Việt Nam đã đạt mục tiêu kiểm soát được dịch COVID-19, đưa đất nước về trạng thái bình thường mới, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn cảnh báo những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể khiến dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.
Ngừng cập nhật cấp độ dịch
Những ngày qua, số ca COVID-19 giảm sâu với hơn 14.000 người mắc được Bộ Y tế thông báo từ đầu tháng 10-2022 đến nay. Trung bình mỗi ngày, cả nước chỉ có thêm gần 780 ca mắc mới, trong khi thời điểm tháng 8 và 9-2022, con số này là 2.500 - 3.000 ca.
Theo thống kê cấp độ dịch mới nhất của Bộ Y tế, đến ngày 3-10, gần như cả nước đã là "vùng xanh". Cụ thể, trong số 10.604 xã, phường đánh giá cấp độ dịch thì có đến 9.643 xã, phường (tương đương 90,9%) là "vùng xanh"; 832 xã, phường là "vùng vàng" (7,9%); 138 xã, phường "vùng cam", "vùng đỏ" chỉ chiếm 1,3%.
Tuy nhiên, cũng theo tổng hợp đánh giá này thì thời điểm đánh giá cấp độ dịch ở một số xã "vùng cam", "vùng đỏ" là từ tháng 7 và 9-2022, thậm chí TP Hà Nội từ tháng 2-2022 và Bình Phước từ tháng 4-2022. Trong khi đó, theo thống kê trên trang web của một số địa phương có xã thuộc "vùng cam", "vùng vàng", hiện tất cả đã là "vùng xanh".
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một đại diện Bộ Y tế cho biết thời gian qua, các địa phương đã không đánh giá cấp độ dịch COVID-19. Bởi lẽ, theo quy định, các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch COVID-19 gồm: tỉ lệ ca mắc mới trên địa bàn/số dân/thời gian; độ bao phủ vắc-xin và khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám chữa bệnh các tuyến.
"Với tiêu chí đầu tiên, thời gian qua, dịch đã giảm, cuộc sống trở lại bình thường, không còn thực hiện xét nghiệm cộng đồng nên việc đánh giá cấp độ dịch là không chính xác. Bên cạnh đó, tỉ lệ bao phủ vắc-xin ở nước ta cũng đạt rất cao" - vị này nhận xét.
PGS-TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết đến nay, quan điểm, chiến lược về phòng chống dịch của WHO và các quốc gia/vùng lãnh thổ đã có nhiều thay đổi. Đó là từ chiến lược "Zero COVID-19" chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả đại dịch (tức là chung sống an toàn với COVID-19).
Thời gian qua, số ca mắc COVID-19 được Bộ Y tế thống kê giảm mạnh so với các tháng trước đó. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số thực tế bởi nhiều trường hợp không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên không xét nghiệm; một số trường hợp xét nghiệm dương tính cũng không khai báo y tế. Như vậy, những thông tin về ca bệnh được cập nhật hằng ngày có thể chỉ là những bệnh nhân phải nhập viện điều trị hoặc đến cơ sở y tế thăm khám.
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, khi kiểm soát được dịch bệnh, tỉ lệ tiêm vắc-xin tăng lên và chuyển sang trạng thái thích ứng linh hoạt, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ và Bộ Y tế đã điều chỉnh các biện pháp chống dịch cho phù hợp. Trước đó, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã đưa ra thông điệp mới thay cho quy định 5K phòng chống dịch COVID-19 là 2K+ (khẩu trang, khử khuẩn + vắc-xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp phù hợp khác), cùng với 3 trụ cột (xét nghiệm, cách ly, điều trị). Điều này hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Nhiều hoạt động công cộng ở TP HCM từ lâu đã trở lại bình thường. Trong ảnh: Người dân và du khách nước ngoài trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1)Ảnh: Quang Liêm
Đạt mục tiêu kiểm soát dịch
WHO nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023 và có thể xuất hiện các chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho tình hình diễn biến khó lường. Tuy nhiên, việc bao phủ vắc-xin, có thuốc điều trị sẽ giúp giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỉ lệ mắc.
Báo cáo việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 về các chính sách phòng chống dịch COVID-19, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định Việt Nam đã đạt mục tiêu kiểm soát được dịch COVID-19, đưa đất nước về trạng thái bình thường mới, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
TS Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, cũng nhìn nhận Việt Nam đã làm rất tốt việc quản lý đại dịch. Ngay từ đầu dịch COVID-19, Việt Nam đã có các biện pháp xã hội và chăm lo sức khỏe cộng đồng thực sự mạnh mẽ để ứng phó. Với hơn 260 triệu liều vắc-xin COVID-19 đã được tiêm, Việt Nam trở thành một trong những nước có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Đến nay, tiêm vắc-xin COVID-19 là một biện pháp quan trọng trong phòng chống dịch. Đây được coi là vũ khí chiến lược và yếu tố quyết định trong việc đẩy lùi đại dịch.
Theo các chuyên gia dịch tễ, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 giảm sâu, cả nước vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới. Bộ Y tế cho biết nhiều địa phương vẫn tiếp tục ghi nhận những ca bệnh mắc các biến thể mới của Omicron với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc. Các biến thể phụ mới xuất hiện được cơ quan chức năng theo dõi, đánh giá và phối hợp với các tổ chức quốc tế kiểm soát hiệu quả, thường xuyên đánh giá nguy cơ.
Trong khi đó, PGS-TS Trần Đắc Phu cho rằng trong công tác phòng chống dịch COVID-19, điều quan trọng hiện nay là những khuyến cáo nhằm hướng đến sự thay đổi, duy trì hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe, như thông điệp 2K+ của Bộ Y tế.
Xây dựng 2 tình huống ứng phó
Bộ Y tế vừa xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế, ứng phó dịch COVID-19 năm 2022-2023 với 2 tình huống. Tình huống 1: Chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa nhưng do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng. Đối với tình huống này, các biện pháp phòng chống sẽ được giảm dần như đối với các bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Tình huống 2: Xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn, có khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên. Theo đó, các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 sẽ được củng cố và thực hiện theo yêu cầu đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Bình luận (0)