Trên hành trình 47 năm xây dựng và phát triển, TP HCM luôn nỗ lực, phát huy truyền thống năng động, sáng tạo để giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố liên tục tăng, dù có giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng tài chính thế giới.
Giữ vững vai trò đầu tàu
Giai đoạn 2016-2019, GRDP (sản phẩm trên địa bàn) của TP HCM tăng bình quân 7,72%, kinh tế thành phố đóng góp trên 22% kinh tế cả nước. Năng suất lao động bình quân của TP HCM cao hơn 2,6 lần so với bình quân cả nước. GRDP bình quân đầu người tăng liên tục qua các năm, gấp 2,4 lần so với cả nước.
Thu ngân sách của TP HCM luôn chiếm tỉ trọng lớn nhất cả nước - năm 2019 khoảng 27%. Các ngành dịch vụ tăng trưởng bình quân 7,84%, giá trị gia tăng dịch vụ chiếm bình quân 33% toàn ngành, đứng đầu cả nước. Ngành công nghiệp tăng trưởng khá, chỉ số sản xuất toàn ngành tăng bình quân 7,7%/ năm; 4 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 9%/ năm, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành. Khu Công nghệ cao TP HCM phát triển mạnh mẽ với tổng giá trị xuất khẩu 4 năm đạt 46,36 tỉ USD.
Trong 2 năm 2020 - 2021, TP HCM trải qua thử thách khắc nghiệt bởi đại dịch Covid-19, chịu tổn thất nặng nề từ con người đến các lĩnh vực đời sống xã hội. Năm 2021, lần đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, TP HCM tăng trưởng âm 6,78%.
Song, trong những ngày tháng khắc nghiệt nhất của đại dịch, điều vô cùng ý nghĩa là TP HCM vẫn gìn giữ được những giá trị nền tảng, những điểm sáng quý giá. Một số ngành, lĩnh vực duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; kim ngạch xuất khẩu ước tăng 2,8% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 ước đạt 381.531 tỉ đồng, đạt 104,56% dự toán năm. TP HCM cũng có thêm nguồn lực từ sự chia sẻ của trung ương khi thông qua tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho thành phố năm 2022 là 21% (5 năm trước đó là 18%).
Tuy khó khăn chồng chất nhưng bằng nội lực, quyết tâm và sự chung tay của cả nước, thành phố mang tên Bác đã nhanh chóng vượt qua "bạo bệnh", từng bước đứng dậy. GRDP quý I/2022 đã tăng 1,88% so với cùng kỳ năm 2021. Xuyên suốt 8 tháng qua, các lĩnh vực kinh tế luôn duy trì mức tăng trưởng. Tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) ước thực hiện 311.921 tỉ đồng (đạt 80,69% dự toán năm).
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhận định với đà phục hồi này, thành phố có thể vượt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP đã đề ra cho năm nay là 6%-6,5%.
Một góc khu vực trung tâm TP HCM nhìn từ TP Thủ Đức
Định vị đô thị thông minh
Ngoài vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, TP HCM còn được định vị là một đô thị thông minh, đáng sống.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu đến năm 2025, TP HCM là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Đến năm 2030, TP HCM là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số; là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2045, TP HCM trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu...
Không đợi đến đại hội, từ những năm trước, TP HCM đã nung nấu ý tưởng xây dựng đô thị thông minh. Sau quá trình bàn thảo thận trọng, trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, lắng nghe ý kiến góp ý của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, chắt lọc kinh nghiệm của nhiều nước, ngày 23-11-2017, UBND thành phố đã phê duyệt Đề án Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025. Chính tầm nhìn ấy đã góp phần giúp TP HCM vượt qua hàng loạt khó khăn trong 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát.
Việc xây dựng đô thị thông minh được TP HCM thực hiện uyển chuyển, phù hợp với thực tiễn và xu hướng thế giới. TP HCM xác định phải đổi mới tư duy và nhận thức về xây dựng đô thị thông minh theo hướng phải gắn với chuyển đổi số. Do đó, từ đầu năm 2022, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình "Chuyển đổi số của TP HCM".
