Ngày 20-7-2019, 2.000 lá cờ Tổ quốc từ Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" của Báo Người Lao Động đã được trao cho ngư dân Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Gần tròn 1 năm, chúng tôi có dịp gặp lại những ngư dân được nhận cờ từ chương trình, nghe họ kể những câu chuyện đầy ý nghĩa gắn với hình ảnh lá cờ Tổ quốc trong công cuộc bám biển giữ ngư trường.
Nhìn cờ Tổ quốc như được ở nhà
Sau gần 1 tháng ra khơi ở Hoàng Sa, sáng 28-5, tàu cá của ngư dân Dương Văn Giàu (45 tuổi) cập cảng Lý Sơn (xã An Hải, huyện Lý Sơn). Gặp chúng tôi, ông Giàu phấn khởi khoe chuyến biển vừa rồi, nhờ thuận buồm xuôi gió nên tàu của ông đánh bắt được khấm khá.
Gần 30 năm bám biển mưu sinh, đánh cá khơi xa ở Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, dù gặp không ít tai ương, rủi ro nhưng khó khăn nào ông Giàu cũng vượt qua. Theo ngư dân dày dạn kinh nghiệm này, ở nơi đầu sóng ngọn gió, khó tránh khỏi hiểm nguy, thiên tai, bão tố. Những lúc đó, cái thân thương, quen thuộc nhất với ngư dân là hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay trên nóc tàu. "Nhìn lá cờ, bao nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương như thôi thúc anh em phải cố gắng, bằng mọi giá phải vượt qua. Mình không còn thấy lẻ loi, cô độc giữa muôn trùng biển khơi nữa" - ông Giàu tâm sự.
Ông Giàu bảo rằng chính sự kỳ vọng của người dân cả nước được kết tinh trong những lá cờ từ Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" giúp ngư dân can trường, vững chãi hơn; đặc biệt là thời gian gần đây, tình hình biển Đông rất phức tạp, tàu cá của ngư dân Việt Nam đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa phải đối mặt với nhiều khó khăn từ sự quấy phá của tàu nước ngoài.
Còn ngư dân Bùi Văn Phải (31 tuổi) bộc bạch đối với mỗi tàu cá ngư dân Lý Sơn, cũng như tàu đánh bắt xa bờ của các địa phương, một khi ra biển là cờ Tổ quốc được treo ở vị trí trang trọng nhất. Với bà con ngư dân, cờ Tổ quốc trên nóc tàu là biểu tượng thiêng liêng, tượng trưng cho máu và nước mắt của cha ông, những người đã ngã xuống vì biển, đảo quê hương.
"Trong thời gian qua, nhiều tàu cá ngư dân mình ra Hoàng Sa, Trường Sa thường bị tàu nước ngoài có vũ trang xua đuổi, quấy phá. Nhưng hình ảnh lá cờ Tổ quốc không bao giờ ngừng bay trên nóc tàu. Đó là tài sản lớn nhất đối với những ngư dân chúng tôi, không gì quý bằng. Dù có đối mặt hiểm nguy, chúng tôi vẫn quyết bảo vệ tàu, bảo vệ cờ Tổ quốc, bảo vệ ngư trường" - ngư dân Phải bày tỏ.
Chính vì ý nghĩa thiêng liêng của hình ảnh lá cờ Tổ quốc nên trong chuyến biển vào tháng 3-2013, tàu cá anh Phải bị tàu Trung Quốc bắn đạn pháo khiến cháy cabin và nhiều vật dụng khác nhưng các ngư dân trên tàu anh Phải vẫn kiên quyết bảo vệ lá cờ Tổ quốc, đúng như quan niệm "còn người còn cờ, mất người mới mất cờ".
Ngư dân Lý Sơn treo cờ Tổ quốc do Báo Người Lao Động trao tặng trước khi vươn khơi
Bỏ tàu nhưng không bỏ cờ
Thuyền trưởng kiêm chủ tàu Nguyễn Chí Thạnh năm nay 36 tuổi, có "thâm niên" bám biển Hoàng Sa hơn 20 năm. Trong suốt 20 năm ấy, gần chục lần tàu của anh bị tàu nước ngoài xua đuổi, bắt bớ hoặc gặp bất trắc do thiên tai. Kể lại lần tàu bị sóng to gió lớn đánh chìm ở Hoàng Sa, anh Thạnh nói lúc tàu chuẩn bị chìm hẳn, anh vội chạy lên mũi tàu tháo lá cờ Tổ quốc để mang theo. Lá cờ này được anh cất giữ, bảo vệ chu đáo, đến khi có tàu mới thì lấy ra treo.
