Dự án sân bay Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đang trong giai đoạn nước rút giải tỏa bồi thường tái định cư để xây dựng sân bay tầm cỡ quốc tế.
Người dân 6 xã bị giải tỏa sẽ được bồi thường thỏa đáng, tổ chức tái định cư và tạo công ăn việc làm. Trong 6 xã phải giải tỏa, có 5 xã bị giải tỏa một phần, riêng Suối Trầu bị giải tỏa trắng, sẽ không còn trên bản đồ hành chính.
UBND xã Suối Trầu tồi tàn và tạm bợ
Mong sớm thoát... treo
Theo Quốc lộ 51 từ Đồng Nai về Vũng Tàu, đến thị trấn Long Thành rẽ trái khoảng 10 km là đến xã Suối Trầu. Nơi đây còn ít nhà cửa, nằm lấp ló xen kẽ giữ những cánh rừng cao su, bởi do quy hoạch nên không ai muốn sửa sang nhà cửa cho tươm tất.
Ở trung tâm xã, những con đường vắng, vài cái quán nhỏ
UBND xã Suối Trầu, trong tình hình chung đó, khá xập xệ. Sát ngay bên cạnh là trường tiểu học, theo đó cũng không được xây cất khang trang như nhiều nơi khác... Nói chung, đây là khu vực trung tâm xã nhưng rất thưa thớt người qua lại. Thỉnh thoảng vài bác nông dân cưỡi những chiếc xe máy đời cũ bám đầy đất đỏ nổ bành bạch lướt qua. Trước trụ sở xã và trường tiểu học, mấy quán xá cũ kỹ với bàn ghế sờn tróc. Tết đã đến, những cây bàng vẫn còn lả tả lá rơi rụng, tuy vậy trên cành đã nhú chồi non.
Nhà dân, những con đường cũ kỹ không được nâng cấp
Từ hướng trung tâm xã, men theo bên phải là ấp 2. Một con đường đất vắng vẻ, hai bên đường ken đầy rặng dâm bụt, các nhà dân mái lá, tôn hoặc xây đã lâu rêu mốc, xập xệ. Thanh niên đi vắng hết, còn những cụ già trông giữ cháu và thoáng bóng phụ nữ dọn vườn tược.
Tại đây, ông Nguyễn Văn An, 60 tuổi, đang bế cháu nội cho biết gia đình từ tỉnh Quảng Ngãi vào đây lập nghiệp hơn 40 năm trước. Hiện con trai, con gái ông đều đã lập gia thất. Nhưng hơn 10 năm qua, từ khi vùng này bắt đầu được quy hoạch thì căn nhà của gia đình không được xây mới.
"Không được xây mới nên cũng không ai sửa chữa cho khang trang mà chỉ sửa tạm cho sạch sẽ và không dột ướt thôi. Biết sẽ giải tỏa, nên chẳng sửa làm gì…" - ông An nói với giọng trầm trầm.
Còn bà Bùi Thị Hiền, 58 tuổi, cho hay lâu nay, gia đình vẫn sống trong chờ đợi, quy hoạch xây dựng sân bay thì mừng cho sự phát triển nhưng bản thân bà và gia đình cảm thấy cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện. "Hàng chục năm của một đời người sống… treo, rồi con cháu lớn lên cũng trong cảnh đó, đất không bán được, nhà không xây được, làm ăn đì đẹt, chúng tôi cứ như người sống tạm vậy…" - bà Hiền rầu rầu.
Trường học đơn sơ
Đi vòng quanh xã, nhà cửa vẫn trong cảnh thưa thớt và trông rất cũ. Vườn tược, chuồng trại không có đầu tư. Đường sá, hạ tầng cũng không được cải tạo. "Chúng tôi vào đây đã mấy chục năm, đất đai gắn bó, đời sống chưa thật khá giả nhưng cũng tạo cơ ngơi, công ăn việc làm nuôi con cái ăn học. Giờ đi tái định cư, thực tế cũng chưa biết ra sao, người trẻ còn dễ, chứ lớn tuổi như chúng tôi thì chẳng biết thế nào…", ông Trần Trà, 56 tuổi, trăn trở.
Chính quyền hứa đảm bảo
Xã Suối Trầu có diện tích hơn 1.300 ha với hơn 2.100 hộ dân, hơn 5.800 nhân khẩu. Trong kế hoạch thực hiện dự án Sân bay Long Thành có tầm cỡ quốc tế, năm 2019 sẽ khởi công từng phần, năm 2021 phải giao toàn bộ mặt bằng để thực hiện dự án. Theo đó, hầu hết các hộ dân bị giải tỏa sẽ chuyển đến sinh sống ở hai khu tái định cư Lộc An, Bình Sơn, nằm trong quỹ đạo đô thị sân bay. Đối với nỗi lo của người dân sau tái định cư, chính quyền tỉnh, huyện hứa đảm bảo quyền lợi về vật chất và tinh thần cũng như định hướng tương lai cho con em của họ.
Không khí vắng lặng, bàng bạc ở vùng quê sắp bị giải tỏa
Trong nhiều cuộc họp gần đây, các sở, ban, ngành tỉnh Đồng Nai đã bàn bạc rất nhiều xung quanh việc xây dựng cuộc sống của người dân tái định cư. Người có nhiều tiền đền bù sẽ điều tiết sử dụng như thế nào, người nhận bồi thường ít, con cái đông sẽ ra sao. Lớp trẻ đuợc tạo điều kiện như thế nào trong học hành, sinh hoạt. Người trong độ tuổi lao động sẽ có công ăn việc làm nhưng người già cả, vốn quen với ruộng vườn, sẽ thích nghi thế nào với cuộc sống mới? Chính quyền tỉnh Đồng Nai đã đề ra những giải pháp, hỗ trợ đào tạo nghề, ưu tiên con em trong vùng vào làm việc trong dự án và một số giải pháp ưu đãi khác.
Cuối năm 2018, chính quyền đã có thông báo, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 17.855 tỉ đồng. Số vốn để thực hiện kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm ổn định cuốc sống người dân tái định cư là 306 tỉ đồng. Thời điểm viết bài này, dự án bồi thường giải tỏa, tái định cư đã khởi động.
Đây là một trong những con đường "lớn" trong xã
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Suối Trầu: "Người dân trong xã đồng thuận chủ trương của nhà nước, mong tương lai phát triển nhưng cũng mang nhiều nỗi niềm riêng"
Ông Võ Tấn Đức - Chủ tịch UBND huyện Long Thành khẳng định khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, nơi người dân khi được giải tỏa chuyển đến sẽ nằm ở khu rất sôi động. Theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, 2 khu tái định cư này trong tương lai sẽ hướng tới thành một khu đô thị mới của tỉnh nói riêng và của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Đây cũng là một trong những trung tâm của "đô thị sân bay"- mô hình hoạt động vùng khi sân bay Long Thành đi vào khai thác.
Tại cuộc họp chiều cuối năm 2018, làm việc với các sở, ban, ngành để rà soát công tác triển khai xây dựng Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh yêu cầu các sở, ngành điều động, bố trí nhân lực tối đa cho việc giải quyết các hồ sơ của 2 khu tái định cư, lập các ban chỉ đạo chuyên biệt cấp tốc, nếu thiếu nhân lực thực hiện sẽ đề nghị bổ sung. Hình thức bố trí vào tái định cư cho dân phải ưu tiên nhanh gọn, linh động. Vì là dự án tầm vóc đồ sộ, chưa có tiền lệ nên phải được quan tâm đặc biệt
Bình luận (0)