ngành du lịch địa phương này vừa giới thiệu một doanh nghiệp liên doanh với Hàn Quốc nghiên cứu tổ chức tour sử dụng thuyền chạy bằng điện kết hợp với chèo tay từ sông Hương vào sông Đông Ba, sau đó vào Ngự Hà. Ngoài ra, cũng có 2 doanh nghiệp ở Huế đang nghiên cứu tổ chức tour bằng thuyền kayak tại sông Ngự Hà, kết hợp lập một số điểm dừng chụp ảnh, giải khát.
Tiềm năng lớn, thiếu đầu tư
Tại tỉnh Quảng Trị, du lịch đường sông có nhiều tiềm năng nhưng chưa được phát triển như nhiều loại hình du lịch khác. Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị, hiện nay theo quy hoạch của tỉnh, 3 tuyến đường sông có nhiều điều kiện phát triển du lịch, nhất là trên sông Thạch Hãn.
Du lịch đường sông kết nối với các bãi biển đẹp của Đà Nẵng Ảnh: Công Trung
Cụ thể, tuyến du lịch trên sông Thạch Hãn sẽ bắt đầu từ chiến khu Ba Lòng (huyện Đakrông) xuôi về khu Đập Trấm - công trình đại thủy nông lớn của tỉnh - đến bến thả hoa đăng Thành cổ Quảng Trị và khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Từ địa điểm này kết nối với khu di tích của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, biển Cửa Việt và huyện đảo Cồn Cỏ. "Đây là tuyến du lịch trên sông được đánh giá nhiều tiềm năng nhất của tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, để phát triển tuyến du lịch này cũng cần có điều kiện và thời gian chín mùi" - ông Chiến nói.
Ngoài ra, tuyến du lịch sông Hiếu (bắt đầu từ huyện Cam Lộ - TP Đông Hà - cảng Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ) và tuyến trên sông Bến Hải (bắt đầu từ đôi bờ Hiền Lương, huyện Vĩnh Linh đến Cầu Treo, Bến Tắt) cũng rất hấp dẫn. "Định hướng quy hoạch tuyến du lịch đường sông đã có và một số nhà đầu tư đã đến khảo sát, tìm hiểu. Chắc chắn rồi đây, khi các điểm di tích lịch sử phát triển thì loại hình du lịch đường sông sẽ hình thành, gắn kết và tạo thêm sản phẩm du lịch mới để thỏa mãn nhu cầu tham quan của du khách" - ông Nguyễn Văn Chiến nhận định.
Tại Quảng Bình, với mong muốn mang lại những khám phá và trải nghiệm mới, giúp du khách có thêm sản phẩm du lịch khi đến với Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, mới đây, UBND tỉnh đã cho phép Công ty TNHH Chua Me Đất - Oxalis mở tour khám phá sông Son và tham quan các làng nghề ven sông.
Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty TNHH Oxalis, đánh giá dù hành trình du lịch khám phá bằng sông Son chặng đường khá ngắn nhưng đi qua những nơi có cảnh sắc rất đẹp, hành trình sẽ đẹp hơn đối với những người mới đến hoặc người xa quê nhiều năm.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, có sông Trà Khúc chảy dọc trung tâm TP Quảng Ngãi, quanh năm nước trong xanh, khá mát mẻ. Đặc biệt, với việc đầu tư dự án Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc với số vốn hàng ngàn tỉ đồng, dự kiến khởi công tháng 7-2019, tiềm năng phát triển du lịch đường sông ở đây sẽ rất hấp dẫn.
Sông Cổ Cò kết nối du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng
UBND TP Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam vừa có cuộc họp về dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò đoạn qua địa phận Đà Nẵng. Tại buổi làm việc, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đề xuất hai địa phương có sự phối hợp trong quy hoạch hệ thống các điểm dừng chân, vui chơi giải trí phục vụ phát triển du lịch dọc tuyến sông một cách hiệu quả nhất, nhằm đẩy mạnh, khai thác tối đa tiềm năng du lịch đường sông của hai địa phương. Sông Cổ Cò được nạo vét, TP Hội An sẽ được kết nối với TP Đà Nẵng bằng đường sông và du lịch đường sông sẽ là một lựa chọn thú vị cho du khách.
Bình luận (0)