Không phải đợi đến khi dịch Covid-19 làm đảo lộn tất cả thì việc đa dạng hóa nguồn thu mới trở thành nhu cầu cấp bách của báo chí thế giới. Kể từ khi báo in xuống dốc, ngành truyền thông thế giới đã đối mặt với nhiều câu hỏi liên quan đến chính sự tồn vong của mình.
Đừng nên chỉ dựa vào quảng cáo!
Khi cả thế giới cùng dịch chuyển sang môi trường internet thì việc chuyển doanh thu từ báo in sang báo mạng không đơn giản như bài toán vỡ lòng "1 cộng 1 bằng 2". Bởi vì, theo thống kê, 70%-75% doanh thu từ quảng cáo kỹ thuật số đã rơi vào túi 2 gã khổng lồ công nghệ Google và Facebook.
Ngay cả ở những nơi thị trường báo chí phát triển hàng trăm năm như châu Âu hay Úc, các cơ quan báo chí, với sự hậu thuẫn của chính phủ, cũng đã phải thực hiện những cuộc chiến pháp lý nhằm buộc 2 gã khổng lồ kia chia sẻ lại một phần nhỏ miếng bánh mà họ đang nắm giữ.
Nên ở những thị trường kém phát triển hơn như Việt Nam, nói như một đại lý quảng cáo (agency) mà người viết có dịp trò chuyện thì chúng ta chỉ đang nhặt nhạnh những "mảnh vụn bánh mì" mà thôi. Ngay cả những tập đoàn lớn nhất Việt Nam hiện giờ cũng cắt giảm ngân sách dành cho báo chí - truyền thông. Chẳng hạn, thay vì "đi bài PR" trên báo nội, họ sẽ dành tiền chạy bài trên báo quốc tế, còn các báo nội thì tự nguyện dịch lại và đăng không công (!).
Nhưng đó là thời trước đại dịch, còn khi cơn sóng Covid-19 ập đến, các tập đoàn cũng tự xây các kênh truyền thông riêng của mình (own media) hoặc thực hiện những chiến dịch quảng bá trên mạng xã hội thay vì báo chí chính thống.
Đấy là lý do mà giáo sư (GS) truyền thông Victor Pickard của Đại học Pennsylvania (Mỹ) nhận xét: "Báo chí thương mại luôn dễ gặp khủng hoảng vì quá phụ thuộc vào nguồn thu quảng cáo".
"Internet không phải là nguyên nhân gây ra khủng hoảng. Đây là khủng hoảng cố hữu của mô hình đã tồn tại 150 năm, bởi quảng cáo từ lâu chỉ được coi là một khoản trợ cấp cho báo chí mà thôi. Độc giả và các nhà quảng cáo thực tế chi trả một phần nhỏ cho các trang web so với quảng cáo trên báo in, mà phần nhỏ đó lại thuộc về Google, Facebook" - GS Pickard nói trong cuộc phỏng vấn trên tạp chí của Hiệp hội Báo chí và Các nhà xuất bản tin tức (WAN-IFRA) hồi tháng 6-2020.
Bài học về đa dạng hóa nguồn thu
Trước thực trạng này, từ năm 2018, WAN-IFRA đã đặt ra giải thưởng về đa dạng hóa nguồn thu (Best Revenue Diversification) tại các sự kiện thường niên của mình. Tổ chức này cũng thường xuyên mở các cuộc hội thảo, tập huấn nhằm hỗ trợ các cơ quan báo chí tìm kiếm những mô hình kinh doanh mới. Nhiều ý tưởng kiếm tiền phi truyền thống đã được chia sẻ, như kinh nghiệm của tờ Thời báo Quảng Châu (thuộc Guangzhou Daily Group) ở Trung Quốc.
David Lu, Trưởng Bộ phận Quan hệ quốc tế của Guangzhou Daily Group (GZ Daily), cho hay từ một tờ nhật báo, Thời báo Quảng Châu đã trở thành tập đoàn kinh doanh đa ngành thành công nhất trong lĩnh vực truyền thông ở Trung Quốc nhờ sớm chuyển hướng đa dạng hóa nguồn thu.

