Không bó gối ngồi nhìn dân đói
Những ngày sau thống nhất, cùng với không khí chung của cả nước, TP HCM nô nức bắt tay tái lập trật tự xã hội, nhanh chóng xây dựng chính quyền cách mạng và khôi phục sản xuất ở thành phố, đồng thời kêu gọi nhân dân trở về quê cũ. Lực lượng Thanh niên xung phong được thành lập, ra quân xây dựng TP và các khu kinh tế ở Đông - Tây Nam Bộ lẫn Tây Nguyên. Ngay tại TP, nhà máy xí nghiệp mở cửa hoạt động trở lại, kỹ sư, công nhân lành nghề được vận động quay lại công xưởng. Thế nhưng, không khí hồ hởi đó không kéo dài. Chỉ mấy tháng sau, nguyên liệu sản xuất cạn dần, máy móc hỏng hóc không có linh kiện thay thế. Sản xuất bắt đầu ngưng trệ, công nhân không có việc làm đành phải đi nuôi heo, trồng rau.
Xí nghiệp Cholimex (quận 5) đón Bí Thư Thành ủy TP HCM NGUYỄN VĂN LINH đến thăm và làm việc vào năm 1983. (Ảnh tư liệu do Cholimex cung cấp)
Khó khăn mỗi lúc mỗi chồng chất, nếu không muốn nói là bi đát. Cả TP đói ăn vì hàng hóa, lương thực được phân bổ, cấp phát theo kế hoạch không đủ đáp ứng nhu cầu. Hình ảnh thường thấy nhất là những đoàn người xếp hàng rồng rắn cả ngày trước các cửa hàng lương thực quốc doanh. Nhà nhà ăn cơm độn bo bo, khoai sắn… Kinh tế TP khủng hoảng trầm trọng, giá cả thị trường tăng phi mã, lạm phát có thời điểm lên đến 700%-800% do những sai lầm, duy ý chí trong cải tạo công thương nghiệp, bất cập trong phát triển kinh tế, quản lý điều hành "ngăn sông cấm chợ", "bán như cho, mua như cướp" đã gây tâm lý bất an cho mọi tầng lớp nhân dân. Lúc bấy giờ, bên cạnh việc ổn định tình hình thì cứu đói và tìm việc làm cho người lao động được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Lần đầu tiên trong lịch sử, lãnh đạo TP phải lo chạy ăn từng bữa cho 3,5 triệu dân.
Dân đói, không thể chờ gạo cứu trợ từ trung ương rót xuống, Sở Lương thực TP HCM không được phép thu mua theo giá thỏa thuận; nông dân các tỉnh không được bán lúa gạo về TP HCM vì bị cấm chuyển lương thực ra ngoại tỉnh. Không thể bó gối ngồi nhìn người dân tiếp tục ăn cơm độn bo bo dài ngày mà cũng không đủ, công nhân thì tụt giảm năng suất, có giáo viên ngất xỉu trên bục giảng vì đói, lãnh đạo TP liên tục họp bàn tìm giải pháp xoay chuyển tình hình. Quyết định cuối cùng từ Thành ủy được đưa ra: Lập tổ thu mua lúa gạo, tổ chức cho Công ty Lương thực TP HCM đem vải vóc, thuốc men, bột giặt… xuống các tỉnh miền Tây đổi lấy lúa gạo về bán cho dân.
Mở đường cho kinh tế hàng hóa
Tạm giải quyết xong nạn đói, lãnh đạo TP tính tới chuyện khôi phục sản xuất. Ông Võ Văn Kiệt lúc đó là Bí thư Thành ủy nhiều lần xuống các cơ sở sản xuất, tận mắt thấy máy móc bỏ không trong khi công nhân không có việc làm, Bí thư hỏi công nhân nếu có vật tư, nguyên liệu thì có làm được không, công nhân trả lời "làm được". Ông về bàn với Thành ủy tìm cách tháo gỡ. "Kế hoạch B", "kế hoạch C" ra đời từ đó, ngoài chỉ tiêu pháp lệnh sản xuất theo "kế hoạch A" do nhà nước giao, sản lượng sản xuất thêm theo kế hoạch B, C được hạch toán đầy đủ chi phí đầu vào, khấu hao máy móc thiết bị, đóng thuế… rồi đem bán theo giá thị trường, đổi lấy gạo, thủy - hải sản ở ĐBSCL để xuất khẩu, lấy ngoại tệ mua nguyên liệu tiếp tục sản xuất…
Chủ trương thống nhất nhưng lấy đâu ra tiền để mua nguyên - vật liệu sản xuất, làm sao thuyết phục các tỉnh bắt tay thực hiện? Vậy là một mặt TP huy động tiền, vàng trong dân để mua nguyên - vật liệu và vật tư từ nước ngoài (vải, sợi, sắt thép, nhựa...); một mặt bàn bạc thống nhất với các tỉnh ĐBSCL.
