Thời gian gần đây, tại một số địa phương ở tỉnh Lâm Đồng diễn ra rầm rộ tình trạng người dân tự ý phá đất rừng để phân lô bán nền trái phép, bất chấp quy định của nhà nước.
Lãnh đạo UBND phường 3, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng cho biết chính quyền địa phương vừa phối hợp với lực lượng Công an, Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý hồ Tuyền Lâm và Ban Quản lý rừng Lâm Viên giải tỏa một khu vực vừa bị phân lô, bán nền trên đất có rừng thuộc tiểu khu 266B, địa giới hành chính phường 3.
Phần đất rừng bị xâm hại này chỉ cách đường đèo Prenn Đà Lạt khoảng 500 m. Theo UBND phường 3, TP Đà Lạt, khu vực này đã được phân ít nhất thành 9 lô, mỗi lô diện tích từ 100-300 m2, có "quy hoạch" đường đi ở giữa. Trên các lô đất hiện vẫn còn nhiều gốc cây thông đã bị hạ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực đất lâm nghiệp có rừng trên do một người tên Mai Văn Bình (quê Thanh Hóa) tự ý phân lô để sang nhượng bất hợp pháp cho nhiều người khác. Ông Nguyễn Văn Hòa, quyền Chủ tịch UBND phường 3, cho biết nơi đây vốn là rừng thông. Cách đây một vài năm, hàng loạt cây thông đã bị đầu độc, triệt hạ với mục đích lấn chiếm đất để phân lô. Trong đó, có những lô bị ông Mai Văn Bình viết giấy sang nhượng lại cho 2 người. "Sau khi phát hiện vụ san ủi, phân lô bán nền này, chúng tôi đã họp bàn và phối hợp với ngành chức năng cưỡng chế. Đồng thời, tổng hợp thiệt hại rừng, đất lâm nghiệp để có hướng xử lý đối với gia đình ông Bình" - ông Hòa thông tin.
Lực lượng chức năng TP Đà Lạt đo đếm, giải tỏa những công trình trái phép tại tiểu khu 266B. Ảnh: ĐÌNH THI
Trong khi đó, tại tỉnh Gia Lai, dù là đất thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn nhưng UBND huyện Chư Pứh lại tự ý cấp 16 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) trên diện tích 24 ha cho người dân xã Ia Blứ, huyện Chư Pứh. Ngay sau khi được cấp sổ đỏ, các hộ dân đã mang thế chấp tại một số chi nhánh ngân hàng ở huyện Chư Pứh và Chư Sê để vay vốn. Người ít 200 triệu đồng, người nhiều hơn nửa tỉ đồng.
Khi phát hiện diện tích đất của các hộ dân là đất lâm nghiệp, chính quyền huyện Chư Pứh "sửa sai" bằng cách không xác nhận cho người dân đăng ký thế chấp để đáo hạn ngân hàng, dẫn đến không những người dân khổ mà ngân hàng cũng khốn đốn.
Trong thời gian 2015-2018, giai đoạn huyện Chư Pứh cấp sổ đỏ trái phép, bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Chư Pứh, đã ký nhiều hồ sơ và tham mưu lãnh đạo huyện duyệt cấp sổ đỏ. Bà Nga cho rằng thời điểm ấy, ranh giới bản đồ không rõ ràng nên mới cấp. "Huyện đang rà soát, kiểm tra. Sau kiểm tra, ai sai đến đâu thì sửa và phải chịu trách nhiệm tới đó" - bà Nga nói.
Ông Nguyễn Minh Tứ, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pứh, thừa nhận việc xác định hồ sơ có sự phối hợp không tốt giữa Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn, chính quyền xã và Văn phòng Đăng ký đất đai của huyện dẫn đến việc sai sót.
Bình luận (0)