Google, Facebook, Instagram, Twitter, Snapchat và TikTok chiếm gần trọn doanh số quảng cáo số hóa của truyền thông toàn cầu hiện nayẢnh: CNBC
Theo ông Lu, cũng giống như tình hình chung của thế giới, doanh thu báo in ở Trung Quốc sụt giảm tới 35% trong những năm gần đây. Còn trên môi trường online, nếu báo chí thế giới đầu hàng trước Google và Facebook thì tại Trung Quốc, tình hình cũng chẳng khá hơn, bởi thế chỗ 2 gã khổng lồ kia là những đại gia công nghệ nội địa như WeChat và QQ. Mức doanh thu của 2 đại gia này là 16 tỉ nhân dân tệ mỗi năm, gấp khoảng 7-8 lần GZ Daily.
Đứng trước thách thức đó, GZ Daily lập chiến lược phát triển dựa trên bài toán đa dạng hóa nguồn thu, bao gồm: quản lý và cho thuê bất động sản, đầu tư tài chính, khai thác dữ liệu độc giả, thương mại điện tử, logistics (kho vận), in thương mại, triển lãm công nghiệp, quảng cáo ngoài trời, tổ chức sự kiện.
Trong số này, nhiều nước đi của GZ Daily được đánh giá là tiên phong và vô cùng sáng tạo. Chẳng hạn, do số lượng tirage báo in sụt giảm, họ mạnh dạn thu hẹp lại quy mô của chức năng chính và tận dụng nhà kho cùng đội xe giao báo trước đây để phát triển thành một công ty kho vận hàng đầu ở Quảng Châu.
Ngay từ những năm 2015-2016, đón đầu làn sóng thương mại điện tử phát triển mạnh ở Trung Quốc, GZ Daily đã lập kế hoạch thu thập và khai thác dữ liệu độc giả, rồi hợp tác với các ngân hàng và trang thương mại điện tử để biến nguồn tài nguyên đó thành mỏ vàng mới. Hiện giá trị thương hiệu của GZ Daily được đánh giá ở mức 22 tỉ nhân dân tệ (tương đương 3,4 tỉ USD) nhờ những bước đi nhanh nhạy, nắm bắt xu hướng như vậy.
Ngoài câu chuyện thành công nói trên, một trong những hình thức kiếm tiền được cả WAN-IFRA lẫn FIPP (Mạng lưới Truyền thông quốc tế) nhấn mạnh nhiều hơn cả là thu phí độc giả (Subscription & Paywall). Chuyên gia của FIPP John Wilpers và Juan Senor chia sẻ 12 cách thức kinh doanh mới (hầu hết đều đã được GZ Daily thực hiện) thì đứng đầu vẫn là thu phí độc giả.
The New York Times (Mỹ) tiếp tục được coi là ví dụ điển hình với thông cáo được đưa ra hồi đầu năm nay: Doanh thu từ thu phí độc giả đã vượt doanh thu từ quảng cáo kỹ thuật số, mà quảng cáo kỹ thuật số đã vượt quảng cáo của báo in! "Thu phí độc giả đã trở thành nguồn thu ổn định, trong khi doanh thu quảng cáo kỹ thuật số khá bấp bênh" - Viện Báo chí Reuters từng kết luận.
Tới 6 tháng đầu năm 2021, báo chí thế giới ghi nhận thêm những cách thức kiếm tiền mới như Podcast khi loại hình này phát triển cả ở 3 thị trường lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Trong 3 giải thưởng về đa dạng hóa nguồn thu được WAN-IFRA công bố vào tháng 7-2021 thì tập đoàn báo chí Bennett Coleman của Ấn Độ đoạt giải vàng với sản phẩm Podcast, VnExpress của Việt Nam đoạt giải bạc cho mảng tổ chức sự kiện (chuỗi giải marathon)...
Nhiều hình thức kinh doanh mới cũng đang được cập nhật trên môi trường internet khi biết biến nguy cơ thành cơ hội, mà quan trọng là các cơ quan báo chí nắm bắt cơ hội đó ra sao mà thôi.
"Cuộc khủng hoảng của báo chí cũng chính là cơ hội để báo chí tự đổi mới" - GS Victor Pickard kết luận.
Bình luận (0)