Thời điểm đó, vựa lúa miền Tây cũng đang bức bí vì phải phụ thuộc kế hoạch chung từ việc lớn là chỉ tiêu sản lượng đến những việc nhỏ như thời điểm xuống giống, bón phân, thu hoạch… Trong khi đó, mùa vụ và điều kiện thời tiết, đất đai thổ nhưỡng giữa 2 miền Nam - Bắc khác nhau, việc áp mùa vụ miền Bắc khiến năng suất bị ảnh hưởng. Một số địa phương vẫn chấp hành theo chủ trương chung nhưng sau vài mùa thử nghiệm không hiệu quả đã âm thầm điều chỉnh. Bên cạnh đó, các tỉnh ĐBSCL thừa gạo nhưng thiếu hàng hóa tiêu dùng…, lãnh đạo các tỉnh cũng mong muốn chăm lo đời sống người dân tốt hơn nên khi được TP HCM đặt vấn đề đã mạnh dạn "chạy" kế hoạch B, C trong sản xuất chăn nuôi để trao đổi với TP.
Cứ như vậy, TP có ngoại tệ để nhập vật tư, nguyên liệu, nhà máy công xưởng sáng đèn liên tục, đời sống người dân được cải thiện. Guồng quay được vận hành trơn tru và kéo theo cả hệ thống cùng vận động, không chỉ trong sản xuất công nghiệp mà còn tác động dây chuyền đến hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu…
Ông PHẠM CHÁNH TRỰC
Khéo léo thuyết phục
Năm 1981, ông Võ Văn Kiệt ra trung ương, ông Nguyễn Văn Linh thay ông Kiệt làm Bí thư Thành ủy TP HCM và tiếp tục đi sâu vào thực tế để nắm tình hình, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bung ra làm ăn. Có tiền, có nguyên liệu, có đầu ra, có sự ủng hộ của chính quyền TP, một số công ty, xí nghiệp như Nhà máy Thuốc lá Khánh Hội, Công ty Bột giặt miền Nam, Dệt Thành Công, Dệt Phong Phú, Xí nghiệp Cầu Tre… phấn khởi thi đua sản xuất, nhanh chóng "ăn nên làm ra", trở thành những ngọn cờ đầu trong phong trào đổi mới.
Mặc dù tư duy đột phá, cách làm hiệu quả nhưng TP HCM mất khá nhiều tâm sức để bảo vệ những thành quả đó. Không ít "lời ra tiếng vào" cho rằng việc "xé rào" như vậy không đúng chủ trương, không phù hợp với quy định nhà nước. Bộ Công nghiệp nhẹ vào thanh - kiểm tra một số nhà máy, xí nghiệp làm ăn giỏi, được Thành ủy, UBND TP HCM tặng cờ điển hình tiên tiến nhưng không phát hiện sai phạm gì.
Những người đứng đầu TP lúc ấy vừa kiên trì, dũng cảm chịu trách nhiệm về cách làm mới vừa khéo léo vận động, thuyết phục các vị lãnh đạo trung ương. Báo cáo liên tục được gửi về Bộ Chính trị kèm với đó là những kiến nghị cải cách chính sách, cởi trói cho sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Để tăng tính thuyết phục, lãnh đạo TP tổ chức hội nghị mời Bộ Chính trị vào nghe các giám đốc doanh nghiệp trình bày thực tiễn, đi thực tế để nhìn tận mắt những thành quả của quá trình bung ra khỏi vòng kiềm tỏa của kinh tế tập trung bao cấp.
Tổng Bí thư Trường Chinh có tiếng là người bảo thủ nhưng khi mắt thấy tai nghe, ông đã mạnh dạn thay đổi và thừa nhận cách làm mới của TP HCM là đi đúng hướng.
Năng động và sáng tạo
Công cuộc "xé rào", tháo gỡ những trói buộc về thể chế của TP HCM đã làm tiền đề cho bước đột phá "đổi mới tư duy" và những cải cách lớn lao về đường lối tại Đại hội Đảng lần VI tháng 12-1986 theo hướng đổi mới toàn diện, triệt để và sâu sắc mọi mặt đời sống của đất nước, trong đó có lĩnh vực kinh tế. Đại hội VI đã thống nhất quan điểm phải đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, cho phép và khuyến khích kinh tế tư nhân, cá thể phát triển trong những ngành nghề, lĩnh vực nhất định, coi trọng những hình thức kinh tế trung gian, điều chỉnh cơ cấu kinh tế ngành…
Đến giờ nhìn lại, tôi vẫn cho rằng thành công lớn nhất của lãnh đạo, nhân dân TP HCM giai đoạn ấy là đã năng động, sáng tạo, không chịu ngồi bó tay hoặc chùn bước trước khó khăn thách thức. Khó khăn nào cũng vượt qua, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành và luôn có sự điều chỉnh, linh hoạt để phù hợp với thực tiễn với cuộc sống, phát triển đi lên.
PHẠM CHÁNH TRỰC (nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM, nguyên Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương)
Bình luận (0)