Việc điều tiết thị trường bất động sản (BĐS) cần có sự tham gia, góp sức từ cả hai phía: Nhà nước và doanh nghiệp (DN). Trong khi DN với các giải pháp khắc phục có tính chất ngắn hạn thì Nhà nước sẽ có những giải pháp, công cụ điều tiết tăng trưởng dài hạn.
Ứng phó với sự biến động của thị trường
Việc thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để cho ra đời một dự án BĐS là khá lâu. Từ khâu chọn địa điểm đầu tư đến khi nhận được giấy phép xây dựng có thể lên đến 3-5 năm với hàng trăm chữ ký phê duyệt. Nhiều khi DN nhận thấy được nhu cầu thị trường là bức thiết nhưng khi hoàn thành thủ tục đầu tư thì nhu cầu này đã đổi thay. Vì vậy, các DN BĐS trước tiên phải tìm cách để ứng phó với sự thay đổi nhanh chóng của nhu cầu thị trường.
Cần chú trọng nhiều hơn đến vai trò khảo sát, nghiên cứu các nhu cầu của thị trường và nhất là khả năng dự báo trước những đổi thay của thị trường, định vị sản phẩm BĐS phù hợp với mong đợi của người tiêu dùng và lưu ý đến tính mới cũng như tính độc đáo của sản phẩm.
Dự án nhà phố shophouse La Maison Premium của Công ty Cổ phần Đất Xanh Miền Trung ở Phú Yên đang được hoàn thiện Ảnh: HỒNG ÁNH
Các DN cũng như ban quản lý các dự án tại Phú Yên đã và đang đầu tư xây dựng loại hình sản phẩm là các nền đất với giá thành từ 20-30 triệu đồng/m2. Hiện nay, giá thành xây dựng hạ tầng cơ bản đã hạ xuống khoảng 15%, nếu khả năng quản trị tốt, so với lúc cao điểm thì hạ giá bán là một giải pháp tối ưu. Nên xem xét loại hình đất nền giá rẻ khoảng 6-12 triệu đồng/m2 vì hiện nay và cả trong tương lai gần khoảng 5 năm tới, loại hình này tại Phú Yên thiếu trầm trọng. TP Tuy Hòa và khu vực lân cận hiện không có khu đô thị nào có giá thành ở mức này.
Các DN đang đầu tư ở giai đoạn giải tỏa, đền bù giải phóng mặt bằng thì tùy năng lực đàm phán và khả năng tài chính của DN chia ra phân kỳ đầu tư, tập trung làm hoàn chỉnh từng phần cho dứt điểm, tránh hiện tượng "da beo" hay hoàn thành toàn bộ dự án mới triển khai kinh doanh.
Huy động nhiều thành phần tham gia dự án nhà ở xã hội
Trong thủ tục hành chính, về vĩ mô, cần khắc phục những mâu thuẫn chồng chéo giữa Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và Luật Nhà ở trong việc lựa chọn nhà đầu tư. Tập trung rút ngắn quy trình cấp phép đầu tư xây dựng dự án. Khuyến khích DN điều chỉnh phân kỳ dự án cho phù hợp với nhu cầu thị trường và phân bổ tỉ lệ loại hình sản phẩm cho hợp lý theo từng vùng, từng khu vực; tránh những bất hợp lý về vị trí và loại hình sản phẩm như vị trí trung tâm lại đầu tư khu dân cư hạng trung bình và ngược lại, huyện xa lại đầu tư khu dân cư cao cấp. Bên cạnh đó, Nhà nước chỉ nên đóng vai trò là nhà quản lý, tạo "sân chơi" bình đẳng cho các DN.
Về hạ tầng giao thông, nhà nước nên đẩy mạnh và giám sát chặt việc xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, nhất là các cung đường kết nối giữa trung tâm TP Tuy Hòa với các huyện lân cận như: đường Trần Phú nối dài về phía Tây đi huyện Phú Hòa, trục đường Lê Duẩn nối dài đi huyện Tuy An, tuyến đường Trung Trinh - Vũng La, tuyến đường bao quanh vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu)... Khi đầu tư vào những tuyến đường này sẽ kích thích các vùng trên các tuyến đường này phát triển.
Nhà nước nên rà soát lại hiệu quả sử dụng đất tại các DN đang được thuê đất. Những lô đất sử dụng lãng phí, không hiệu quả nên thu hồi đưa ra đấu giá hoặc cho phép DN đàm phán chuyển nhượng dự án BĐS để tiếp tục đầu tư phát triển các loại hình nhà ở; ưu tiên phát triển nhà ở cho người thu nhập trung bình, cán bộ công chức, trí thức trẻ và nhà ở xã hội.
Ở các nước phát triển, nhà nước huy động nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ để góp phần phát triển lại nền kinh tế đang suy giảm. Phú Yên lúc này cần kêu gọi phát triển loại hình nhà ở này bằng các nguồn lực trong xã hội.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)