Ở TP HCM, khi đi ngang qua điểm gác chắn đường ray trên đường Trần Văn Đang nhiều người không biết là họ vừa đi qua một khu vực từng được xem là vùng đất dữ một thời. Đó là khu Cống Bà Xếp, nay thuộc phường 9, quận 3.
Xe ôm không dám đến
Theo lưu truyền của người dân, cái tên Cống Bà Xếp có nguồn gốc từ chuyện vợ của một ông sếp ở ga Hòa Hưng (ga Sài Gòn) có nhà ở khu vực cống. Ngày xưa, hễ quan ở đâu thì phu ở đó nên khu vực xung quanh cái cống này trở thành nơi quần cư của những người làm ở ga và xí nghiệp đầu máy xe lửa gần đó. Dần dần khu này có tên gọi chung là xóm Cống Bà Xếp.
Ông Phan Khích (65 tuổi) sống gần ga Sài Gòn cho biết cách đây nửa thế kỷ, những con đường quanh ga Hòa Hưng như Nguyễn Thông, Kỳ Đồng, Rạch Bùng Binh chỉ là những con hẻm nhỏ lạnh lẽo bởi bao quanh là những gian nhà ẩm thấp xiêu vẹo và từ những ánh nhìn sắc lẹm của đám du côn người đầy hình xăm vằn vện. "Hồi tôi còn nhỏ, khu Cống Bà Xếp có đến vài trăm con hẻm nhỏ thông nhau, đan xen như mắc cửi. Dân lạ khó mà tìm đường ra nếu đi sâu vào khu vực này. Còn đám du côn trong khu thì thoắt ẩn thoắt hiện khó mà lần ra chúng một khi trốn vào đây" - ông Khích nói.
Theo ông Khích, điểm bắt đầu của "ma trận hẻm" Cống Bà Xếp là đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách mạng Tháng Tám) và điểm cuối là kênh Nhiêu Lộc (nay là đường Hoàng Sa). Một đầu giáp đường, một đầu giáp kênh nên là "địa lợi" để giới giang hồ cộm cán chọn khu Cống Bà Xếp làm "căn cứ địa" hoạt động vào những thập niên 50, 60, 70 của thế kỷ trước. Nếu bị cảnh sát hoặc các băng nhóm khác truy lùng, chỉ cần một vài phép "ẩn thân", nhiều tay anh chị có thể từ đường Lê Văn Duyệt chui tọt ra kênh Nhiêu Lộc và biến mất trong vài phút.
Một con hẻm tối tăm nằm trong khu vực Cống Bà Xếp ngày xưa
Cái tên Cống Bà Xếp còn nổi tiếng bởi tướng cướp vang bóng một thời Điền Khắc Kim chọn làm nơi ẩn thân, những con hẻm ở khu Cống Bà Xếp chính là nơi Điền Khắc Kim thấy an toàn nhất. Những người ở độ tuổi 60 ở khu Cống Bà Xếp không ai không biết Điền Khắc Kim bởi y là tướng cướp khét tiếng với "chiến tích" đột nhập vào nhà của một sĩ quan Mỹ cướp tài sản và cưỡng hiếp vợ ông này. Với những gia đình người Việt, hắn chỉ lấy tài sản mà không làm ai bị thương. Điều đặc biệt là sau khi gây án, hắn đều để lại mảnh giấy nhỏ ghi "ĐKK". "Điền Khắc Kim thuê hẳn một căn nhà ở khu này ở cùng vợ hai để dễ lẩn trốn khi bị truy đuổi. Không ít lần, nhờ những con hẻm chằng chịt mà tên tướng cướp khét tiếng này đã thoát thân ngoạn mục" - bà Lê Thị Ngọc (68 tuổi) nói.