Du khách nước ngoài tham quan TP HCM dịp lễ 2-9 năm nay Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cần cơ chế, chính sách đột phá
Đến nay, dù TP HCM vẫn được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước, được định hướng là thành phố thông minh, sáng tạo nhưng sự phát triển ấy chưa thật sự xứng tầm với vai trò, vị thế, tiềm năng và cơ hội của địa phương này. Sự tăng trưởng của TP HCM có xu hướng giảm tốc, chưa có đột phá trong bối cảnh nhiều địa phương khác bứt tốc, tăng trưởng nhanh để thu hẹp khoảng cách với thành phố.
Tại cuộc làm việc với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hồi tháng 3-2022, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng thành phố vẫn là đầu tàu kinh tế, khi vượt qua cơn bạo bệnh đã bật dậy mạnh mẽ. Tuy nhiên, đầu tàu này bị giảm tốc từ lâu, nhất là những năm gần đây đã mất trớn, mất đà và yếu lực. "Cần có cơ chế, chính sách từ trung ương để tháo gỡ" - Bí thư Thành ủy TP HCM nhìn nhận.
TP HCM đang chuẩn bị tổng kết Nghị quyết 16, hướng tới nghị quyết/kết luận mới của Bộ Chính trị về phát triển thành phố và Nghị quyết 54 của Quốc hội hướng tới nghị quyết mới. Trong đó, nghị quyết/kết luận của Bộ Chính trị mang định hướng, quan điểm chiến lược; còn nghị quyết của Quốc hội sẽ cụ thể hóa những định hướng, quan điểm này.
Bối cảnh hiện nay đòi hỏi cần thiết phải có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 để tạo điều kiện cho TP HCM khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển trở lại trong giai đoạn tới. Đồng thời, kế thừa và tích hợp tất cả cơ chế, chính sách mà TP HCM cần trung ương quan tâm hỗ trợ để phát triển tương xứng với vị thế đầu tàu về kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng, phấn đấu vươn lên trong cạnh tranh quốc tế.
TP HCM đã vượt qua những khó khăn lớn nhất. Cả hệ thống Đảng bộ, chính quyền và người dân TP HCM đang hối hả bắt tay vào công cuộc kiến thiết lại thành phố. Thủ Đức - thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước - đã có những bước chuyển mình. Trung tâm tài chính quốc tế ở TP HCM đã có những bước phác thảo đầu tiên. Nhiều kế hoạch lớn với những chương trình cụ thể; các tuyến cao tốc, đường vành đai, những cây cầu kết nối với tỉnh bạn, với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang được TP HCM gấp rút triển khai xây dựng…
Những hành động cụ thể nêu trên cùng với "tài sản" quan trọng bậc nhất mà TP HCM luôn có từ trước đến nay - sự đoàn kết, năng động, sáng tạo; tinh thần dám nghĩ, dám làm của người dân, doanh nghiệp và chính quyền thành phố - như một lời khẳng định TP HCM sẽ không bao giờ dừng lại trên con đường xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình, đáng sống.
Khi dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế TP HCM phục hồi ấn tượng ngay từ đầu năm 2022, như lời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: "TP HCM trở lại nhanh hơn mong muốn, hơn kỳ vọng. Điều này rất đáng mừng, mừng đến phát khóc".
Luật Đô thị đặc biệt cho TP HCM?
Về lâu dài, cần nghiên cứu xây dựng Luật Đô thị đặc biệt cho TP HCM. Việt Nam hiện có 2 đô thị đặc biệt là TP Hà Nội và TP HCM. Hà Nội đã có Luật Thủ đô, còn TP HCM chưa có luật đặc thù trong khi thành phố có những đặc điểm về địa bàn, vị trí, dân số, kinh tế... khác hẳn các tỉnh, thành khác.
Do đó, việc xây dựng cơ chế mang tính đột phá, áp dụng trong dài hạn để TP HCM phát triển là điều cần thiết, bảo đảm quá trình vận hành thông suốt trong lúc chờ trung ương xây dựng Luật Đô thị đặc biệt. Việc tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách đột phá là tiền đề quan trọng để TP HCM tiếp tục giữ đà tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội và đóng góp chung vào sự phát triển của cả nước.
Bình luận (0)