Giữa năm 2017, Báo Người Lao Động đăng loạt bài "Đường dây lao động "khổ sai" ở Nga", phản ánh thực trạng nhiều lao động từ Việt Nam sang Nga bằng hình thức visa du lịch để làm việc trong nhiều xưởng may "chui" như lao động "khổ sai", đồng lương rẻ bèo.
Hai lần bị "cảnh cáo"
Đã có hàng loạt công nhân sau đó được "giải cứu" về nước với sự hỗ trợ của nhiều cơ quan chức năng. Tuy nhiên, Tết nguyên đán năm nay, tất cả công nhân được "giải cứu" dù đoàn tụ cùng gia đình nhưng vẫn nhiều lo ngại vì những sự đe dọa từ những người môi giới.
Anh Trần Văn Châu may mắn được trở về Việt Nam đón Tết cùng gia đình Ảnh: QUỐC CHIẾN
Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động vào những ngày đầu Xuân, anh Nguyễn Minh Vũ (28 tuổi, quê Trà Vinh) - một trong những lao động ở Nga đã trốn thoát thành công - vui mừng: "Tết năm nay gia đình được đoàn viên, đối với tôi là hạnh phúc lớn. Giờ thấm thía, có vàng cũng không bằng tình cảm gia đình". Anh Vũ cũng cho biết kể từ khi trở về Việt Nam, anh đã 2 lần bị những người môi giới "cảnh cáo" rằng sẽ phải "nhận hậu quả lớn" do thông tin cho người khác biết cuộc sống thật ở Nga.
Nhiều lao động Việt Nam bị đưa sang Nga làm việc trong các xưởng may "chui" với mức lương rất thấp
Ảnh: M.Đ
Anh Vũ nói: "Tôi cũng chỉ muốn phản ánh để không còn những nạn nhân khác bị kẻ khác lừa gạt bằng lời ngon ngọt. Họ biết địa chỉ nhà nên từ khi trở về nước là tôi phải chạy lên quận 9, TP HCM để làm công nhân".
Anh Vũ cho hay dù mới làm được 3 tháng ở công ty nhưng dịp Tết này cũng được thưởng 1,5 triệu đồng và tiền lương hằng tháng đạt 7 triệu đồng. Trong khi đó, những ngày tháng cơ cực ở Nga thì phải lao động từ 7 giờ đến 23 giờ trong thời tiết lạnh buốt nhưng chỉ để lo trả nợ tiền máy bay, môi giới.
"Tết này tôi mua được một chậu hoa, ít quà bánh cho mẹ và sửa soạn căn nhà ấm cúng hơn" - anh Vũ nói. Anh cho biết ngày nghe tin anh sẽ trở về, hôm nào mẹ cũng đứng trước cửa nhà ngóng chờ. "Mẹ vỗ vai tôi, nói con đừng đi nữa. Nghèo thì sống kiểu nghèo" - anh Vũ nói.
Đầy ám ảnh
Kể về những ngày tháng ở Nga, anh Vũ ví von bằng cụm từ "nô lệ lao động". Ở đất khách quê người không biết nói tiếng bản địa nên gặp rất nhiều khó khăn. Bao nhiêu lần anh nung nấu ý định bỏ trốn vì không chịu nổi sự bóc lột sức lao động nhưng khi rời đi là bị bắt lại. Quay lại xưởng thì ít nhiều phải "ăn" no một trận đòn.
Chiều mùng 4 Tết, phóng viên đến nhà chị Nguyễn Thị Đang (ngụ huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), cũng là người từ một xưởng lao động ở Nga quay về. Chị Đang nói: "Cái Tết này đối với tôi là vui nhất vì đã nhiều Tết không nghĩ mình còn có dịp trở về nước và sum vầy bên gia đình. Tết này thật sự là Tết đoàn viên". Hỏi về những ngày lao động nước ngoài, chị Đang nói: "Những ngày tháng đó đúng là không thể tưởng tượng được nỗi khổ cực, gian khổ đến như vậy".
Về nước, chị Đang nhận hàng về nhà may vá và phụ cha mẹ trông nom nhà cửa. Chị khoe: "Có những ngày sống gian khổ mới thấy sự quý giá của cái Tết cổ truyền sum vầy bên gia đình. Tôi không đi làm xa nữa mà ở nhà chăm lo gia đình là vui lắm rồi".
Một trong những người trở về từ Nga cùng đợt với chị Đang là anh Trần Văn Châu (quê Sóc Trăng) cũng cho biết: "Tôi đang làm công nhân ở Bình Dương. Cuộc sống ở nước nhà dù không dư dả nhưng cũng sống được và nhất là thoải mái sau mỗi ngày làm việc".
Phải xử lý nghiêm
Cùng chung quan điểm phải xử lý nghiêm khắc những người môi giới, cả chị Nguyễn Thị Đang và anh Nguyễn Minh Vũ đều bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng làm rõ hành vi của họ do đã đẩy nhiều người qua Nga.
"Nếu không có tiếng nói của báo chí thì Tết này tụi em không biết phải ra sao khi ở đất khách quê người" - chị Đang bùi ngùi.
Trao đổi với phóng viên, thượng tá Trương Văn Sáu, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Tiền Giang, cho biết: "Vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, do có yếu tố người nước ngoài nên phải từng bước xác minh cụ thể mới có kết luận".
Bình luận (0)