Bà Ngọc cũng cho biết trước năm 1975, khu vực Cống Bà Xếp là nơi tiêu thụ ma túy tương đối lớn. Tệ nạn mại dâm trên trục đường Lê Văn Duyệt gần như công khai và rất dễ nhận biết. Gái làng chơi đa phần sống trong khu Cống Bà Xếp. Hồi đó, khu vực này tấm bảng nhỏ ghi dòng chữ "Khu vực tuyệt đối cấm quân nhân lai vãng" gắn khắp đầu hẻm. Ma túy, thuốc phiện bày bán công khai, nhiều dân anh chị xăm mình ngồi khắp hẻm để bán và chích ma túy. Nếu bắt xe ôm về Cống Bà Xếp thì rất hiếm ông xe ôm dám nhận chở về.
Hồi sinh và đổi mới
Những câu chuyện như Điền Khắc Kim đã dần đi vào quên lãng, lớp trẻ bây giờ chẳng còn ai biết đến thời "oanh liệt" của vùng đất dữ này. "Khu vực quanh ga Sài Gòn nay trở nên nền nếp hơn. Nhiều người trước đây đeo bám khu này làm nghề cò vé giờ không còn nữa, họ chuyển sang kinh doanh ổn định, tránh được tình trạng tranh giành bán vé rồi xích mích đánh nhau" - ông Lê Quang Sum, 68 tuổi, một người sống ở khu Cống Bà Xếp từ nhỏ, cho biết.
Theo ông Sum, những người nghèo ở xóm ông nhờ buôn bán gần đường ray mà có tiền mua gạo, nuôi con khôn lớn. "Họ là những người làm ăn lương thiện, còn những kẻ lưu manh, du đãng dần dần được pháp luật "chăm sóc", số khác tự thấy mình sai đã ăn năn hối cải, lo làm ăn" - ông Sum nói.
Một góc đường Hoàng Sa, đoạn chạy qua khu vực Cống Bà Xếp
Sau nhiều năm đắm chìm trong tệ nạn, khu vực xóm Cống Bà Xếp giờ đã khoác lên mình tấm áo mới. Hẻm rộng rãi, thoáng hơn, đường được chính quyền nâng lên nên không còn tình trạng ngập nước. An ninh trật tự cũng dần đi vào ổn định, nạn cướp giật, trộm cắp xin "trú tạm" không còn diễn ra thường xuyên, người dân thấy yên bình hơn. Bà Hồ Thị Lài, 50 tuổi, sinh sống từ nhỏ tại Cống Bà Xếp, nhấn mạnh: "Công an phường cùng dân phòng, bảo vệ khu phố khu này hoạt động rất hiệu quả. Nhà ai có người nghiện là họ đến thuyết phục đưa đi cai nghiện, nhà ai có người chưa có việc làm thì họ tìm việc làm cho hoặc đăng ký cho học nghề. Như con trai tôi cũng được các anh vận động đi nghĩa vụ quân sự để rèn luyện, rồi về tham gia vào đội dân phòng.
Một điểm nhấn quan trọng làm lu mờ sự dữ dằn của Cống Bà Xếp là khi dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đi vào hoạt động, cảnh quan nơi đây trở nên hiện đại, dòng nước kênh xanh hơn, thảm xanh mới được tạo nên đã xóa đi mùi hôi thối, đen ngòm thuở nào. Người dân thoải mái tản bộ dạo chơi, tập thể dục trong một bầu không khí trong lành và an toàn. Bộ mặt đô thị với những tòa nhà chung cư, cao ốc văn phòng, những ngôi nhà mới khang trang đã đẩy lùi những tối tăm u ám, đưa những tàn tích không mấy tốt đẹp của khu Cống Bà Xếp vào dĩ vãng.
Nhờ người dân đoàn kết
Đó là ghi nhận của bà Trần Thị Thùy Trang - Phó Chủ tịch UBND phường 11, quận 3, TP HCM. Theo bà Trang, từ khi dẹp yên tệ nạn, người dân ở Cống Bà Xếp bắt đầu nêu cao tinh thần phòng chống tội phạm. Hễ thấy đối tượng nghi vấn thì người dân liền nhanh chóng báo cho công an phường. Ngoài ra, lực lượng bảo vệ khu phố luôn túc trực 24/24 giờ và chốt chặn nhiều điểm nóng.
Kỳ tới: Chợ Cây Da Sà sạch bóng ma túy
Bình luận (0)