Sở Thùng - cái tên không có trên bản đồ hành chính của địa phương, chỉ tồn tại trong trí nhớ của nhiều người - gồm những xóm nhà trong các con hẻm ngoằn ngoèo sâu hun hút trên đường Phan Văn Trị, phường 11, quận Bình Thạnh - tiếp giáp với quận Gò Vấp, TP HCM. Sở Thùng một thời là lãnh địa của các nhóm giang hồ đâm thuê chém mướn, cờ bạc rượu chè, mại dâm, cho vay nặng lãi...
Lần lượt bị "sờ gáy"
Ông Lê Văn Hạ (ở khu phố 6, phường 11, quận Bình Thạnh), cư dân lâu năm của Sở Thùng, cho biết khu vực này trước năm 1975 là một vùng đất kênh rạch, đầm lầy hoang vu nên chính quyền lúc đó sử dụng làm nghĩa địa, nơi chứa rác, đổ hầm cầu. "Phân hầm cầu từ nhà vệ sinh của các căn cứ lính Mỹ được gom vào thùng đem tới đây đổ nên mới có tên là Sở Thùng" - ông Hạ giải thích.
Sở Thùng từng được xem là vùng đất "hang hùm miệng cọp" vì các tay anh chị giang hồ đổ về đây lập cứ. Theo nhiều người, sở dĩ giang hồ tứ phương chọn vùng này để hoạt động là vì Sở Thùng nằm kế khu quân sự, cạnh đường xe lửa, gần nghĩa địa, có kênh rạch sình lầy tiếp giáp sông nên các đối tượng tội phạm dễ lẩn trốn một khi bị truy bắt.
Ông Hạ không thể quên những thăng trầm của cuộc đời mình trên mảnh đất mà cái nghèo và tệ nạn xã hội bủa vây. Nhiều gia đình có con cái cũng tiếp gót hư hỏng, nghiện ma túy, tù tội cũng bởi cha mẹ theo nghề đâm thuê chém mướn, môi giới mại dâm, mua bán ma túy…
Ở Sở Thùng ngày trước không ai không biết đến gia đình "Tư điên", trùm cho vay nặng lãi. Theo người dân kể lại, chân rết của "Tư điên" thời hoàng kim có mặt khắp nơi, gồm cả anh em, con cháu của gã, hoạt động cho vay nặng lãi, môi giới bán dâm, tổ chức sòng bạc… Sau này, nhiều băng nhóm kéo về Sở Thùng tranh giành địa bàn làm ăn với "Tư điên" nên gia đình này thất thế. Sau đó, "Tư điên" bị sát hại, con cái của gã cũng chết vì ma túy, HIV...
Những năm gần đây, nhiều tên tuổi cộm cán ở Sở Thùng lần lượt bị "sờ gáy". Dân Sở Thùng không ai không biết 3 cô cháu nhà "trùm Le", "cu Đĩ" và Kim Hà. "Trùm Le" tên thật là Huỳnh Kim Lệ, SN 1965, được đàn em gọi "má hai". "Trùm Le" chuyên cho vay nặng lãi, cho thuê nhà trọ, có trong tay nhiều đàn em. Bà trùm này từng vào tù ra tội, bị phạt hành chính nhiều lần. Sau một thời gian dài làm ăn phi pháp, "trùm Le" đánh tiếng "gác kiếm" để kinh doanh. Tuy nhiên, gần đây, "trùm Le" đã cùng đàn em đến đập phá Công ty N.M.A vì nhân viên công ty này dám hỗn với đứa cháu của thị. Năm 2014, do xích mích làm ăn, "trùm Le" cùng đàn em cầm hung khí xông vào một nhà nghỉ trên địa bàn chém người và phá tan đồ đạc.
"Cu Đĩ", cháu gọi "trùm Le" bằng cô, tên thật là Nguyễn Hoàng Kiệt. Mới 14 tuổi, Kiệt đã gia nhập giang hồ, vào tù nhiều lần do trộm cắp, cướp tài sản, mua bán trái phép chất ma túy. Tháng 4 vừa qua, TAND Cấp cao tại TP HCM đã xử Kiệt 5 năm 6 tháng tù giam về tội tổ chức đánh bạc.