"Đi làm biển như ngư dân chúng tôi, quanh năm sống với sóng gió, đối mặt với hiểm nguy rình rập. Trên biển, bốn bề một màu, không biết nơi đâu là quê hương... Những lúc như vậy, nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay, mình như được ở nhà, cảm giác gần gũi, thân thương lắm. Bởi vậy, khi chúng tôi được tặng cờ Tổ quốc, cảm giác rất kỳ lạ, như được tiếp thêm sức mạnh" - anh Thạnh trải lòng.
Cùng nhận cờ Tổ quốc từ Báo Người Lao Động trao tặng cách đây 1 năm, chủ tàu Nguyễn Văn Quang (ngụ xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn) cho biết hiện nay những tàu cá đi Hoàng Sa như bà con ngư dân Lý Sơn, ngày nào cũng bị tàu nước ngoài có vũ trang quấy phá. Thậm chí, khi thấy tàu cá ngư dân Việt Nam treo cờ Tổ quốc, tàu nước ngoài liên tục xua đuổi, đe dọa dùng vũ lực... Thế nhưng, đối với ngư dân Việt Nam, tàu không có cờ chẳng khác nào nhà không có nóc. Bất luận thế nào, hình ảnh lá cờ Tổ quốc vẫn luôn được treo ở vị trí cao nhất, trang trọng nhất trên con tàu.
"Báo Người Lao Động tặng cờ cho ngư dân chúng tôi là việc làm rất ý nghĩa. Giá trị tinh thần của lá cờ này hơn triệu lần tiền bạc bỏ ra mua" - ông Quang chia sẻ.
Tiếp sức cho ngư dân
Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch HĐND huyện Lý Sơn, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn - là người trực tiếp nhận 2.000 cờ Tổ quốc từ Chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển". Bà Hương cho biết sau khi Báo Người Lao Động tặng 2.000 lá cờ Tổ quốc, UBND huyện Lý Sơn đã phân phát cho ngư dân 2 xã An Hải và An Vĩnh.
Là người lớn lên, trưởng thành, gắn bó với Lý Sơn, bao năm qua, bà Hương chứng kiến rất nhiều vụ việc tàu cá Lý Sơn bị tàu nước ngoài bắt bớ, xua đuổi, thậm chí đâm chìm tàu, gây thiệt hại nặng nề. Các diễn biến phức tạp trên biển Đông thời gian qua, nhất là việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động xâm lấn chủ quyền Việt Nam trên 2 vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, đòi hỏi ngư dân nỗ lực nhiều hơn, đoàn kết trên biển để cùng vượt qua khó khăn. "Chương trình này có ý nghĩa lớn lao, tiếp sức, động viên ngư dân bám biển, giữ ngư trường, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của đất nước" - bà Hương khẳng định.
Cờ Tổ quốc theo tàu cá ngư dân Phú Quốc ra khơi
Ý thức treo cờ Tổ quốc mỗi lần ra biển
Sáng 16-8-2019, tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Ðồn Biên phòng cửa khẩu cảng Dương Ðông (huyện Phú Quốc) nhận bàn giao 3.000 lá cờ Tổ quốc từ chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển". 1.000 lá cờ đầu tiên trong số cờ Tổ quốc này đã được Ðồn Biên phòng cửa khẩu cảng Dương Ðông trực tiếp trao lại cho ngư dân vào ngày 11-9. Ðến nay, những lá cờ thân thương theo tàu cá của ngư dân huyện đảo này ra các vùng biển phía Nam.
Ngư dân Nguyễn Văn Nguyên (ngụ thị trấn Dương Đông) cho biết gần một năm qua, lúc nào trên tàu cá của ông cũng ý thức việc treo lá cờ Tổ quốc của chương trình. Nhớ lại không khí phấn khởi hôm nhận cờ, ngư dân trẻ Hoàng Văn Trọng (ngụ thị trấn Dương Đông) nói mỗi lần ra khơi đánh cá, cờ Tổ quốc như người bạn đường chỉ lối.
Trung tá Lưu Quang Mười, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Dương Đông, chia sẻ rằng chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" có ý nghĩa thiết thực đối với ngư dân. Đó là động lực giúp ngư dân phát huy cao trách nhiệm đối với Tổ quốc, khơi dậy niềm tin, niềm tự hào dân tộc, góp phần tích cực tham gia các phong trào bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Còn ông Phan Xuân Trí - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch LĐLĐ huyện Phú Quốc - khẳng định: "Đây là việc làm hết sức có ý nghĩa, qua đó góp phần thay đổi nhận thức, đề cao trách nhiệm công dân đối với mỗi ngư dân. Khi nhận những lá cờ Tổ quốc từ tay các cán bộ LĐLĐ tỉnh Kiên Giang và chiến sĩ Đồn Biên phòng, ngư dân cảm thấy rất ấm lòng, càng vững tin hơn".
Tin-ảnh: H.Tuấn
Bình luận (0)