Trong vài năm trở lại đây, tình trạng xây dựng tràn lan để khai thác du lịch trong khu vực Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An (tỉnh Ninh Bình) đã khiến di sản này bị xâm hại nghiêm trọng đến mức UNESCO phải đưa ra các khuyến cáo. Dù vậy, gần đây nhất, một công trình xây dựng vượt phép vẫn ngang nhiên "mọc lên" ngay giữa vùng lõi di sản này đã được UNESCO công nhận năm 2014.
"Đào xới" di sản xây nhà nghỉ, dịch vụ xông hơi
Khảo sát thực tế ngày 9-12 tại xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, dọc các sườn núi dài hàng trăm mét, chúng tôi chứng kiến đất đá bị đào xới nham nhở, tiếng gầm rú của máy múc, cào san ủi đất... xé nát cả một vùng non nước hữu tình.
Khu du lịch Thung Nham do Công ty CP Dịch vụ Thương mại và Du lịch Doanh Sinh làm chủ đầu tư, đang được xây dựng thêm các công trình để mở rộng khai thác du lịch. Điều đáng nói, những công trình này ngang nhiên xây dựng xâm hại di sản Tràng An trong một thời gian dài cho đến khi hàng loạt công trình đã xây xong móng, đổ tầng... thì lực lượng chức năng mới vào cuộc kiểm tra.
Theo báo cáo kết quả kiểm tra ngày 22-11 của UBND huyện Hoa Lư, tại thời điểm kiểm tra, Công ty Doanh Sinh đang xây dựng nhiều công trình. Đó là nhà dịch vụ xông hơi số hiệu 24 xây dựng trên diện tích thực tế 720 m2 (đã đổ xong móng bê-tông cốt thép, đang lắp dựng cốt thép cột), vượt 240 m2 diện tích được cấp phép; cụm nhà nghỉ 2 tầng số hiệu 25, diện tích xây dựng thực tế 1.990 m2 (đã xây dựng xong tầng hầm, đang làm thép sàn mái tầng 1), vượt tới 1.390 m2 diện tích được cấp phép; nhà nghỉ dưỡng loại 1, xây dựng 310,5 m2 (đã đổ xong mái bê-tông cốt thép tầng 2), diện tích được cấp phép là 130 m2.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng còn phát hiện tại cụm nhà nghỉ 2 tầng số hiệu 25, ngoài việc xây dựng sai quy mô còn sai vị trí so với tổng mặt bằng đã được cấp phép.
Trong báo cáo về vụ việc này, UBND huyện Hoa Lư khẳng định toàn bộ công trình đang thi công xây dựng của Công ty Doanh Sinh thuộc vùng lõi di sản Tràng An (vùng được bảo vệ nghiêm ngặt), vi phạm nghiêm trọng các quy định tại Quyết định 230/QĐ-TTg ngày 4-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng quần thể danh thắng Tràng An và quy chế bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 22-10-2018 của UBND tỉnh Ninh Bình.
Hầu hết các công trình này đã được xây dựng xong phần móng thì lực lượng chức năng mới phát hiện cho dừng lại
Cho thời gian điều chỉnh... giấy phép (!?)
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Bùi Duy Quang, Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư, khẳng định các công trình xây dựng của Công ty Doanh Sinh nằm trong vùng lõi di sản Tràng An xây dựng tăng diện tích so với giấy phép. "Ngay sau khi phát hiện sự việc, chúng tôi đã lập đoàn kiểm tra, khi phát hiện sai phạm đã cho đình chỉ thi công trong thời gian 60 ngày, yêu cầu chủ đầu tư báo cáo giải trình. Đồng thời, UBND huyện đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 75 triệu đồng" - ông Quang nói.
"Huyện đã báo cáo sự việc lên UBND tỉnh Ninh Bình và các ngành có liên quan. Đồng thời, Công ty Doanh Sinh trong vòng 60 ngày phải đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép điều chỉnh, nếu quá hạn không xuất trình được giấy phép điều chỉnh thì công ty phải tự tháo dỡ phần vi phạm của công trình hoặc chúng tôi sẽ chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ" - ông Quang khẳng định.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về việc Công ty Doanh Sinh xây dựng vượt phép mà các ngành chức năng không hay biết, ông Quang phân trần là do công ty chưa kịp xuất trình giấy phép, đến khi có dấu hiệu sai phạm, lực lượng chức năng kiểm tra đối chiếu các hồ sơ thì mới phát hiện. "Theo báo cáo giải trình của công ty, để xảy ra sự việc là do sơ suất của chủ doanh nhiệp bận đi công tác nên chưa xem xét cụ thể việc tính toán thi công, triển khai dự án. Công ty mong muốn xin được giữ lại phần xây dựng sai phạm. Nếu công ty không xin điều chỉnh được quy hoạch thì chúng tôi sẽ xử lý theo quy định" - ông Quang cho biết.
Hàng loạt công trình vi phạm
Theo báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, trong vùng lõi di sản Tràng An hiện có tới 64 cơ sở kinh doanh dịch vụ homestay, trong đó có 20 công trình xây dựng không phép (xây sau Quyết định 230 của Thủ tướng Chính phủ), dù sở này đã đưa thông tin các cơ sở vi phạm lên cổng thông tin của tỉnh để khuyến cáo, đề nghị các ngành chức năng yêu cầu dừng hoạt động nhưng vẫn không có tác dụng. Điển hình như năm 2017, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phải vào cuộc chỉ đạo làm rõ công trình xây dựng đường lên núi Cái Hạ (thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) xâm phạm nghiêm trọng vùng lõi di sản. Sau đó, tỉnh này đã yêu cầu tháo dỡ công trình, trả lại nguyên trạng, hàng chục cán bộ thuộc các sở, ngành, huyện, xã có liên quan đến vụ việc này đã bị kỷ luật.
Bình luận (0)