Sau khi sòng bạc của em trai bị xóa sổ, chị của "cu Đĩ" là Nguyễn Thị Kim Hà lại đứng ra tổ chức. Tuy nhiên, sòng bạc phi pháp của Hà cũng bị Công an quận Bình Thạnh xóa sổ sau 2 tháng hoạt động. Nhiều cái tên khác vốn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân Sở Thùng như: Sơn "máy tàu", Minh "què"… cũng lần lượt bị pháp luật trừng trị.
Đại lộ Phạm Văn Đồng khang trang, hiện đại chạy ngang khu vực Sở Thùng
"Kỳ tích" ở xóm rác
Hiện nay, đa số dân ở Sở Thùng làm nghề rác. Họ đến từ nhiều vùng quê nghèo khó. Dân làm rác chia làm hai giới: chủ đường dây rác và người làm thuê. Người làm rác ở đây bắt đầu công việc của mình từ rất sớm, thu gom rác từ 2 giờ, đến trưa thì tập kết về bãi. Những người ở nhà phân loại rác từ 5 giờ để bóc tách thứ còn tái chế được, phân loại và bán cho chủ vựa.
Công việc vất vả nhưng thu nhập mỗi người chỉ 100.000-150.000 đồng/ngày. Họ sống với nghề như một cái nghiệp bởi những người đang theo nghề rác đều sinh ra từ nghèo khó, không có điều kiện học hành. Ông Hạ cho biết sống "đời rác" ở Sở Thùng thoạt nhìn thấy giản đơn nhưng khắc nghiệt. Chất độc hại từ rác gây bệnh tật cho người làm rác thuê. Nhiều người đã chết trẻ bởi chính cái nghề mình theo đuổi...
Gần đây, Sở Thùng đã dần thay da đổi thịt. Cảnh nhếch nhác, hôi hám trước đây đã không còn. Người làm rác cũng đã "chuyên nghiệp" hơn. Công nhân làm rác được trang bị áo bảo hộ, bao tay, khẩu trang y tế để phòng tránh bệnh tật có thể lây nhiễm từ rác. Xe vận chuyển cũng được thiết kế cho phù hợp để rác không bị vương vãi, không chảy nước dọc đường.
Việc tuân thủ quy định chuyển đổi xe gom rác 3 bánh sang 4 bánh ở khu vực Sở Thùng được người dân ví "như là kỳ tích". Sở Thùng hiện đã có gần 30 hộ dân bỏ hàng chục tỉ đồng mua xe ép, xe tải để vận chuyển, thu gom rác.
Cách đây vài năm, tuyến vành đai Bình Lợi - Tân Sơn Nhất (đại lộ Phạm Văn Đồng) được xây dựng đã xóa đi xóm nhà tạm nồng nặc mùi rác ngày nào. Đời sống người dân nơi đây đã không còn ngột ngạt, dù hàng chục gia đình vẫn theo nghề. Trẻ em đã được đến trường, thanh niên được học nghề, có công ăn việc làm ổn định. Cái tên "đất giang hồ" ngày càng lùi sâu trong ký ức...
Vẫn còn nhiều người nghiện
Một lãnh đạo UBND phường 11, quận Bình Thạnh cho biết vài năm trở lại đây, tình hình an ninh trật tự tại khu phố 6 và 7 - nơi được gọi là Sở Thùng - đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do khu phố 7 đông dân nhất phường nên khu vực này vẫn còn phức tạp, với tỉ lệ người nghiện cao nhất so với các nơi khác trên địa bàn.
Theo lãnh đạo phường 11, ngoài việc liên tục tuyên truyền, tuần tra, phường còn lắp đặt khoảng 40 camera an ninh tại khu phố 7 để ngăn chặn kịp thời hành vi phạm tội.
Kỳ tới: Cống Bà Xếp bình yên
Bình luận (0)