Ngày 3-12, cơ quan chức năng của huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông tổ chức thống kê thiệt hại tài sản của người dân sống ven sông Sêrêpốk sau khi Nhà máy Thủy điện Buôn Kuốp xả lũ lưu lượng lớn vào rạng sáng cùng ngày.
Trở tay không kịp
Có mặt ở dọc mép sông Sêrêpốk trưa 3-12, phóng viên ghi nhận nước trên sông dâng cao nhiều mét so với bình thường. Nhiều người dân đứng ngồi thẫn thờ vì tài sản trị giá hàng tỉ đồng bỗng chốc mất sạch.
Bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1966; ngụ thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút) khóc nức nở vì 20 lồng cá trị giá hơn 5 tỉ đồng bị cuốn trôi trong ít phút. Chồng bà, ông Tống Văn Chung (SN 1965), cứng rắn hơn nhưng thỉnh thoảng cũng đưa tay quệt nước mắt. Ông Chung kể khoảng 4 giờ 30 phút, nước sông Sêrêpốk đổ về cuồn cuộn. "Lúc đó, tôi chỉ biết đứng trên bờ cầu nguyện nhưng chỉ ít phút sau, nước dâng cao nhiều, cuốn phăng 20 lồng bè nuôi cá. Không chỉ trắng tay, 2 tỉ đồng chúng tôi vay mượn đầu tư nuôi cá giờ không biết lấy gì trả" - ông Chung run rẩy nói.
Cũng theo ông Chung, những ngày qua, gia đình ông không nhận được thông báo của Nhà máy Thủy điện Buôn Kuốp cũng như chính quyền địa phương về việc xả lũ. Vài ngày trước, ông có nghe ngóng thông tin là thủy điện chỉ xả từ 300 đến 400 m3/giây nên yên tâm nhưng không ngờ xả đến hơn 1.100 m3/giây.
Tương tự, ông Bùi Văn Bình (SN 1962; ngụ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), cho biết gia đình ông đầu tư nuôi 10 lồng cá, khoảng hơn 1 tháng nữa là thu hoạch nhưng nay mất trắng. "Nước chảy mạnh đến nỗi xé rách lưới, cuốn phăng, nhấn chìm 10 lồng cá của tôi. Thiệt hại ước tính gần 1 tỉ đồng" - ông Bình buồn rầu nói.
Ông Tống Văn Chung thất thần vì 20 lồng cá bị cuốn trôi
Doanh nghiệp, chính quyền đổ lỗi nhau
Có mặt tại khu vực nuôi cá của gia đình ông Tống Văn Chung, ông Hồ Sơn - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Phòng chống lụt bão huyện Cư Jút - cho biết ngày 2-12, thủy điện Buôn Kuốp thông báo xả lũ và phát điện với lưu lượng tăng dần đến 800 m3/giây. Lúc 5 giờ ngày 3-12, ông nhận được thông báo của người dân về việc thủy điện xả lũ trôi hết lồng bè. Đến 7 giờ 30 phút cùng ngày, ông mới nhận được điện thoại từ thủy điện Buôn Kuốp thông báo xả lũ và phát điện tổng khối lượng 1.100 m3/giây.
"Việc xả lũ như vậy là sai quy trình vì phải thông báo trước 3 giờ để cơ quan chức năng có phương án chuẩn bị. Tuy nhiên, ở đây thủy điện đã xả lũ từ đêm nhưng đến 7 giờ 30 phút tôi mới nhận được thông tin. Thời gian qua mực nước ổn định, người dân không có sự chuẩn bị nhưng nay xả đột ngột gây thiệt hại lớn. Do đó, huyện đề nghị Công ty CP Thủy điện Buôn Kuốp có trách nhiệm đối với thiệt hại của người dân" - ông Sơn khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức, Phó Giám đốc Công ty CP Thủy điện Buôn Kuốp (quản lý Nhà máy Thủy điện Buôn Kuốp), lại cho rằng doanh nghiệp (DN) không có trách nhiệm và không hỗ trợ cho người dân. Theo ông Đức, lòng hồ Nhà máy Thủy điện Buôn Kuốp rất nhỏ, không có khả năng điều tiết lũ và theo quy trình vận hành liên hồ chứa thì nước về bao nhiêu, nhà máy sẽ xả bấy nhiêu, cho phép sai số 10%. Vào sáng 2-12, đơn vị có thông báo cho cơ quan chức năng về việc sẽ xả từ 327 m3/giây đến 800 m3/giây.
"Chúng tôi không có trách nhiệm đi thông báo cho từng người dân về việc xả lũ mà đó là trách nhiệm của chính quyền, của ban phòng chống lụt bão" - ông Đức nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc thông báo xả lũ tối đa 800 m3/giây nhưng vào lúc 4 giờ ngày 3-12, số liệu cho thấy xả 1.100 m3/giây, ông Đức cho rằng trong văn bản ngày 2-12 có nội dung lưu lượng quan trắc tại Giang Sơn (cách nhà máy hơn 30 km phía thượng nguồn) là hơn 1.500 m3/giây. Sau khoảng 40 giờ thì nước sẽ về đến thủy điện Buôn Kuốp và cơ quan chức năng căn cứ vào đó để biết.
Ông Nguyễn Đức nói thêm theo quy trình vận hành liên hồ chứa, DN chỉ cần thông báo việc xả lũ cho trưởng Ban Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh. Trưởng ban này cũng là người quyết định chế độ vận hành hồ chứa giảm lũ cho hạ du, chủ tịch UBND tỉnh quyết định vận hành hồ chứa trong tình huống bất thường. "Tuy nhiên, có nhiều lúc xảy ra vụ việc gì bất thường, gọi cho trưởng và phó ban không được. Thực tế 10 năm qua, tỉnh Đắk Nông mới một lần quyết định việc này, còn lại là DN tự làm, tự chịu trách nhiệm" - ông Đức nói và thừa nhận việc phối hợp giữa chính quyền và DN trong vấn đề xả lũ chưa chặt chẽ.
Sạt lở sát đập thủy điện Hương Điền
Ngày 3-12, cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã kiểm tra hiện trường vụ sạt lở tại Nhà máy Thủy điện Hương Điền nằm ở thượng nguồn sông Bồ (thị xã Hương Trà).
Khảo sát cho thấy khu vực hạ lưu vai trái cách đập thủy điện 60-200 m bị sạt lở với khối lượng ước tính khoảng 5.000 m3 đất, đá đổ xuống sông. Tuy nhiên, lòng sông rộng và có hố xói được thi công theo đúng thiết kế nên vụ sạt lở không gây co hẹp, tắc nghẽn dòng chảy, không ảnh hưởng đến khả năng thoát nước khi chạy máy cũng như xả lũ.
Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu chủ đầu tư là Công ty CP Thủy điện Hương Điền tổ chức quan trắc, theo dõi diễn biến, đánh giá mức độ an toàn và có phương án thiết kế, gia cố điểm sạt lở nói trên nhằm bảo đảm an toàn công trình, hạn chế tối đa áp lực cho các công trình ở hạ du khi điều tiết lũ.
Q.Tám
Bình luận (0)